Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật thăm Campuchia, Việt Nam giữa lo ngại về Trung Quốc


Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nói Nhật Bản đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Campuchia và Việt Nam trong những năm gần đây và ông hy vọng sẽ tăng cường hợp tác.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nói Nhật Bản đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Campuchia và Việt Nam trong những năm gần đây và ông hy vọng sẽ tăng cường hợp tác.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hôm 5/8 hội đàm với các quan chức cấp cao tại Campuchia, một đồng minh hàng đầu của Trung Quốc, khi ông bắt đầu chuyến đi Đông Nam Á mà trong đó ông cũng sẽ ghé thăm Việt Nam, nơi có mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh do các tranh chấp hàng hải.

Nhật Bản trong lịch sử vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với Campuchia, nhưng ảnh hưởng của nước này không đáng kể so với Trung Quốc, đối thủ địa chính trị lớn nhất của Tokyo ở châu Á và là nước có ảnh hưởng đang gia tăng trên khắp Đông Nam Á. Tokyo đang lo ngại về hoạt động hàng hải hung hăng của Trung Quốc và tìm cách chống lại sự tiếp cận về mặt ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Campuchia Tea Seiha, cũng như với Thủ tướng Hun Manet và cựu Thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Tướng Chhum Sochet cho biết trên trang Facebook của mình.

Ông nói hai bộ trưởng quốc phòng đã cam kết thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là về nguồn nhân lực và trao đổi các chuyến thăm nhân sự, như đã nêu trong bản ghi nhớ năm 2013.

Một tuyên bố riêng của Bộ Quốc phòng cho biết hai bên đã nhất trí tổ chức một khóa đào tạo quân sự chung về các hoạt động cứu hộ thảm họa và trao đổi tùy viên quân sự.

Ông Kihara nói với các phóng viên trước chuyến đi rằng Nhật Bản đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Campuchia và Việt Nam trong những năm gần đây và ông hy vọng sẽ tăng cường hợp tác.

“Các nước Đông Nam Á nằm ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược, là một phần của các tuyến đường biển quan trọng của Nhật Bản”, ông Kihara cho biết.

Ông nói Nhật Bản đã nâng quan hệ với cả Campuchia và Việt Nam lên mức đối tác toàn diện và chiến lược.

Ông Kihara cho biết ông hy vọng sẽ chia sẻ “sự hiểu biết của mình về môi trường chiến lược” trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Campuchia và Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Kihara trùng với thời điểm Campuchia khởi công xây dựng kênh đào gây tranh cãi do Trung Quốc hậu thuẫn nối thủ đô Phnom Penh với biển hôm 5/8, bất chấp những lo ngại về môi trường và nguy cơ làm căng thẳng mối quan hệ với nước láng giềng Việt Nam.

Kênh đào Funan Techo trị giá 1,7 tỷ đô la, dài 180 km, sẽ kết nối Phnom Penh với tỉnh Kep ở bờ biển phía nam Campuchia, giúp tỉnh này tiếp cận Vịnh Thái Lan. Campuchia hy vọng kênh đào rộng 100 mét, sâu 5,4 mét này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa đến cảng nước sâu duy nhất của đất nước là Sihanoukville và giảm sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam.

Trung Quốc đã đạt được ảnh hưởng chính trị và kinh tế to lớn ở Campuchia thông qua viện trợ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Campuchia là đối tác ngoại giao khu vực quan trọng của Bắc Kinh, giúp làm giảm bớt sự chỉ trích trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, một số thành viên trong ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào tháng 6 năm 2022, Trung Quốc đã giúp Campuchia khởi công một dự án mở rộng cảng hải quân khiến Hoa Kỳ và các nước khác lo ngại rằng dự án này có thể trao cho Bắc Kinh một tiền đồn quân sự quan trọng về mặt chiến lược trên Vịnh Thái Lan. Các quan chức Campuchia phủ nhận Trung Quốc sẽ có bất kỳ đặc quyền căn cứ đặc biệt nào và cho biết đất nước họ duy trì lập trường phòng thủ trung lập.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG