Hoa Kỳ sẽ bắt đầu triển khai phi đạn tầm xa ở Đức vào năm 2026, hai nước tuyên bố tại cuộc họp của liên minh NATO hôm 9/7, một bước quan trọng nhằm chống lại những gì các đồng minh nói là mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga sang châu Âu.
Quyết định này sẽ gửi tới Đức những vũ khí mạnh nhất của Mỹ để đặt tại lục địa châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh, trong một lời cảnh báo rõ ràng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một tuyên bố của Mỹ-Đức cho biết “việc triển khai theo từng đợt” là để chuẩn bị cho việc đồn trú lâu dài ở châu Âu với các khả năng bao gồm SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu thanh phát triển với tầm bắn lớn hơn.
Động thái này lẽ ra đã bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 nhưng hiệp ước đó đã sụp đổ vào năm 2019.
“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đồng minh”, các đồng minh cho biết trong một thông cáo công bố ngày 10/7.
Nhiều viện trợ hơn đã được chuyển đến Ukraine khi các đồng minh tăng cường sự ủng hộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Một thông cáo cho biết các đồng minh có ý định cung cấp cho Ukraine ít nhất 40 tỷ euro (43,28 tỷ đô la) viện trợ quân sự trong năm tới, nhưng chưa đáp ứng được cam kết nhiều năm mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tìm kiếm.
Tài liệu này cũng củng cố quan điểm trước đây của NATO về Trung Quốc, gọi nước này là nhân tố tiếp tay mang tính quyết định cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine và nói rằng Bắc Kinh tiếp tục đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương.
Ông Biden nói trong một bài phát biểu hôm 9/7 rằng NATO “mạnh hơn bao giờ hết” và Ukraine có thể và sẽ chặn đứng Tổng thống Nga Vladimir Putin “với sự hỗ trợ tập thể, đầy đủ của chúng tôi”.
Ngày 10/7, ông cho biết ông hài lòng khi tất cả các thành viên NATO đã cam kết mở rộng các cơ sở công nghiệp của họ và phát triển các kế hoạch sản xuất quốc phòng trong nước.
“Chúng tôi không thể cho phép liên minh tụt lại phía sau”, ông Biden nói. “Chúng tôi có thể và sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO và chúng tôi sẽ cùng nhau làm điều đó.”
Ông Biden, 81 tuổi, phải đối mặt với những câu hỏi về khả năng tranh cử của mình sau khi vụng về trong cuộc tranh luận ngày 27 tháng 6 và hy vọng sự chú ý vào NATO sẽ giúp ông thực hiện một cuộc trở lại dưới hình thức nào đó, được bao quanh bởi các nhà lãnh đạo đồng minh mà ông đã dành ba năm xây dựng trong nhiệm sở.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 có thể báo trước một sự thay đổi mạnh mẽ trong sự ủng hộ của Washington đối với Ukraine và NATO. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, 78 tuổi, đã đặt câu hỏi về số tiền viện trợ dành cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga và sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các đồng minh nói chung.
Ông Trump cân nhắc
Ngày 10/7, ông Trump nói với đài Fox News rằng ông sẽ không rút Mỹ ra khỏi NATO nhưng nhắc lại rằng ông muốn các thành viên phải chi nhiều tiền hơn. “Tôi chỉ muốn họ thanh toán các hóa đơn của mình. Chúng ta đang bảo vệ châu Âu. Họ lợi dụng chúng ta rất tệ”, ông nói.
Ông Trump đã ép các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine trước khi đảo ngược tiến trình sau đó.
Ông Alexander Stubb, tổng thống của thành viên NATO Phần Lan, nói với các phóng viên: “Nếu có một điều mà tôi lo ngại về Hoa Kỳ, thì đó là sự phân cực của môi trường chính trị – tôi phải thừa nhận rằng nó rất độc hại”.
Trong khi ông Biden đang tìm cách tập hợp các đồng minh và sự ủng hộ trong nước, một số quan chức cấp cao của châu Âu đã gặp một cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Trump trong hội nghị thượng đỉnh.
Viện trợ mới cho Ukraine
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng ông kỳ vọng các đồng minh sẽ đồng ý về một gói viện trợ “đáng kể” dành cho Kyiv.
Ông cho biết sẽ có những thông báo mới về hỗ trợ quân sự ngay lập tức, bao gồm phòng không và các động thái nhằm đảm bảo khả năng tương tác đầy đủ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng NATO.
Các thành viên NATO đã công bố cung cấp thêm 5 hệ thống phòng không Patriot và các hệ thống phòng không chiến lược khác để giúp Ukraine.
Thông cáo chung cho biết liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn vào châu Âu-Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”. Ngôn từ đó từng là điểm gây tranh cãi lớn giữa các đồng minh.
Thông cáo cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng hỗ trợ vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Thông cáo bày tỏ lo ngại về khả năng không gian của Trung Quốc, đề cập đến việc mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của nước này và kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đàm phán giảm thiểu rủi ro chiến lược.