Biển Đông dậy sóng, Trung Quốc đổ lỗi cho ‘các thế lực bên ngoài’

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) đổ lỗi cho “các thế lực bên ngoài” can thiệp vào các vấn đề khu vực, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ở Vientiane, Lào ngày 10/10/2024.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tăng cường gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế sau các cuộc đụng độ ở Biển Đông trong các cuộc hội đàm thượng đỉnh thường niên hôm 10/10, nhưng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tỏ ra ngang ngạnh khi đổ lỗi cho “các thế lực bên ngoài” can thiệp vào các vấn đề khu vực.

Cuộc họp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á với ông Lý diễn ra sau các cuộc đối đầu bạo lực gần đây trên biển trong năm nay giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN là Philippines và Việt Nam. Các vụ việc đó làm gia tăng sự bất an về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới, cho biết khối này đã kêu gọi sớm ký kết một bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông. Các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử đã diễn ra trong nhiều năm, bị cản trở bởi các vấn đề khó khăn bao gồm bất đồng về việc liệu hiệp ước có nên mang tính ràng buộc hay không.

Theo hãng thông tấn Bernama của Malaysia, Thủ tướng Malaysia cho biết ASEAN đã nhắc lại nhu cầu duy trì hòa bình và an ninh ở tuyến đường thủy chiến lược này.

Nhưng ông Lý nói sự can thiệp của các thế lực nước ngoài đang tạo ra xung đột trong khu vực.

“Chúng ta phải nhận ra rằng sự phát triển của chúng ta cũng đang phải đối mặt với một số yếu tố bất ổn và không chắc chắn. Đặc biệt, các thế lực bên ngoài thường xuyên can thiệp và thậm chí cố gắng đưa xung đột khối và xung đột địa chính trị vào châu Á”, ông Lý phát biểu trong một cuộc họp của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông kêu gọi đối thoại nhiều hơn giữa các quốc gia để đảm bảo các tranh chấp được giải quyết một cách thân thiện.

Ông Lý không nêu tên các thế lực nước ngoài nhưng Trung Quốc trước đó đã cảnh báo Hoa Kỳ không can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã đến Vientiane vào ngày 10/10 để tham dự các cuộc họp, dự kiến sẽ nêu vấn đề về hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển, các quan chức cho biết. Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông nhưng đã triển khai tàu Hải quân và máy bay chiến đấu để tuần tra tuyến đường thủy này và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không.

Các thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng với Đài Loan có các yêu sách chồng lấn với Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Tàu thuyền Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần đụng độ trong năm nay, và tuần trước Việt Nam cho biết lực lượng Trung Quốc đã tấn công ngư dân của mình ở vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cũng đã điều tàu tuần tra đến các khu vực mà Indonesia và Malaysia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã nói rõ với ông Lý trong các cuộc đàm phán ngày 10/10 rằng hợp tác ASEAN-Trung Quốc không thể tách rời khỏi tranh chấp trên biển, theo một quan chức ASEAN từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của cuộc thảo luận.

Ông Lý đáp lại bằng cách nói rằng Biển Đông là “ngôi nhà chung” và Trung Quốc có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của mình, quan chức này cho biết. Philippines, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, đã chỉ trích các nước ASEAN khác vì không làm nhiều hơn để khiến Trung Quốc lùi bước.

Bên cạnh các vấn đề an ninh khu vực, ông Lý cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và ASEAN, nói rằng việc tăng cường quan hệ thương mại và tạo ra một “thị trường quy mô cực lớn” là chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.

ASEAN và Trung Quốc cho biết họ hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán để nâng cấp hiệp định thương mại tự do của họ vào năm tới. Kể từ khi hai bên ký kết hiệp ước bao trùm thị trường 2 tỷ người vào năm 2010, thương mại của ASEAN với Trung Quốc đã tăng vọt từ 235,5 tỷ đô la lên 696,7 tỷ đô la vào năm ngoái.

Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của ASEAN và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của ASEAN — một lý do chính khiến khối này không muốn chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo ASEAN, những người đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa họ vào ngày 9/10, cũng đã gặp riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Ông Yoon nói danh hiệu mới này sẽ giúp cả hai bên “cùng nhau tạo ra một tương lai mới”.

Ông Ishiba cũng cam kết thúc đẩy mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN bằng cách cung cấp tàu tuần tra và đào tạo về thực thi pháp luật trên biển, tăng cường an ninh kinh tế thông qua hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác, đồng thời củng cố an ninh mạng.

“Nhật Bản chia sẻ các nguyên tắc như tự do, dân chủ và pháp quyền, và muốn cùng ASEAN tạo ra và bảo vệ tương lai”, ông nói.

Khối này cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán riêng với các đối tác đối thoại là Ấn Độ, Úc, Canada, Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc vốn sẽ kết thúc bằng Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 18 quốc gia bao gồm Nga và New Zealand vào ngày 11/10.

Cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho biết mặc dù có những thách thức trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và cuộc nội chiến ở Myanmar, vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực là không thể bàn cãi.

“ASEAN và các động thái ngoại giao của khối đã duy trì được hòa bình và tiến triển tương đối của Đông Nam Á cho đến nay. ASEAN sẽ tiếp tục hữu ích trong vấn đề này. Các cường quốc không thể làm những gì họ muốn trong khu vực”, ông Ong, hiện là phó chủ tịch Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, nói.

Gần 6.000 người đã thiệt mạng và hơn 3 triệu người phải di dời trong cuộc nội chiến sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2021. Quân đội Myanmar đã quay lưng lại với kế hoạch hòa bình của ASEAN mà họ đã đồng ý vào cuối năm 2021 và giao tranh vẫn tiếp diễn với các du kích ủng hộ dân chủ và phiến quân sắc tộc.

Các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar đã bị loại khỏi các hội nghị thượng đỉnh ASEAN kể từ khi quân đội chiếm quyền. Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc tham vấn cấp bộ trưởng ASEAN không chính thức về Myanmar vào giữa tháng 12 năm nay giữa bối cảnh sự thất vọng gia tăng trong khối về cuộc xung đột kéo dài.