Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường tin cậy chính trị


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN 2024 đang diễn ra ở thủ đô Vientiane của Lảo.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN 2024 đang diễn ra ở thủ đô Vientiane của Lảo.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 10/10 ca ngợi mối quan hệ “thực chất, hiệu quả, sâu rộng” giữa khối các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc nhưng đồng thời kêu gọi khu vực và siêu cường này phải tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa để giải quyết bất đồng trên biển, theo báo Chính phủ.

Ông Chính phát biểu như vậy tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 27, vốn nằm trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, hiện đang diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào, với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cùng các nguyên thủ quốc gia khác trong khu vực.

Trong bài phát biểu hôm 10/10 được báo Chính phủ trích dẫn, ông Chính cho rằng khối ASEAN và Trung Quốc đã có những tiến triển tích cực và liên tục trong quan hệ, đặc biệt từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2021.

Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam nói rằng ông Chính hoan nghênh mối quan hệ phát triển mạnh mẽ cả về chất lẫn phạm vi và cho rằng ASEAN và Trung Quốc đang “dẫn dắt tăng trưởng và phát triển của khu vực và thế giới.”

Báo Chính phủ dẫn chứng rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 15 năm qua, với kim ngạch hai chiều năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD. Trong ASEAN thì Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã có nhiều xung đột trên biển trong những năm qua khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chồng lấn, tiến hành các hoạt động quân sự hóa các đảo, đụng độ với các tàu và tìm cách ngăn cản việc khai thác tài nguyên của các nước láng giềng trong khu vực.

ASEAN và Trung Quốc đã tìm cách đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giải quyết các bất đồng nhưng sau hơn 2 thập niên thương thảo vẫn chưa thể thống nhất với nhau.

Tại Vientiane, ông Chính đưa ra định hướng tương lai quan hệ ASEAN-Trung Quốc, trong đó ông nói rằng hai bên cần “thúc đẩy tầm nhìn hòa bình và an ninh” cũng như “giữ gìn môi trường hòa bình để hợp tác và phát triển.”

Thủ tướng Việt Nam “mong ASEAN và Trung Quốc sẽ kết nối lập trường, quan điểm, củng cố tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực, trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và ổn định,” theo báo Chính phủ.

Ông Chính được trích lời kêu gọi Trung Quốc và khối “tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực, trong đó có Biển Đông” và “sớm kết thúc đàm phán COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Ghi nhận về phát biểu của thủ tướng Trung Quốc tại hội nghị hôm 10/10, báo Chính phủ cho biết ông Lý nói rằng Bắc Kinh sẽ “tăng cường hiểu biết, tin cậy, làm nền tảng quan trọng cho quan hệ” với ASEAN.

Cũng tại hội nghị này hôm 10/10, Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr. đã thúc giục các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Marcos cũng cáo buộc Trung Quốc có hành vi quấy rối và đe dọa trên biển trong bối cảnh Bắc Kinh và Manila đã căng thẳng với nhau trong một loạt các vụ đối đầu quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.

Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc được cho là đã phát biểu tại hội nghị rằng Biển Đông là "ngôi nhà chung" mà Trung Quốc "có nghĩa vụ phải bảo vệ chủ quyền", theo lời một quan chức ASEAN giấu tên được AP dẫn lại.

Tại một hội nghị khác sau đó giữa lãnh đạo các nước ASEAN và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, còn gọi là ASEAN + 3, ông Lý đã kêu gọi các nước trong khu vực "tăng cường ý thức về bản sắc châu Á" và rằng các nước châu Á "có ngôi nhà chung, lợi ích chung, cơ hội chung và theo đuổi các giá trị chung". Ông nhấn mạnh các vấn đề của châu Á "nằm trong tay của người châu Á", theo trang chủ của Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ông Lý còn lên án "các thế lực bên ngoài" đã can thiệp vào nội bộ các nước châu Á để gây ra xung đột địa chính trị, nhưng không nêu đích danh nước nào. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các nước đối thoại nhiều hơn nữa để đảm bảo các tranh chấp được giải quyết một cách hữu nghị.

Các hành động của Trung Quốc trên vùng biển đầy tranh chấp cũng bị Việt Nam nhiều lần phản đối. Gần đây nhất hôm 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam cáo buộc hải cảnh Trung Quốc có hành vi “thô bạo” và gây thương tích cho ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá tại quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

Vẫn theo báo Chính phủ, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, anh ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG