Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Indonesia vừa đồng ý nâng cao mối quan hệ song phương lên mức cao nhất - đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống đắc cử của Indonesia Prabowo Subianto vào cuối tuần qua. Nếu hai bên sớm thực hiện ý định này, Indonesia sẽ là quốc gia thứ tám và là quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hà Nội.
“Đối với chúng tôi, Việt Nam luôn là một người bạn tuyệt vời”, Reuters dẫn lời Tổng thống Prabowo nói trong cuộc gặp với Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm hôm 13/9. “Chúng tôi coi trọng mối quan hệ này và tôi cam kết tăng cường và thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác này”.
“Bây giờ chúng ta hãy giao nhiệm vụ cho các nhóm của mình tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu đó”, lãnh đạo Indonesia nói thêm.
Ưu tiên
Việc nâng cấp quan hệ song phương, mặc dù không được truyền thông Việt Nam nhấn mạnh, nhưng khá thu hút sự chú ý của giới quan sát. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Việt Nam nói với VOA hiện nay Hà Nội đang nhắm đến việc nâng cấp quan hệ với một vài quốc gia trong khu vực, trong đó có Indonesia.
“Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam cho xúc tiến bầu một ông chủ tịch nước mới vào ngày 21/10 này, thì ông ấy sẽ đứng ra để tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược với một số nước”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Ông cho biết các nước đang nằm trong kế hoạch nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore. “Nhưng theo hiểu biết của cá nhân tôi, thì Philippines và Indonesia sẽ nhanh hơn”.
Sở dĩ Hà Nội có sự “ưu tiên” nâng mức độ quan hệ với hai nước trên, là vì lý do địa chính trị, vẫn theo lời TS. Hà Hoàng Hợp.
Xét về tổng thể, mối quan hệ giữa các thành viên trong ASEAN khá lỏng lẻo vì các nguyên tắc của ASEAN không cho phép khối 10 thành viên này có thể giải quyết được các vấn đề về địa chính trị, an ninh, chiến lược một cách cụ thể và nhất quán.
Chính vì vậy, theo giải thích của TS. Hà Hoàng Hợp, Việt Nam, cũng như các thành viên khác của ASEAN, bên cạnh việc duy trì quan hệ đa phương, sẽ luôn tìm cách thúc đẩy cả các mối quan hệ song phương trong khối, và việc thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam hiện nay đang chịu ảnh hưởng bởi tác động của tình trạng căng thẳng gia tăng trong khu vực về địa chính trị.
“Địa chính trị ở đây nói thẳng ra là tác động của Trung Quốc. Thế nên Việt Nam đang ưu tiên mở rộng quan hệ với Philippines và Indonesia vì hai nước này khá chắc chắn trong việc xử lý các vấn đề về địa chính trị. Trong quan hệ với các nước lớn, họ (xử lý) tốt hơn, phù hợp hơn với đường lối của Việt Nam”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Cứng rắn, kiên quyết với Trung Quốc
Mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Indonesia có vai trò rất quan trọng trong khu vực do vị trí địa lý mang tính chiến lược ở Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Để đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp Biển Đông, trong những năm gần đây, cơ quan lập pháp của Indonesia bắt đầu phân bổ các khoản tiền cần thiết để nâng cấp lớn các cơ sở quân sự tại Quần đảo Natuna, nơi Indonesia và Trung Quốc thường xuyên xảy ra đụng độ vì tranh chấp ngư trường.
Theo một bài phân tích vào tháng 7 của nhà nghiên cứu Felix K. Chang, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, quân đội Indonesia đã tăng cường thêm các đơn vị mới, lắp đặt một khẩu đội tên lửa phóng loạt tự hành Astros II tại Teluk Buton, mũi phía bắc của Đảo Great Natuna (hay Natura Besar), để mở rộng phạm vi phòng thủ ra biển, có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới bốn mươi km bằng tên lửa dẫn đường và xa tới ba trăm km nếu được trang bị tên lửa chống hạm AV-TM 300.
Jakarta cũng đã lập kế hoạch kéo dài và mở rộng đường băng của Căn cứ Không quân Raden Sadjad trên Đảo Great Natuna, cho phép hai máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh cùng lúc, giúp cho căn cứ hỗ trợ các hoạt động lớn hơn và nhịp độ cao hơn. Không quân Indonesia cũng đã xây dựng hai nhà chứa máy bay tại căn cứ này và bố trí thường trực Phi đội Không quân 52 tại đây.
Hải quân Indonesia cũng bắt đầu xây dựng một căn cứ hỗ trợ tàu ngầm ở eo biển Lampa, có thể là gần Căn cứ Hải quân Sabang Mawang trên Đảo Lagong, giúp cải thiện khả năng của hải quân trong việc tiến hành các cuộc tuần tra tàu ngầm dài hơn và thường xuyên hơn ở Biển Đông. Họ cũng đã đưa vào hoạt động một căn cứ hải quân mới gần Pontianak, Tây Kalimantan, và mua đất để xây dựng một căn cứ không quân hải quân trên Đảo Jemaja, theo Jane’s World Navies năm 2023.
“Indonesia rất kiên quyết và cách phản ứng của họ khác hẳn với các nước khác. Họ sẵn sàng đánh nhau với Trung Quốc trong khi từ chối đàm phán với Trung Quốc”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Trong nhiệm kỳ của ông Jokowi, Indonesia đã cải thiện rõ ràng khả năng giám sát “tuyến đường biển quần đảo” của mình, những gì các nhà chiến lược Indonesia gọi là các tuyến đường thủy kết nối 17.500 hòn đảo của đất nước này và kết nối chúng với thế giới. Các căn cứ quân sự mới của Indonesia trên và gần quần đảo Natuna, cùng với các lực lượng đồn trú tại đó giúp cho Jakarta dễ dàng theo dõi và ứng phó với các cuộc xâm nhập của nước ngoài vào vùng đặc quyền kinh tế của mình, đặc biệt là ở Biển Đông.
Là một cựu tướng lĩnh và sau đó là bộ trưởng quốc phòng của ông Jokowi, ông Prabowo từ lâu đã tham gia vào những nỗ lực này. Trong hai thập kỷ qua, ông đã chứng kiến sự hiện diện trên biển liên tục mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, gần đây nhất là tại một căn cứ hải quân Campuchia. Dĩ nhiên, đây sẽ là mối quan tâm và lo ngại của ông Prabowo khi ông chính thức điều hành chính phủ Indonesia vào tháng tới.
“Thời gian sẽ cho biết ông sẽ làm gì. Nhưng có vẻ như ông Prabowo sẽ ưu tiên lợi ích hàng hải hơn lợi ích kinh tế”, nhà nghiên cứu Felix K. Chang đưa ra nhận định trong bài phân tích về chiến lược của Indonesia.
Trở lại với việc nâng cấp quan hệ với Indonesia, TS. Hà Hoàng Hợp nói mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Indonesia cũng là một trong những yếu tố khiến Hà Nội giành ưu tiên cho “quốc gia vạn đảo” này.
“Indonesia và Việt Nam từ trước tới nay có một mối quan hệ đặc biệt, đặc biệt kể từ thời kỳ chính quyền tổng thống hồi đó là ông Sukarno. Vai trò của chính quyền Sukarno hiện nay vẫn đang có trong chính quyền bây giờ. Sau thời ông Sukarno đến ông Suharto thì có vẻ kém đi một chút, nhưng đến khi bà Megawati Sukarnoputri, con gái của cố tổng thống Sukarto lên cầm quyền và đến những người sau này như ông Joko Widodo và bây giờ là ông Prabowo Subianto thì đều nằm trong trục của mối quan hệ Việt Nam – Indonesia thông qua đường lối và tinh thần của cố tổng thống Sukarto. Đấy là cái mà phía Việt Nam họ tính toán để đưa thành ưu tiên”, TS. Hà Hoàng Hợp phân tích thêm.
Yếu tố tiếp theo là mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc gặp hôm 14/9 đã nhất trí thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 18 tỷ USD vào năm 2028. Hiện với mức thương mại song phương đạt gần 14 tỷ đô la vào năm 2023, Indonesia đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Đông Nam Á và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia.
“Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia, tiến tới nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2025, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”, trang tin của Quốc hội Việt Nam cho biết về khung thời gian hai bên có thể nâng cấp mối quan hệ khi đưa tin về cuộc gặp giữa Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn và Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto vào ngày 14/9.
Nếu việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia được thực hiện trước so với Philippines, Indonesia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và là quốc gia thứ tám trên thế giới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Hiện Hà Nội đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc (năm 2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023) và Úc (2024).
Diễn đàn