Việc Việt Nam tăng tốc tôn tạo các thực thể họ nắm giữ trên Biển Đông là nhằm tận dụng thời cơ để củng cố chỗ đứng chân trên vùng biển tranh chấp trước tình hình Bắc Kinh ngày càng hung hăng, các nhà phân tích nhận định với VOA.
Chỉ trong 6 tháng tính từ tháng 11 năm ngoái, diện tích đảo mà Việt Nam đã bồi đắp trên Biển Đông đã gần bằng diện tích bồi đắp của cả hai năm 2022 và 2023 cộng lại, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), cơ quan theo dõi diễn biến thực địa trên Biển Đông trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C., cho biết.
Theo đó, báo cáo mà cơ quan này công bố hôm 7/6 cho thấy Việt Nam đã bồi đắp 280 ha trên 10 thực thể mà họ nắm giữ ở quần đảo Trường Sa, so với 163 ha trong suốt 11 tháng đầu năm 2023 và 138 ha trong cả năm 2022.
Tính tổng cộng thì diện tích Việt Nam đã bồi đắp ở Trường Sa cho đến nay là 955 ha, cũng theo AMTI, gần bằng một nửa tổng diện tích đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chính nhờ công việc tôn tạo này mà Việt Nam đã có bốn tiền đồn lớn trên Biển Đông, bao gồm Bãi Thuyền Chài, Đảo Nam Yết, Đảo Phan Vinh và Bãi Đá Lớn, xếp sau ba tiền đồn lớn nhất trong khu vực là Bãi Vành Khăn, Bãi Su Bi và Bãi Chữ Thập – tất cả đều do Trung Quốc nắm giữ, cũng theo AMTI.
‘Tăng cường hiện diện’
Khoảng thời gian Việt Nam cấp tập bồi đắp đảo cũng là sau khi quốc gia này vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện và cam kết xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc trong lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông dâng cao.
Thời điểm này ‘rất phù hợp’ để Việt Nam thực hiện công việc tôn tạo, Thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và là nhà theo dõi tình hình Biển Đông, nói với VOA.
Ông nêu ra một số lý do mà Việt Nam cần phải bồi đắp đảo. Thứ nhất là để có cơ sở cứu nạn cho ngư dân gặp nạn trên biển cũng như kiểm soát tình trạng ngư dân đánh bắt trái phép trong vùng biển nước khác.
“Một số căn cứ và tiền đồn mà Việt Nam đã xây trước đây nó quá nhỏ hoặc là đã xuống cấp trong môi trường bị nước biển tàn phá nên Việt Nam cần phải mở rộng thêm,” ông chỉ ra lý do thứ hai.
Ngoài ra, Việt Nam đã học bài học kinh nghiệm từ những vụ đối đầu mới đây giữa Trung Quốc và Philippines ở Bãi Cỏ Mây mà Việt Nam nhận thấy là Philippines rơi vào thế yếu vì không có căn cứ ở đó
“Nếu mà muốn giữ được sự hiện diện của mình trên một số thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ thì Việt Nam cần phải tôn tạo,” ông Hoàng Việt nói.
Theo lý giải của ông thì nếu Việt Nam hay Philippines có sự hiện diện vững chắc ở các thực thể có tranh chấp thì nếu Trung Quốc muốn gây hấn ‘cũng sẽ phức tạp hơn rất nhiều’. “Khó mà đẩy quốc gia nào đã có sự đồn trú bền vững ra khỏi chỗ đứng,” ông nói.
Bên cạnh đó, củng cố sự hiện diện trên những thực thể này còn cho phép Việt Nam ‘kiểm soát được một vùng biển rộng lớn xung quanh’, cũng theo lời nhà nghiên cứu này.
Trao đổi với VOA, ông Harrison Prétat, phó giám đốc AMTI, cơ quan báo cáo việc bồi đắp của Việt Nam trên Biển Đông, nhận định rằng việc này sẽ đem lại cho Việt Nam ‘thêm một vài cảng lớn ở quần đảo Trường Sa’.
“Nó sẽ cho phép Việt Nam bắt đầu cho các tàu cảnh sát biển và tàu dân quân hoạt động lâu hơn ở các vùng biển tranh chấp mà không cần phải đi xa về đất liền [để tiếp tế],” ông Prétat nói và chỉ ra khả năng Hà Nội có thể sẽ xây đường băng thứ hai của họ ở quần đảo Trường Sa để tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và nhân lực nhanh chóng cũng như tổ chức tuần tra trên không trong vùng biển này.
Theo quan sát của ông thì sở dĩ Việt Nam bồi đắp nhanh chóng trong 6 tháng qua là do nước này ‘ngày càng bồi đắp thuần thục’ vì nhân công làm việc ngày càng có kinh nghiệm sau hai năm, chứ ‘không phải là quyết định chiến lược của Hà Nội’.
‘Thực tế nghiệt ngã’
Việc Hà Nội tăng cường tôn tạo các đảo diễn ra sau các hành động tương tự nhưng ở quy mô lớn và mang tính quân sự hóa của Trung Quốc vốn đã bị các nước, trong đó có Mỹ và Việt Nam, lên án. Tuy nhiên, ông Hoàng Việt không cho rằng Hà Nội ‘tiêu chuẩn kép’ hay ‘đạo đức giả’.
“Chính sự hung hăng của Trung Quốc cộng với việc Trung Quốc bồi đắp đã khiến Việt Nam phải làm công việc này, vì trước đó Việt Nam cũng không cần phải tôn tạo nhiều làm gì. Trong bối cảnh này rõ ràng chúng ta đã thấy mặc dù Philippines đã có chiến thắng trước Trung Quốc trong một phiên tòa với phán quyết lừng danh, nhưng nếu không có sức mạnh thật sự, không có sự hiện diện thật sự trên biển thì cũng không giải quyết được vấn đề,” ông Hoàng Việt lập luận, ý nhắc đến phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực vốn bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh đối với đường chín đoạn trên Biển Đông là ‘không có cơ sở pháp lý’.
Ông thừa nhận việc Hà Nội hay Bắc Kinh bồi đắp đảo theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) là ‘không có ý nghĩa gì’ và không hề thay đổi bản chất pháp lý các thực thể có tranh chấp, nhưng ông cho rằng Hà Nội không thể chỉ đi theo luật pháp để đối phó với Trung Quốc được.
“Thực tế nghiệt ngã hơn rất nhiều. Có khi luật tuyên bố anh có quyền chính danh nhưng trên thực tế anh không có sức mạnh để theo đuổi quyền đó,” ông phân tích.
Ông cũng cho biết Bắc Kinh cũng khó mà phản ứng trước việc làm của Hà Nội mặc dù nó ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. “Nếu họ phản đối thì họ làm gấp mấy lần Việt Nam ai phản đối đây?” ông chỉ ra.
“Ít nhất là mục tiêu của Việt Nam cũng khác [với Trung Quốc]. Việt Nam tôn tạo là để phát triển và bảo vệ chứ không phải để đe dọa hay xâm lấn các nước khác,” ông nói thêm.
Có sợ Manila phản ứng?
Không chỉ tranh chấp với Bắc Kinh mà Hà Nội còn có tranh chấp với Manila về các thực thể mà họ chiếm giữ và bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Thạc sỹ Hoàng Việt nói ông không lo ngại về tác động của việc làm của Việt Nam đối với Philippines.
Hôm 9/6, phó đề đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn nhân của Hải quân Philippines, đã nói trên đài phát thanh Super Radyo dzBB rằng hải quân Philippines ‘đang theo dõi’ Việt Nam bồi đắp đảo trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Tây, cách gọi của Manila đối với vùng biển này.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng ‘không như Trung Quốc, Việt Nam không có những hành động phi pháp, cưỡng ép, gây hấn và lừa gạt nhằm vào chúng tôi’ và cho biết Manila và Hà Nội ‘có quan hệ thân thiện’.
Cũng trong hôm 9/6, ông Jay Tarriela, phát ngôn nhân lực lượng tuần dương Philippines khi đề cập đến hành động của Việt Nam trước báo giới đã cho rằng Việt Nam ‘không quấy rối ngư dân chúng tôi cũng như không triển khai phi pháp tàu hải cảnh và lực lượng bán quân sự đến vùng biển xung quanh các thực thể của chúng tôi’.
“Việt Nam chỉ lo công việc của họ mà thôi,” ông Jay Tarriela khẳng định.
Chuyên gia Harrison Prétat ở AMTI chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam và Philippines có tranh chấp trên Biển Đông nhưng những vụ đụng độ giữa tàu hai bên trong những năm qua ‘hiếm khi xày ra’ và Việt Nam ‘cũng không có hành động gì để khẳng định yêu sách chủ quyền một cách cưỡng ép như Trung Quốc’.
“Mặc dù tôi không cho rằng Manila hào hứng gì khi Việt Nam mở rộng các tiền đồn, họ không coi đó là mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải của mình,” ông phân tích. “Manila quan tâm nhiều hơn đến hành xử của Trung Quốc và nỗ lực của nước này nhằm hạn chế hoạt động của ngư dân, lực lượng tuần duyên và quân đội Philippines.”
Trả lời câu hỏi việc Việt Nam tôn tạo có làm cho Mỹ mất niềm tin hay không vì Washington từng lên án mạnh mẽ Bắc Kinh bồi đắp và quân sự hóa Biển Đông, ông Harrison Prétat nói có những người thấy rằng hành động của Việt Nam là đáng lo ngại vì nó khiến Hà Nội mất tư cách để chỉ trích Bắc Kinh hay tạo cái cớ để Bắc Kinh biện hộ cho hành động của họ.
“Nhưng tôi không nghĩ ai đó thật sự quan ngại về những gì mà Việt Nam sẽ làm với các tiền đồn này từ quan điểm chiến lược. Không có ai quan ngại Việt Nam sẽ tận dụng các tiền đồn này để gây sức ép cho các nước tranh chấp khác như Trung Quốc,” ông nói thêm và nhấn mạnh Mỹ đang xem Việt Nam là đối tác để cùng bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Thạc sỹ Hoàng Việt cho rằng Mỹ ‘hiểu mục đích tôn tạo của Việt Nam’ và chỉ ra đến nay Mỹ ‘chưa từng lên tiếng phản đối’.
Phối hợp tới đâu?
Trả lời câu hỏi trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Hà Nội và Manila có thể cùng nhau phối hợp đến đâu, ông Prétat cho biết Manila ‘xem Hà Nội là đối tác tiềm năng’.
“Việt Nam là nước tranh chấp duy nhất ngoài Philippines có lập trường tương đối mạnh mẽ trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông,” ông chỉ ra.
Tuy nhiên, Hà Nội có một số dè dặt, cũng theo lời chuyên gia này, vì nếu không có sự đồng lòng của cả khối ASEAN hay một số nước tranh chấp khác như Malaysia hay Indonesia thì Hà Nội sẽ ‘không muốn đối đầu trực tiếp công khai với Bắc Kinh một cách quyết liệt như Manila’.
Ông Hoàng Việt thì nói mặc dù Hà Nội và Manila có lập trường giống nhau trên Biển Đông, chẳng hạn như duy trì nguyên trạng, tôn trọng luật pháp quốc tế, lo ngại về sự quả quyết của Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận Trung Quốc khác nhau khiến hai nước khó có thể hợp tác chặt chẽ hơn trên Biển Đông.
Khác với Manila đang đối đầu với Trung Quốc công khai và quyết liệt trên Biển Đông, Hà Nội dường như chọn cách nói chuyện kín đáo với Trung Quốc trong hậu trường để không làm lớn chuyện hay làm mất mặt Bắc Kinh, theo quan sát của VOA.
Ông Hoàng Việt chỉ ra khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila dâng cao, trong các phát ngôn của mình Hà Nội đều ngầm thể hiện thái độ đứng về phía Manila.
Chẳng hạn như hôm 21/6, khi trả lời báo giới về vụ va chạm giữa tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng không lên án Bắc Kinh nhưng kêu gọi các bên ‘tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển’.
Thạc sỹ Hoàng Việt nói cá nhân ông mong muốn Hà Nội và Manila sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn trên Biển Đông, chẳng hạn như cùng thăm dò, nghiên cứu và bảo tồn khu vực đánh bắt ở vùng biển chồng lấn giữa hai nước.
Nhưng do Việt Nam có nguyên tắc ‘4 không’ trong quan hệ đối ngoại, ông Việt cho rằng ‘không có khả năng Hà Nội liên minh với Manila chống Trung Quốc’
Diễn đàn