Philippines và Trung Quốc ngày thứ Bảy tố cáo lẫn nhau sau một vụ đối đầu giữa máy bay của họ bên trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Quân đội Philippines lên án mạnh mẽ “những hành động nguy hiểm và khiêu khích” của không quân Trung Quốc, trong khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nói họ hành động một cách chuyên nghiệp và hợp pháp.
Đây là lần đầu tiên Philippines phàn nàn về những hành động nguy hiểm của máy bay Trung Quốc, thay vì hải quân hoặc các tàu hải cảnh, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào năm 2022.
Hai máy bay của Không quân Trung Quốc đã thực hiện một thao tác nguy hiểm và thả pháo sáng trên đường bay của một máy bay của Không quân Philippines đang thực hiện tuần tra định kì bên trên Bãi cạn Scarborough vào sáng thứ Năm, quân đội Philippines nói trong một phát biểu.
Nó "gây nguy hiểm đến tính mạng các nhân viên của chúng tôi đang thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải gần đây trong các vùng biển của Philippines," tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner nói. Ông nói thêm rằng máy bay Trung Quốc đã can thiệp vào các hoạt động bay hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế về an toàn hàng không.
Máy bay Philippines, "bất chấp cảnh báo liên tục từ Trung Quốc, vẫn nhất quyết xâm phạm trái phép không phận đảo Hoàng Nham," làm gián đoạn các hoạt động huấn luyện, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của PLA nói ngày thứ Bảy.
Lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã tiến hành nhận dạng, theo dõi, cảnh báo, và trục xuất theo quy định của pháp luật, bộ tư lệnh nói thêm.
“Hoạt động tại chỗ là chuyên nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực, thỏa đáng và hợp pháp,” PLA nói, và kêu gọi Philippines chấm dứt điều mà nước này gọi là xâm phạm và khiêu khích.
Ngư dân Philippines thường xuyên lui tới Bãi cạn Scarborough, một trong hai điểm nóng trong cạnh tranh hàng hải lâu năm với Trung Quốc. Bắc Kinh hôm thứ Tư đã tổ chức một cuộc tuần tra tác chiến gần bãi cạn mà Manila gọi là Bajo de Masinloc và Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012 và gọi là đảo Hoàng Nham.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi thương mại hàng hải trị giá hơn 3 ngàn tỉ đôla đi qua hàng năm, chồng lấn lên các vùng biển mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc bác bỏ một phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye nói rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Philippines vào tháng 5 đã cáo buộc ngư dân Trung Quốc hủy hoại môi trường tại Bãi cạn Scarborough bằng việc đánh bắt cá bằng xyanua, thu hoạch trai khổng lồ và các sinh vật được bảo vệ khác cũng như làm gãy các rạn san hô, điều mà Trung Quốc phủ nhận.
Diễn đàn