Đường dẫn truy cập

ASEAN-Trung Quốc họp giữa những rạn nứt vì Biển Đông


 Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói tại Vientiane, Lào, ngày 25/7/2024 tại thượng đỉnh ASEAN: “Một bước đi sai lầm ở Biển Đông sẽ biến một đám cháy nhỏ thành một cơn bão lửa khủng khiếp,”
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói tại Vientiane, Lào, ngày 25/7/2024 tại thượng đỉnh ASEAN: “Một bước đi sai lầm ở Biển Đông sẽ biến một đám cháy nhỏ thành một cơn bão lửa khủng khiếp,”

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ Đông Nam Á ngày 26/7 gặp Ngoại trưởng Trung Quốc tại Lào trong các cuộc họp diễn ra giữa lúc rạn nứt leo thang vì các nỗ lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Một số thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, dẫn đến các cuộc đối đầu trực tiếp mà nhiều người lo ngại có thể dẫn đến xung đột lớn hơn.

“Một bước đi sai lầm ở Biển Đông sẽ biến một đám cháy nhỏ thành một cơn bão lửa khủng khiếp,” Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Các thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có xung đột với Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền của nước này đối với hầu hết Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới đối với hoạt động vận chuyển. Indonesia cũng bày tỏ lo ngại về những gì họ coi là sự xâm phạm của Bắc Kinh vào vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và các đồng minh thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và tuần tra quân sự trong khu vực để khẳng định chính sách “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của họ, bao gồm quyền đi lại trên vùng biển quốc tế, khiến Trung Quốc chỉ trích.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ đến Lào vào ngày 27/7 để tham dự các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và dự kiến sẽ gặp ông Vương bên lề.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng sẽ tham dự các cuộc họp và đã có các cuộc hội đàm trực tiếp với ông Vương.

Trung Quốc là đồng minh chủ chốt của Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine và ông Vương nhấn mạnh “sự phối hợp chiến lược ngày càng sâu sắc” giữa hai quốc gia, theo hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã của Trung Quốc.

Ông Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên hiệp châu Âu, đã kêu gọi các bộ trưởng ASEAN không nên bỏ qua xung đột ở châu Âu khi họ tổ chức các cuộc họp của mình.

Ông Borrell nói “Tôi biết rằng hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine có vẻ xa vời đối với ASEAN, nhưng hậu quả của nó, dù là lạm phát hay giá lương thực và dầu tăng, cũng ảnh hưởng đến người dân của chúng ta, ngay cả khi Nga nỗ lực phát tán thông tin xuyên tạc”.

Năm nay, căng thẳng giữa Philippines - một đồng minh hiệp ước của Mỹ - và Trung Quốc đã leo thang. Vào tháng 6, một tàu Trung Quốc và một tàu tiếp tế của Philippines đã va chạm gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, gây ra báo động.

Các thành viên ASEAN - Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào - đã nhấn mạnh trong các cuộc họp khai mạc của họ vào ngày 25/7 rằng điều quan trọng là họ không bị lôi kéo vào, khi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Sau các cuộc đàm phán, bà Marsudi cho biết nhóm này nhấn mạnh rằng họ không nên là đại diện cho bất kỳ cường quốc nào, nếu không “sẽ rất khó để ASEAN trở thành điểm tựa cho sự ổn định và hòa bình trong khu vực”.

Ông Vương không đề cập đến Biển Đông trong bài phát biểu khai mạc khi ông gặp các bộ trưởng ASEAN vào ngày 26/7, thay vào đó nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và thương mại của Trung Quốc.

Nhưng vấn đề đã nảy sinh, khi Indonesia kêu gọi Trung Quốc “tham gia duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết.

Các bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành công việc đang diễn ra với Trung Quốc về việc chuẩn bị một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, vì các vấn đề ở đó vẫn tiếp tục là “vướng mắc” trong quan hệ ASEAN với Trung Quốc, Bộ này cho biết.

“Lập trường của Indonesia là nhất quán, cụ thể là mọi khiếu nại phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan”, bà Marsudi nói.

Trung Quốc và Philippines cho biết hôm 21/7 rằng họ đã đạt được một thỏa thuận mà họ hy vọng sẽ chấm dứt các cuộc đối đầu, nhằm mục đích thiết lập một thỏa thuận có thể chấp nhận được cho khu vực tranh chấp mà không nhượng bộ các khiếu nại lãnh thổ của mỗi bên.

Có những chia rẽ trong ASEAN về cách giải quyết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Philippines đã chỉ trích vì cảm thấy thiếu sự ủng hộ của khối ASEAN.

Trong các cuộc đàm phán hôm 25/7, Philippines đã thúc đẩy việc đưa vụ va chạm hồi tháng 6 vào thông cáo chung sẽ được ban hành vào cuối các cuộc họp. Campuchia và Lào, hai nước gần gũi với Trung Quốc, phản đối cách diễn đạt này, theo một nhà ngoại giao cấp cao của Đông Nam Á, người đã tham gia vào các cuộc đàm phán kín và đã nói chuyện với điều kiện giấu tên để thảo luận về vấn đề này một cách tự do.

Đề xuất của Manila nêu rõ rằng một sự cố gần đây ở Biển Đông đã gây ra “thiệt hại về tài sản” và “gây thương tích” mà không đề cập đến các chi tiết cụ thể như tên bãi cạn và các lực lượng của đôi bên đang tranh chấp, nhà ngoại giao cho biết.

Cuộc nội chiến ngày càng dữ dội ở quốc gia thành viên ASEAN là Myanmar cũng là một trong những vấn đề chính đang được đưa ra thảo luận và nhóm ASEAN ủng hộ Thái Lan đóng vai trò rộng hơn, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa cho biết.

Thái Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài với Myanmar, đã tham gia cung cấp viện trợ nhân đạo. Ông Maris thông báo sẽ quyên góp thêm 250.000 đô la cho Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa, nơi đang giám sát kế hoạch cung cấp viện trợ cho Myanmar.

Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm 2021 và đàn áp các cuộc biểu tình phi bạo lực rộng rãi nhằm đòi lại chế độ dân chủ, dẫn đến bạo lực gia tăng và khủng hoảng nhân đạo.

ASEAN đã thúc đẩy “sự đồng thuận năm điểm” vì hòa bình, nhưng giới lãnh đạo quân sự ở Myanmar cho đến nay vẫn phớt lờ kế hoạch này, làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả và uy tín của khối.

Kế hoạch kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực ở Myanmar, đối thoại giữa tất cả các bên liên quan, làm trung gian bởi một đặc phái viên ASEAN, cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua các kênh ASEAN và đặc phái viên này sẽ đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Myanmar đã bị cấm cử đại diện chính trị đến các cuộc họp của ASEAN và thay vào đó, đại diện cho Myanmar là Aung Kyaw Moe, thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Myanmar.

Trung Quốc, quốc gia cũng có chung đường biên giới dài với Myanmar, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ chế độ quân sự Myanmar trong khi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với một số nhóm vũ trang dân tộc hùng mạnh hiện đang chiến đấu chống lại chế độ này.

Trong tuyên bố khai mạc trước các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Aung Kyaw Moe đã hết lời khen ngợi Bắc Kinh, cam kết rằng ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG