Đường dẫn truy cập

Philippines bảo đảm với Trung Quốc việc triển khai hệ thống tên lửa không gây ra bất ổn


Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) của Hoa Kỳ bắn tên lửa trong cuộc tập trận chung "Balikatan" ở tỉnh Zambales, miền bắc Philippines vào ngày 26/4/2023. Hoa Kỳ đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon tới Philippines trong cuộc tập trận vào tháng 4/2024.
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) của Hoa Kỳ bắn tên lửa trong cuộc tập trận chung "Balikatan" ở tỉnh Zambales, miền bắc Philippines vào ngày 26/4/2023. Hoa Kỳ đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon tới Philippines trong cuộc tập trận vào tháng 4/2024.

Philippines hôm thứ Sáu tìm cách đảm bảo với Trung Quốc rằng sự hiện diện của hệ thống tên lửa tầm trung của Hoa Kỳ trên lãnh thổ nước này không gây ra mối đe dọa nào đối với Trung Quốc và sẽ không phải là yếu tố gây bất ổn trong khu vực.

Hoa Kỳ đã triển khai hệ thống tên lửa tới Philippines vào tháng 4 trong cuộc tập trận quân sự chung của hai nước. Đây là lần đầu tiên Mỹ thiết lập hệ thống này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo cho biết hôm thứ Sáu rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nêu lên những lo ngại về sự hiện diện của hệ thống tên lửa mà quan chức Bắc Kinh mô tả là “gây bất ổn” trong các cuộc đàm phán song phương tại Lào bên lề các cuộc họp của ASEAN.

Tuy nhiên, ông Manalo đảm bảo với ông Vương rằng sự hiện diện của hệ thống này không mang tính đe dọa.

“Ông ấy (Vương) nói rằng sự hiện diện này có thể gây mất ổn định, và tôi nói ‘Không, chúng không gây mất ổn định’”, ông Manalo phát biểu tại một diễn đàn với các phóng viên nước ngoài.

“Tôi tin rằng (các) tên lửa cụ thể mà ông ấy nhắc đến chỉ ở đó tạm thời”, ông nói thêm.

Ông Vương đã cảnh báo rằng việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung của Hoa Kỳ có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến chạy đua vũ trang.

Hệ thống tên lửa Typhon, có khả năng bắn tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa SM-6, đã không được bắn trong các cuộc tập trận, nhưng Philippines cho biết nó được vận chuyển đến để kiểm tra tính khả thi của việc vận chuyển hệ thống vũ khí nặng 40 tấn này bằng đường hàng không.

Các hoạt động an ninh giữa Philippines và đồng minh theo hiệp ước của mình là Hoa Kỳ đã được tăng cường khi cả hai tìm cách chống lại những gì họ coi là hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và gần Đài Loan.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã gia tăng, đặc biệt là về các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

Tuần trước, Philippines cáo buộc lực lượng không quân Trung Quốc thực hiện các cuộc diễn tập nguy hiểm trên Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Trung Quốc khẳng định hoạt động máy bay của mình là hợp pháp và chuyên nghiệp.

Sự cố trên không xảy ra sau khi Manila và Bắc Kinh đã nhất trí sẽ quản lý tốt hơn các tranh chấp hàng hải.

Ông Manalo nói rằng ông hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận tạm thời với Manila về các nhiệm vụ tiếp tế của Manila cho một tàu mắc cạn tại một địa điểm tranh chấp khác, Bãi Cỏ Mây.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận đó có thể được sao chép ở các khu vực tranh chấp khác của Biển Đông hay không, ông Manalo nói điều đó sẽ phụ thuộc vào tình hình.

Trung Quốc tuyên bố hầu hết Biển Đông là lãnh thổ của mình, bao gồm cả Bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây.

Nước này bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG