Đường dẫn truy cập

Mỹ sẽ bắt đầu triển khai vũ khí tầm xa ở Đức vào năm 2026


Một tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa SM-6 ở gần Philippines (ảnh tư liệu, tháng 6/2022).
Một tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa SM-6 ở gần Philippines (ảnh tư liệu, tháng 6/2022).

Hoa Kỳ sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa ở Đức vào năm 2026 trong nỗ lực thể hiện cam kết của mình về bảo vệ NATO và châu Âu, Hoa Kỳ và Đức cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Tư 10/7.

Hai nước nói rằng Hoa Kỳ sẽ "triển khai theo từng giai đoạn" để chuẩn bị cho việc đặt căn cứ lâu dài cho các loại hỏa lực như vậy, bao gồm các tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh mới phát triển có tầm bắn xa hơn những loại hiện có ở châu Âu.

Cả Tomahawk lẫn Standard Missile-6 (SM-6) đều do hãng Raytheon thuộc tập đoàn RTX sản xuất.

Tên lửa đặt trên mặt đất có tầm bắn vượt quá 500 km đã bị cấm cho đến năm 2019 theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký giữa ông Mikhail Gorbachev của Liên Xô và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987.

Hiệp ước đó đánh dấu lần đầu tiên hai siêu cường đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân và loại bỏ toàn bộ một hạng mục vũ khí.

Tuân theo hai bên ký kết đó, Đức, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã phá bỏ tên lửa của họ vào những năm 1990, sau đó là Slovakia và Bulgaria.

Mỹ đã rút khỏi INF vào năm 2019 vì cho rằng Moscow vi phạm hiệp ước, Mỹ nêu ra việc Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729, mà NATO gọi là SSC-8.

Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận cáo buộc kể trên và sau đó tự cấm hoạt động phát triển của chính nước Nga về các loại tên lửa trước đây bị cấm theo hiệp ước INF – là tên lửa đạn đạo và hành trình đặt trên mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Vào cuối tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moscow cần phải tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn sau khi Mỹ đưa các tên lửa tương tự tới châu Âu và châu Á.

Ông Putin nói rằng Nga đã cam kết không triển khai những tên lửa như vậy nhưng Mỹ đã tiếp tục sản xuất chúng, đưa chúng đến Đan Mạch để tập trận, cũng như đưa chúng tới Philippines.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG