Đường dẫn truy cập

Người Việt chủ động trước thiên tai: miền Trung làm tốt hơn miền bắc?


Một người dân lội trên đường phố ngập nước ở thành phố Thái Nguyên sau bão Yagi
Một người dân lội trên đường phố ngập nước ở thành phố Thái Nguyên sau bão Yagi

Người Việt Nam nằm trong số nhóm đứng đầu thế giới về sự chủ động ứng phó với thiên tai, theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, nhưng người dân miền Trung có sự cảnh giác và sự chuẩn bị tốt hơn người dân miền Bắc, theo tìm hiểu của VOA.

Các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa trải qua đợt mưa lũ nặng nề nối sau cơn bão Yagi đổ bộ hôm 7/9. Đợt bão lũ này đã khiến cho hơn 350 người chết, hơn 230.000 căn nhà bị hư hại với thiệt hại đến 50.000 tỷ đồng, tương đương với 2 tỷ đô la Mỹ, theo thống kê của chính phủ Việt Nam được báo chí trong nước dẫn lại

Cơn bão Yagi, mà Việt Nam đánh dấu là bão số 3, vừa tan ở miền bắc thì đến lượt các tỉnh miền Trung đối mặt với cơn bão số 4 vốn dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị vào chiều ngày 19/9.

Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu thế giới về tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai (disaster preparedness) theo kết quả một cuộc thăm dò toàn cầu có tên là Thăm dò Nguy cơ Thế giới (World Risk Poll) 2023 được Lloyd’s Register Foundation, tổ chức chuyên về tăng cường sức chống chịu trước thiên tai có trụ sở ở London, công bố hôm 15/8.

Theo đó, 83% người được vấn ý ở Việt Nam cho biết gia đình họ có sẵn kế hoạch ứng phó nếu thiên tai xảy đến, chỉ đứng sau Philippines với 84%, nhưng xếp trước Campuchia và Thái Lan với tỷ lệ lần lượt là 82% và 67%.

Câu hỏi được đưa ra để thăm dò là họ có thể làm gì để bảo vệ gia đình cũng như có kế hoạch ứng phó hay không trong trường hợp xảy ra thiên tai.

VOA đã tìm đến người dân miền Trung và miền Bắc để hỏi về sự chuẩn bị của họ trước thiên tai nhất là trước những trận bão lũ vừa xảy ra.

‘Mất trắng’

Từ xóm Xuân Đào, xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Kim Thông, cựu chiến binh 62 tuổi hiện sinh sống bằng nghề làm nông cùng với vợ con, kể với VOA rằng toàn bộ xóm làng của ông đã bị ngập lụt trong khi toàn bộ lúa và hoa màu đã bị hỏng hết trong đợt bão lũ vừa qua.

Về thiệt hại của bản thân, ông Thông cho biết lúa của nhà ông ‘đang trổ đòng đòng’ cùng ngô ‘cũng đang trổ bông’ đều ‘mất trắng’. “Tới mùa gặt là không còn gì để thu hoạch nữa,” ông nói.

Ngoài ra, trong nhà ông cũng có tích trữ thóc lúa của các vụ trước, nhưng do ‘nước lũ tràn vào quá nhanh trong đêm nên gia đình không dọn kịp, chỉ chạy được một ít’. Ông ước tính thiệt hại mùa màng tầm 20 triệu đồng, còn số thóc trong nhà bị mất tầm chục triệu. Tổng cộng, ông bị thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.

“Tới đây thì không biết làm thế nào. Cũng phải đi làm thuê làm mướn, tìm mọi cách để sinh nhai thôi,” ông nói với VOA.

Ông cho biết số lương thực nhà ông còn giữ lại được ‘đủ để ăn được vài ba tháng nữa’. Sau khi lũ xuống, gia đình ông đã bắt đầu dọn bờ bãi, mua giống về để trồng lại.

Theo lời người cựu chiến binh này thì bà con vùng lũ Thái Nguyên đã ‘nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của đồng bào từ mọi miền đất nước đã đem nhu yếu phẩm ra hỗ trợ’.

“Bây giờ cần tiền để chi tiêu cho cuộc sống sắp tới cũng như mua hạt giống để gieo trồng lại,” ông nói. “Lúc này các hộ nghèo và các vùng bị nặng đang được sự hỗ trợ của chính quyền, còn những hộ nào có khả năng trụ được thì chính quyền sẽ hỗ trợ đợt sau.”

“Chính quyền đã huy động tất cả bộ đội, công an, rồi các ban ngành cũng hỗ trợ để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra,” ông Thông nói với VOA.

Ông đánh giá sự ứng phó của chính quyền các cấp, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, là ‘rất hiệu quả’. “Họ sơ tán hết trẻ em và người già ra nơi an toàn rất kịp thời,” ông cho biết.

Chủ quan?

Khi được hỏi về sự chuẩn bị trước thiên tai, ông nói trước bão lũ, ông ‘thực sự chỉ biết là bão Yagi rất mạnh, đổ bộ vào Vịnh Bắc bộ’.

“Tôi cũng nghe thông tin dự báo thời tiết trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên vô tuyến truyền hình các thứ, cũng thấy bão. Nhưng mà nói chung cái sự chuẩn bị đối phó thì thực sự mà nói cũng chưa được chu đáo.”

Theo giải thích của ông thì sự chủ quan này một phần cũng do không ai ngờ thiên tai lớn đến vậy.

“Các cụ cao tuổi nói là hàng trăm năm nay mới có một trận lụt dữ dội như thế này. Trước đây có vài lần gọi là lụt nhưng mà chỉ toàn là nước sông dâng lên cao, cùng lắm thì nói chỉ tràn vào một số cánh đồng trũng chỉ một ngày, xong rồi rút ra ngay,” ông cho biết.

Lần này mưa như trút nước 3-4 ngày liên tục khiến nước sông dâng cao gây lũ lụt nhấn chìm cả thành phố Thái Nguyên, ông nói thêm.

Ông Thông nói bị trận lụt lần này ‘sẽ là bài học nhớ đời’ đối với bản thân ông và gia đình.

“Coi như đây là một bài học để rút kinh nghiệm cho những năm sau mình làm thế nào phòng tránh cho đảm bảo. Nói cho cùng thì mình chủ quan cũng phải, mà không chủ quan cũng phải bởi vì chưa gặp trường hợp như thế này bao giờ.”

‘Đã quen với bão lũ’

Từ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Huy, 45 tuổi, kể với VOA về kinh nghiệm chống bão của gia đình ông nói riêng và người dân miền Trung nói chung. Ông nói ông nghe tin bão số 4 sắp vào nhưng tâm lý ‘cũng bình thường, không có gì phải lo lắm vì đã quen rồi’.

“Nói chung tâm lý ngoài miền Trung đa số người ta nghe báo bão thì cũng chỉ nghe vậy thôi, nhà cửa người ta cũng đi tới đi lui kiểm tra, người ta gia cố, người ta cũng bình thường thôi chứ không có gì lo lắng hết,” ông nói.

Ông Huy cho biết người dân miền Trung khi chuẩn bị vô mùa mưa bão tầm tháng 9 tháng 10 thì người ta ‘đã đi kiểm tra nhà cửa, giằng chống hết rồi’.

Theo lời ông thì do miền Trung là vùng chịu nhiều thiên tai nên người dân ở đây có tâm lý ‘ăn chắc mặc bền’, làm gì cũng chắc chắn và trong đầu luôn tính đến bão lũ.

“Khi xây nhà thì họ xây rất là kiên cố chứ không phải như người dân miền Tây cất nhà lá cho mát là được rồi,” ông diễn giải và cho biết nhà cửa miền Trung thì mái tôn lúc nào cũng có dây kẽm chằng ngang, còn nhà nào có tiền hơn thì nẹp thanh sắt bự.

Khi bão đến thì người dân sẽ lấy bao cát dằn lên mái tôn, nhưng làm vậy thì sau bão nhiều gia đình để bao cát trên đó luôn không đem xuống vì nặng quá. Bao cát để trên mái lâu ngày sẽ mọc cây, gây đọng nước khiến mái nhà bị mục, ông cho biết.

Ngoài ra, mái nhà có thể gia cố thêm nữa bằng cách dùng sắt 6 hay sắt 8 nẹp lại rồi đóng vô đà. Nẹp khoảng 4-5 đường như vậy cộng với nhà kín gió thì bão không thể thổi bay mái tôn, ông giải thích.

“Thường gió giật vô những nhà là nó lòn vô kè dưới nó mới dỡ lên. Thường bão lớn mình lấy dây thừng mình cột vô những cột kèo chính rồi mới rị xuống nơi cửa sổ.”

Bên cạnh đó cũng phải đi kiểm tra kỹ lưỡng đường dây điện và tỉa cành hết những cây cối ở xung quanh nhà, ông nói thêm.

Đối phó lụt lội

Lụt lội cũng không có gì đáng sợ, cũng theo lời ông Huy, vì ‘nước lên xong thì nó rút thôi’. Và khi bắt đầu vào mùa mưa, có những gia đình làm nhà phao để sẵn.

“Có gì nước lên vô nhà thì người ta nhảy qua bè phao. Trên cái bè phao đó đồ đạc ăn uống gì người ta trữ trên đó. Nước lên đến đâu thì phao nổi lên tới đó.”

Ông kể trong đợt lụt lịch sử ở Huế hồi năm 1999, ông đã chặt cây chuối xung quanh nhà để làm bè ‘rồi bò trên bè đó’.

Ngoài ra, khác với nhà miền Nam đóng la phông ở trên trần, các căn nhà ở Huế thường gác ván lên làm thành ‘cái cưi’ cách tầm 3 mét tính từ nền nhà. Khoảng cách từ cái cưi đó đến trần nhà đủ để cho người chui vào và ngồi thẳng lưng, cũng theo lời ông Huy.

“Cái cưi khá chắc chắn. Khi nước dâng thì cái gì có giá trị người ta cũng thảy lên trên đó, cái gì không cần thiết thì để ở dưới rồi đóng cửa lại thôi.”

Khi nhà bị lụt, những người trong nhà sẽ leo lên cưi để ở, trường hợp nước dâng lên đến cưi thì phải trổ nóc leo ra nóc nhà. Nếu xung quanh có nhà cao thì đến đó xin ở nhờ, còn nếu nhà biệt lập thì ngồi trên nóc nhà chịu trận.

Ông cho biết khi nước lên thì những người trong nhà phải thức canh để đưa đồ đạc lên cao.

“Kinh nghiệm của người miền Trung là khi lụt ít khi họ ngủ lắm. Khi nước nó vô thì mấy nhà gần chỗ ao hồ gì đó có rác rến thì người ta lấy lưới rào quanh nhà để ba cái rác đó nó không có vô nhà,” ông nói.

Không chỉ khi nước lũ lên mà khi nước lũ hạ thì trong nhà có bao nhiêu người thì phải thức suốt đêm bấy nhiêu người, cũng theo lời ông. Mọi người sẽ đi vòng vòng trong nhà khuấy nước cho bùn tan và theo dòng nước lũ trôi ra ngoài, không để cho bùn đọng lại sau này sẽ rất khó dọn.

Ông cho biết người dân miền Trung quen với lũ lụt đến nỗi họ đoán trước được nước sẽ lên đến mức nào, trừ những trường hợp lũ lịch sử như năm 1999.

“Nhà bị một lần rồi thì lần sau người ta có cách đối phó hết. Nếu lũ lụt quá lớn thì coi như bó tay, còn bình thường nước lũ đến ngang mức nào người ta biết hết và có cách đối phó dễ dàng.”

Theo lời ông thì lụt ở miền Trung thường vô khoảng 1-2 ngày thì rút nên chuyện ăn uống cầm cự cũng không đến nỗi, trừ những hộ biệt lập ở vùng sâu, vùng xa không có thuyền bè nào đến cứu trợ.

“Nước uống thì hứng nước mưa, ăn thì bóp mì tôm ra ăn vì lụt không có lò gì để nấu hết. Nhà có thể có bếp gas mini nhưng nhiều khi nó ướt hết với lại không có chỗ đặt lò mà nấu,” ông nói về kinh nghiệm chống lụt.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG