Đường dẫn truy cập

Có dấu hiệu cho thấy hiệp ước phòng thủ Nga-Triều khiến Trung Quốc lo lắng


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell ngày 24/6/2024 nói “Tôi nghĩ công bằng mà nói thì Trung Quốc có phần lo lắng về những gì đang diễn ra giữa Nga và Triều Tiên..."
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell ngày 24/6/2024 nói “Tôi nghĩ công bằng mà nói thì Trung Quốc có phần lo lắng về những gì đang diễn ra giữa Nga và Triều Tiên..."

Hoa Kỳ đang nghiên cứu kỹ lưỡng hiệp ước phòng thủ chung mới ký giữa Nga và Triều Tiên, mà Washington tin rằng có thể hỗ trợ Bình Nhưỡng trong các chương trình phát triển phi đạn tầm xa và hạt nhân.

Cũng có những dấu hiệu căng thẳng giữa Triều Tiên và đồng minh lâu đời là Trung Quốc sau khi thỏa thuận vừa kể được ký kết.

Trung Quốc lo lắng

Trong bài phát biểu quan trọng về việc duy trì chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ngày 24/6, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell nói Trung Quốc có thể lo lắng rằng Triều Tiên sẽ được khuyến khích thực hiện các bước khiêu khích có thể dẫn đến khủng hoảng ở vùng Đông Bắc Châu Á.

“Tôi nghĩ công bằng mà nói thì Trung Quốc có phần lo lắng về những gì đang diễn ra giữa Nga và Triều Tiên. Họ đã chỉ ra điều đó trong một số cuộc tương tác với chúng tôi và chúng tôi có thể thấy một số căng thẳng liên quan đến điều này”, ông Campbell nói.

Ông Campbell cho biết ông đã có cuộc gọi với các quan chức Hàn Quốc vào tối 23/6 để thảo luận về các bước tiếp theo nhằm tăng cường khả năng răn đe một cách rõ ràng hơn.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng đang có những cuộc thảo luận về những gì Triều Tiên nhận được từ thỏa thuận với Nga và chúng có thể liên quan đến các kế hoạch phát triển phi đạn tầm xa và hạt nhân của nước này”.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Bình Nhưỡng lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết mặc dù có những giới hạn trong quan hệ đối tác của họ nhưng không thể bỏ qua điều đó.

Ông Campbell cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc và Triều Tiên ủng hộ nỗ lực của Nga nhằm xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc chiến với Ukraine.

Căng thẳng Biển Đông

Ông Campbell cho biết Washington đã phản đối chính thức với giới chức Trung Quốc sau cái mà ông gọi là “các hành động khiêu khích quân sự của Bắc Kinh” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như gần các vùng biển xung quanh Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas).

Theo phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa án quốc tế ban hành vào tháng 7 năm 2016, Bãi cạn Second Thomas nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Trung Quốc không có yêu sách hàng hải hợp pháp đối với vùng biển xung quanh thực thể thủy triều thấp này. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.

“Philippines rất thận trọng vào thời điểm này. Họ không tìm kiếm một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc. Họ đang tìm kiếm đối thoại”, ông Campbell nói. “Họ đang tìm kiếm cuộc thảo luận và họ muốn Hoa Kỳ có mục đích rõ ràng với các đồng minh và đối tác khác về mục tiêu của chúng tôi là duy trì hòa bình và ổn định cũng như gửi một thông điệp rất rõ ràng về sự răn đe và trấn an.”

Tuy nhiên, ông không nêu rõ liệu Washington có áp dụng hiệp ước phòng thủ chung với Manila hay không. Ông nói: “Tôi sẽ không suy đoán công khai. Tôi sẽ nói rằng chúng tôi đã liên tục tái khẳng định tầm quan trọng và sự liên quan của nó đối với những tình huống này ở mức cao nhất”.

Trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Maria Theresa Lazaro vào tuần trước, ông Campbell tái khẳng định rằng Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 mở rộng đến các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines - bao gồm cả các lực lượng tuần duyên của Philippines– bất cứ nơi nào ở Biển Đông, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG