Đường dẫn truy cập

Giới phân tích thấy có dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái, bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng. (Ảnh do Thông tấn xã Trung Ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 21/6/2019.)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái, bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng. (Ảnh do Thông tấn xã Trung Ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 21/6/2019.)

Căng thẳng giữa Triều Tiên và Trung Quốc nổi lên công khai trong tuần này lần đầu tiên sau nhiều năm, sau khi Bình Nhưỡng chỉ trích tuyên bố chung do Bắc Kinh ký đề cập đến khả năng phi hạt nhân hóa.

Sự rạn nứt rõ ràng giữa hai đồng minh nổi lên khi nỗ lực phóng vệ tinh do thám quân sự mới nhất của Triều Tiên làm gián đoạn một sáng kiến ngoại giao lớn của Trung Quốc.

Triều Tiên tuyên bố sẽ tiến hành vụ phóng khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang ở Seoul chuẩn bị gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc như một phần của cuộc đối thoại ba bên đã không diễn ra trong gần 5 năm.

Vụ phóng kết thúc bằng một vụ nổ rực lửa ngay sau khi cất cánh, diễn ra vài giờ sau khi cuộc đối thoại ba bên kết thúc vào cuối ngày 27/5.

Mặc dù không phải là chưa từng có, nhưng đây là một hành động gây gián đoạn hiếm thấy của Triều Tiên trong một sự kiện chính trị lớn liên quan đến Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã là đồng minh chính và huyết mạch kinh tế của Triều Tiên bị cô lập.

Theo bà Jean Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, những diễn biến này cho thấy những rạn nứt trong mối quan hệ mà cả hai bên từ lâu đã khẳng định là “gần gũi như môi với răng”.

Bà nói: “Tôi nghĩ những gì chúng ta đang thấy là những vết nứt đó có thể vỡ ra chỉ với một chút áp lực.”

Chỗ khó chịu

Hành động của Triều Tiên khiến ông Lý của Trung Quốc rơi vào thế khó xử khi đứng cạnh Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, cả hai đều lên án vụ phóng phi đạn sắp xảy ra.

Mọi chuyện trở nên khó chịu hơn từ đó. Sau khi ba người đưa ra tuyên bố chung kêu gọi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đã giận giữ.

Trong một tuyên bố được đăng trên Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc ba nước “nhạo báng và lừa đảo”, tố cáo điều mà họ mô tả là “thách thức trắng trợn” đối với chủ quyền của mình và “can thiệp bừa bãi” vào các vấn đề nội bộ nước này.

Bà Rachel Minyoung Lee, một nhà quan sát Triều Tiên và thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết mặc dù tuyên bố của Triều Tiên chủ yếu nhắm vào nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, nhưng đó cũng là một “cú đánh không thể phủ nhận” nhắm vào Trung Quốc.

“Mối quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc có vẻ đã nguội lạnh trong năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây có dấu hiệu rắc rối lộ rõ”, bà viết trong một bài đăng trên blog 38 North, một trang web tập trung về Triều Tiên.

Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên - một công thức thường được các nước khác chấp nhận, bao gồm cả Hoa Kỳ và các đồng minh.

Triều Tiên cũng đã chấp nhận ý tưởng phi hạt nhân hóa trong một số bối cảnh, trong đó có lẽ đáng chú ý nhất là tuyên bố chung được ký bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ vào năm 2018.

Tuy nhiên, Triều Tiên năm ngoái đã đưa vũ khí hạt nhân vào hiến pháp của mình – một tình trạng mà ông Kim hiện nay gọi là “không thể đảo ngược”.

Các động thái của Triều Tiên đã làm dấy lên mối lo ngại lớn giữa Mỹ và các đồng minh, vốn phản ứng bằng cách tăng cường phô trương sức mạnh quân sự.

Ở nơi công cộng, các quan chức Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế, ngay cả khi ép Mỹ nhượng bộ để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa.

Thăng trầm

Triều Tiên đã không chỉ trích Trung Quốc một cách trắng trợn như vậy kể từ năm 2017, khi Bắc Kinh ủng hộ các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với các vụ thử hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.

Kể từ đó, mối quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc đã được cải thiện. Trung Quốc hiện phản đối các chế tài mới, ngay cả khi Triều Tiên mở rộng đáng kể các vụ thử phi đạn đạn đạo vốn bị cấm theo các nghị quyết của Liên hiệp quốc mà nước này từng ủng hộ.

Nhưng bên dưới bề mặt đã có những dấu hiệu rắc rối. Chẳng hạn, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã không gặp ông Kim trong hơn 5 năm.

Trong khi đó, hồi tháng 9, ông Kim đã tới vùng viễn đông của Nga và đồng ý mở rộng hợp tác quân sự với Tổng thống Vladimir Putin. Theo các quan chức Điện Kremlin, kế hoạch của ông Putin sẽ sớm tới thăm Triều Tiên đang được tiến hành.

Ông Putin hiện sử dụng phi đạn của Triều Tiên và các loại vũ khí khác để tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Đổi lại, ông Putin có thể hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, theo một số quan chức Mỹ nhưng chưa cung cấp bằng chứng.

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể không thoải mái nếu Nga cho phép xây dựng lực lượng hạt nhân đáng kể ở biên giới nước này - điều này có thể giải thích một số căng thẳng hiện nay.

Theo ông Ramon Pacheco Pardo, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học King’s College London, Trung Quốc cũng có thể đang cố gắng chứng tỏ rằng họ không gần gũi với Triều Tiên - và với Nga - như một số quốc gia phương Tây ám chỉ.

“Ông Kim Jong Un lẽ ra đã được mời rồi – hoặc về cơ bản đã bị kéo tới Trung Quốc để gặp Tập Cận Bình. Và điều này đã không xảy ra,” ông Pacheco Pardo nói.

Điều đó trái ngược với quá khứ, khi ông Tập ra sức chứng minh rằng ông là nhà lãnh đạo thế giới có mối quan hệ thân thiết nhất với ông Kim, ông Pacheco Pardo nói thêm.

Ông nói rằng các hành động của Triều Tiên trong tuần này cho thấy nước này đã được khuyến khích hợp tác với Nga và hiện muốn thể hiện một số mức độ độc lập khỏi Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu mức độ hỗ trợ hiện tại của Nga dành cho Triều Tiên có tồn tại lâu hơn cuộc chiến ở Ukraine hay không.

Mặc dù hiện tại Triều Tiên có vẻ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc nhưng ông Pacheco Pardo nói, “trong tương lai, mọi chuyện có thể sẽ khác”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG