Đường dẫn truy cập

Triều Tiên tuyên bố thử nhiên liệu mới khi phóng vệ tinh, kết quả gây vụ nổ dữ dội


Màn hình TV chiếu hình ảnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong một chương trình tin tức tại bến xe buýt ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/5/2024.
Màn hình TV chiếu hình ảnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong một chương trình tin tức tại bến xe buýt ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/5/2024.

Vụ phóng vệ tinh mới nhất của Triều Tiên đã phát nổ như một quả cầu lửa trước khi rơi xuống Hoàng Hải chỉ vài phút sau khi phóng, nhưng các nhà phân tích cho rằng nỗ lực này cho thấy những bước tiến mới trong cuộc đua giành không gian của quốc gia có vũ khí hạt nhân này.

Triều Tiên nói nỗ lực mới nhất của họ nhằm phóng vệ tinh trinh sát quân sự đã thất bại hôm thứ Hai trong giai đoạn đầu tiên của tên lửa, với đặc điểm nổi bật là có “động cơ xăng và oxy lỏng” mới.

Phân tích ban đầu cho thấy nguyên nhân thất bại liên quan đến động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng mới được phát triển, nhưng các nguyên nhân khác có thể đang được điều tra, hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết.

Mặc dù truyền thông nhà nước không nêu tên tên lửa hoặc công bố ảnh, nhưng các nhà phân tích cho biết rất có thể nó khác với tên lửa Chollima-1 được sử dụng trong vụ phóng vệ tinh thành công vào tháng 11/2023. Chollima-1, cũng trải qua một số lần thử nghiệm nổ thất bại, sử dụng nhiên liệu hypergolic, chất có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường nhưng bốc cháy khi tiếp xúc với nhau, đòi hỏi phải xử lý cẩn thận.

Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích độc lập cho biết Chollima-1 dường như dựa trên các hệ thống được phát triển cho tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, thường không sử dụng oxy lỏng vì nó cần nhiệt độ lạnh để bảo quản.

Lee Choon-geun, nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho biết nhiên liệu dầu mỏ và động cơ oxy lỏng có thể gợi ý rằng Nga, nước năm ngoái tuyên bố sẽ giúp đỡ chương trình vệ tinh của Triều Tiên, có thể đã cung cấp sự hỗ trợ.

“Ngay cả khi thất bại, đó vẫn là một bước nhảy vọt lớn”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng một số tên lửa vũ trụ của Hàn Quốc ban đầu được phát triển cùng với Nga từ nhiều thập kỷ trước và sử dụng công nghệ tương tự.

“Nga là quốc gia mạnh nhất về nhiên liệu oxy-dầu hỏa lỏng và tên lửa Naro và Nuri của chúng tôi đã áp dụng nó thông qua hợp tác kỹ thuật với Nga”.

Ông Lee cho biết oxy lỏng sôi ở -183°C (–297°F) và cần có kho chứa nhiên liệu chuyên dụng cùng các thiết bị khác. Ông nói thêm rằng điều đó có thể giải thích tại sao Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử tên lửa tĩnh vào cuối năm ngoái.

Ông Lee nói: “Rất khó để giải quyết vấn đề mất ổn định quá trình đốt cháy của hệ thống nhiên liệu này và sử dụng các vật liệu cũng như bộ phận có thể chịu được nhiệt độ cực thấp”.

Một số nhà phân tích đặt câu hỏi tại sao Triều Tiên lại chuyển đổi loại động cơ, ông Lee nói điều đó có thể cho phép Bình Nhưỡng tách chương trình không gian dân sự khỏi các tên lửa đạn đạo bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cho biết các chuyên gia Nga đã đến thăm Triều Tiên để hỗ trợ chương trình vệ tinh và tên lửa vũ trụ.

Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều không nêu chi tiết những khoản viện trợ nào sẽ được cung cấp.

Shin Jong-woo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết nếu Nga giúp thiết kế tên lửa hoặc vệ tinh mới, Triều Tiên rất có thể sẽ cần các linh kiện của Nga trong tương lai, từ đó làm sâu sắc thêm sự hợp tác.

Nhà nghiên cứu này cho rằng: “Triều Tiên có thể sớm phóng tên lửa lại nếu họ thu thập và phân tích dữ liệu chính xác về chuyến bay kéo dài hai phút đó”.

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc nói Triều Tiên có thể phải mất một thời gian trước khi có thể thử nghiệm phóng lại tên lửa.

Hàn Quốc hôm thứ Ba đã công bố đoạn video mà quân đội nước này nói là cho thấy thời điểm vụ phóng kết thúc thất bại.

Đoạn video đen trắng dài một phút do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cung cấp cho thấy dường như có một vụ nổ trên bầu trời, sau đó là những tia sáng.

JCS cho biết đoạn phim được quay bằng thiết bị quan sát trên tàu tuần tra Hàn Quốc.

Đoạn phim do đài truyền hình Nhật Bản NHK công bố hôm thứ Hai, được quay từ thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc, cho thấy một quả cầu lửa tương tự mà các quan chức cho biết có thể là do nhiên liệu phát nổ.

Bộ Ngoại giao Seoul cho biết các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm hôm thứ Ba và lên án mạnh mẽ vụ phóng này là vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Vụ phóng diễn ra vài giờ sau khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản kết thúc hội nghị thượng đỉnh ba bên hiếm hoi ở Seoul.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG