Đường dẫn truy cập

Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo sau khi phủ nhận việc chuyển vũ khí cho Nga


Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 ngày 18/12/2023 tại một địa điểm không được tiết lộ.
Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 ngày 18/12/2023 tại một địa điểm không được tiết lộ.

Seoul ngày 17/5 tố cáo Triều Tiên đã bắn nhiều phi đạn đạn đạo tầm ngắn, vài giờ sau khi em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un phủ nhận những cáo buộc rằng Bình Nhưỡng đang vận chuyển vũ khí cho Nga.

Đây là vụ phóng mới nhất trong chuỗi các cuộc thử nghiệm phức tạp hơn bao giờ hết của Triều Tiên, nước đã phóng phi đạn hành trình, phi đạn chiến thuật và vũ khí siêu thanh trong những tháng gần đây.

Seoul và Washington đã cáo buộc Triều Tiên gửi vũ khí cho Nga, điều này sẽ vi phạm một loạt lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với cả hai nước. Các chuyên gia cho rằng đợt thử nghiệm gần đây có thể là vũ khí được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine.

Quân đội Seoul ngày 17/5 cho biết đã phát hiện vụ phóng thử mà họ mô tả là “một số vật thể bay được cho là phi đạn đạn đạo tầm ngắn” từ khu vực Wonsan phía đông Triều Tiên ra vùng biển ngoài khơi nước này.

Tham mưu trưởng liên quân nói các phi đạn đã bay được khoảng 300 km, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội đã “tăng cường cảnh giác và giám sát để chuẩn bị cho các vụ phóng tiếp theo” và đang chia sẻ thông tin với các đồng minh Washington và Tokyo.

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi em gái của ông Kim, Kim Yo Jong, cáo buộc Seoul và Washington “đánh lừa dư luận” về vấn đề này khi liên tục cáo buộc rằng Bình Nhưỡng đang gửi vũ khí tới Moscow để sử dụng ở Ukraine.

Việc này cũng diễn ra vào lúc nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đang ở Trung Quốc vào ngày 17/5, ngày cuối cùng của chuyến thăm nhằm thúc đẩy thương mại quan trọng với Bắc Kinh - đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên - và giành được sự ủng hộ lớn hơn cho nỗ lực chiến tranh của ông ở Ukraine.

Cuộc thử nghiệm cũng diễn ra một ngày sau khi các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến của Hàn Quốc và Mỹ, trong đó có F-22 Raptor của Washington, tổ chức các cuộc tập trận chung.

Những cuộc tập trận như vậy thường khiến Bình Nhưỡng tức giận, coi đó là cuộc diễn tập xâm lược.

Cảnh báo

Trước đây, Triều Tiên tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các cuộc tập trận trên không, khi các chuyên gia lưu ý rằng lực lượng không quân của nước này là mắt xích yếu nhất trong quân đội.

Ông Yang Moo-jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói với AFP: “Có vẻ như đây là một cuộc biểu dương lực lượng quân sự nhằm đáp trả các cuộc tập trận không quân gần đây của Hàn Quốc và Mỹ”.

Ông Yang nói: “Việc này dường như cũng chứa đựng một thông điệp cảnh báo liên quan đến cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Hàn Quốc và Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 8”.

Quan hệ liên Triều đang ở một trong những điểm thấp nhất trong nhiều năm, khi Bình Nhưỡng tuyên bố Hàn Quốc là “kẻ thù chính” của mình.

Triều Tiên đã loại bỏ các cơ quan chuyên về thống nhất đất nước và đe dọa chiến tranh nếu vi phạm lãnh thổ “dù chỉ 0,001 mm”.

Vụ phóng ngày 17/5 là vụ phóng mới nhất kể từ khi Triều Tiên bắn một loạt phi đạn mà Seoul cho là phi đạn đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông vào ngày 22 tháng 4.

Triều Tiên bị cấm bởi hàng loạt chế tài của Liên hiệp quốc đối với bất kỳ cuộc thử nghiệm nào sử dụng công nghệ đạn đạo, nhưng đồng minh chủ chốt của họ là Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào tháng 3 để chấm dứt hiệu quả hoạt động giám sát của Liên hiệp quốc đối với các hành vi vi phạm, điều Bình Nhưỡng phải đặc biệt cảm ơn Moscow.

Ông Kim Jong Un đã thị sát hệ thống vũ khí phi đạn chiến thuật mới hôm 14/5 và kêu gọi một “sự thay đổi quan trọng” trong việc chuẩn bị chiến tranh bằng cách đạt được các mục tiêu sản xuất kho vũ khí.

Có khả năng là một phi đạn siêu thanh

Ông Hong Min, nhà phân tích cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho biết cách diễn đạt bất thường trong tuyên bố của quân đội Hàn Quốc ám chỉ vụ thử ngày 17/5 “có thể là một phi đạn siêu thanh”.

Ông nói với AFP: “Phi đạn siêu thanh vẫn chưa phải là vũ khí ổn định ở Triều Tiên”, đồng thời cho biết thêm điều này phù hợp với địa điểm phóng ở ven biển Wonsan.

Ông Hong cho biết, mặc dù quỹ đạo bay ngắn nhưng vụ phóng có thể là “phi đạn tầm trung hoặc tầm xa được bắn với tầm bắn được điều chỉnh cho mục đích thử nghiệm”.

Ông nói: “Thực tế không có loại vũ khí nào ngoài phi đạn siêu thanh có thể được mô tả vừa là đạn đạo vừa là ‘vật thể bay’”.

Quân đội thường mô tả phi đạn là “vật thể bay”.

Triều Tiên từ lâu đã tìm cách làm chủ các công nghệ siêu thanh và nhiên liệu rắn tiên tiến hơn để làm cho phi đạn của nước này có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ phi đạn Mỹ-Hàn và đe dọa các căn cứ quân sự trong khu vực của Mỹ.

Phi đạn siêu thanh nhanh hơn và có thể cơ động khi đang bay, khiến chúng khó theo dõi và đánh chặn hơn, trong khi phi đạn nhiên liệu rắn không cần nạp nhiên liệu trước khi phóng, khiến chúng khó phát hiện và khó tiêu diệt hơn cũng như sử dụng nhanh hơn.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG