Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên ‘còn sống’, có thể điều khiển được


Ảnh do chính phủ Triều Tiên cung cấp về vụ phóng vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 lên quỹ đạo vào ngày 21/11/2023.
Ảnh do chính phủ Triều Tiên cung cấp về vụ phóng vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 lên quỹ đạo vào ngày 21/11/2023.

Vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên vẫn còn sống, một chuyên gia vũ trụ ở Hà Lan cho biết hôm thứ Ba, sau khi phát hiện những thay đổi trong quỹ đạo của nó cho thấy Bình Nhưỡng đã điều khiển thành công tàu vũ trụ, mặc dù khả năng của nó vẫn chưa được biết.

Sau hai lần thất bại thảm hại, Triều Tiên đã đưa thành công vệ tinh Malligyong-1 vào quỹ đạo vào tháng 11. Truyền thông nhà nước Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã chụp ảnh các địa điểm quân sự và chính trị nhạy cảm ở Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nơi khác, nhưng không công bố bất kỳ hình ảnh nào. Các máy theo dõi vô tuyến độc lập chưa phát hiện được tín hiệu từ vệ tinh.

Marco Langbroek, chuyên gia về vệ tinh tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, viết trong một bài đăng trên blog: “Nhưng bây giờ chúng tôi có thể chắc chắn rằng vệ tinh vẫn còn sống”.

Từ ngày 19 đến ngày 24/2, vệ tinh đã tiến hành các hoạt động di chuyển để nâng cao cận điểm trong quỹ đạo của nó từ 488 km lên 497 km, ông Langbroek cho biết, trích dẫn dữ liệu từ Trung tâm Điều hành Không gian Kết hợp do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Ông nói: “Hoạt động này chứng minh rằng Malligyong-1 chưa chết và Triều Tiên đang kiểm soát vệ tinh – là điều đang gây tranh cãi”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ cũng đã đánh giá vệ tinh này đang ở trên quỹ đạo nhưng sẽ không bình luận thêm về các phân tích riêng lẻ. Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik nói vệ tinh này không có dấu hiệu thực hiện các nhiệm vụ khác hoặc tham gia trinh sát.

Nói về nhận xét của Bộ trưởng Shin, ông Langbroek viết: “Mặc dù hiện tại chúng tôi thực sự không thể chắc chắn liệu vệ tinh có chụp ảnh thành công hay không nhưng ít nhất nó cũng thực hiện các thao tác trên quỹ đạo. Vì vậy, theo nghĩa đó, nó vẫn hoạt động”.

Ông nói hoạt động nâng quỹ đạo này gây nhạc nhiên vì sự hiện diện của hệ thống đẩy trên tàu là điều bất ngờ và các vệ tinh trước đây của Triều Tiên chưa bao giờ điều động được.

Ông Langbroek nói: “Có khả năng nâng cao quỹ đạo của vệ tinh là một vấn đề lớn”.

Điều đó có nghĩa là miễn vệ tinh còn nhiên liệu, Triều Tiên có thể kéo dài tuổi thọ của vệ tinh bằng cách nâng độ cao khi nó xuống quá thấp, ông kết luận.

Triều Tiên, quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân, tuyên bố sẽ phóng thêm ba vệ tinh do thám trong năm 2024.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG