Đường dẫn truy cập

Ngư dân Việt Nam bị thương trong một vụ tấn công ở Biển Đông


Du khách Trung Quốc trên Đảo Ốc Hoa, Trung Quốc gọi là Đảo Quanfu, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Du khách Trung Quốc trên Đảo Ốc Hoa, Trung Quốc gọi là Đảo Quanfu, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Một tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 ngư dân trên tàu bị thương, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/9.

Tờ Tiền Phong dẫn lời một viên chức địa phương tại xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tàu cá Việt Nam đã liên lạc qua radio hôm 29/9 để báo cáo về vụ tấn công, nói rằng ba ngư dân bị gãy chân tay và bảy ngư dân bị các thương tích khác.

Không rõ tàu của nước nào đã tấn công tàu Việt Nam và các viên chức ở Bình Châu nói với AP rằng họ không có thông tin gì hơn ngoài những gì Tiền Phong đã tường thuật.

Lực lượng biên phòng Việt Nam đang điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào.

Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển phía đông của Việt Nam khoảng 400 km và cách tỉnh Hải Nam của Trung Quốc một khoảng cách tương đương về phía đông nam.

Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Tiền Phong nói vụ tấn công tàu xảy ra ở vùng biển Việt Nam nhưng không nêu rõ chính xác địa điểm xảy ra vụ việc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển chiến lược quan trọng, gây ra tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong việc theo đuổi các yêu sách của mình, khiến Trung Quốc phải đối đầu trực tiếp với Philippines và Việt Nam.

Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng đã triển khai các phương tiện của Hải quân và Không quân để tuần tra tuyến đường thủy này, nơi có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm.

Trung Quốc đã đe dọa sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” vào năm ngoái sau khi Hải quân Hoa Kỳ điều một tàu khu trục đi vòng quanh quần đảo Hoàng Sa trong một “hoạt động tự do hàng hải” thách thức cái mà họ gọi là “các yêu sách hàng hải quá mức”.

Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc kể từ năm 1974, khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ Việt Nam Cộng hoà trong một trận hải chiến ngắn.

Năm ngoái, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo thiết kế vào thời điểm đó, đường băng này có vẻ đủ lớn để chứa máy bay cánh quạt và máy bay không người lái nhưng không phải máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom.

Trung Quốc cũng đã có một bến cảng nhỏ và các tòa nhà trên đảo trong nhiều năm, cùng với một bãi đáp trực thăng và các đài radar.

Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công trình xây dựng đảo của mình, ngoại trừ nói rằng mục đích của công trình này là thúc đẩy an toàn hàng hải toàn cầu.

Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang quân sự hóa tuyến đường thủy này, một tuyến đường toàn cầu và an ninh quan trọng, cũng được cho là nằm trên các trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG