Khánh Hòa và Đà Nẵng hôm 14/3 tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ bãi đá Gạc Ma cách nay 36 năm trước hải quân Trung Quốc và được báo chí trong nước đưa tin rầm rộ trong khi không có lễ tưởng niệm nào ở cấp trung ương, theo tìm hiểu của VOA.
Lễ tưởng niệm quy mô nhất diễn ra tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, với sự hiện diện của lãnh đạo đầy đủ các ban bệ trong tỉnh từ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các sở ban ngành, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh cùng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, tờ Người Lao Động cho biết.
Hình ảnh do tờ báo này quay lại cho thấy các lãnh đạo tỉnh đã thành kính dâng hương, dâng hoa lên tượng đài Vòng tròn bất tử tại Khu tưởng niệm.
Sau đó, họ đã đến thắp hương tưởng nhớ vong linh các tử sỹ tại Khu mộ gió có phiến đá khắc đầy đủ tên tuổi của 64 chiến sỹ đã bỏ mình trong trận hải chiến. Trước mộ gió có bày mâm cúng cơm các vong linh theo như nghi thức của người Việt, theo hình ảnh do tờ báo này ghi lại.
Tại buổi lễ, các lãnh đạo tỉnh nhắc lại trận chiến xảy ra vào ngày 14/3 năm 1988 khi mà ‘64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ để bảo vệ chủ quyền biển đảo’, Người Lao Động cho biết.
Về phần mình, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã cũng đã đưa nhiều tân binh đến tham dự lễ tưởng niệm và tham quan bảo tàng chiến sĩ Gạc Ma, nơi lưu giữ kỷ vật của 64 tử sỹ.
Buổi lễ tưởng niệm còn có sự tham gia của những cựu chiến binh sống sót trong trận hải chiến và thân nhân của những người đã ngã xuống, cũng theo tờ báo này.
Ghi nhận về lễ tưởng niệm ở Khánh Hòa hôm 14/3, tờ Vietnam Plus của TTXVN trích lời Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146 - đơn vị Hải quân phụ trách huyện đảo Trường Sa, khẳng định rằng “Kỷ niệm 36 năm trận chiến bảo vệ Gạc Ma là dịp đặc biệt để giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các thế hệ đi trước cho các cán bộ, chiến sỹ công tác tại đơn vị.”
Còn tại Đà Nẵng, nơi có 9 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa đã tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Đình làng Nại Nam thuộc quận Hải Châu, báo Chính phủ cho biết.
Ngôi đình này là nơi đặt bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ là con em ở địa phương đã hy sinh qua các thời kỳ, trên đó có khắc tên các liệt sỹ đã hy sinh trong trận Gạc Ma.
Cũng trong cùng ngày 14/3, tại Vịnh Mân Quang ở Quận Sơn Trà của Đà Nẵng, Hội cựu chiến binh Hải quân thành phố đã tổ chức lễ tưởng niệm với sự hiện diện của các bà mẹ đã mất con trong trận chiến, theo tường thuật của trang mạng VnExpress.
Tỉnh Khánh Hòa là đơn vị hành chính quản lý quần đảo Trường Sa, nơi có bãi Gạc Ma, còn thành phố Đà Nẵng có thẩm quyền hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa, vốn đang bị Trung Quốc chiếm giữ.
Cũng trong dịp này, theo VnExpress, tỉnh Quảng Bình đã đặt tên cho một con đường dài 1km, rộng 5m, ở phường Quảng Phúc của thị xã Ba Đồn theo tên Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong trận đánh Gạc Ma trong tư thế quyết giữ lá quốc kỳ.
Ngoài ra, theo quan sát của VOA, không có lễ tưởng niệm nào diễn ra ở cấp trung ương và cũng không có lãnh đạo trung ương nào tham dự các buổi lễ tưởng niệm ở cấp địa phương.
Cũng nhân sự kiện Gạc Ma cách nay 2 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số bộ trưởng tháp tùng đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm Gạc Ma. Tuy nhiên, khi đó, ông Chính không đến dự lễ chính thức mà là nhân chuyến công tác tại Khánh Hòa nên ghé qua.
Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều năm qua đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông và giữa hai nước đã xảy những trận chiến đẫm máu, trong đó có trận Gạc Ma. Tuy nhiên, hai nước vừa có bước tiến trong quan hệ khi cùng tham gia vào Cộng đồng Chia sẻ Tương lai nhân chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi cuối năm ngoái.
Diễn đàn