Trung Quốc phóng thử phi đạn ra Thái Bình Dương

Ảnh vệ tinh cho thấy các hầm chứa phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM của Trung Quốc tại Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, ngày 4/6/2021.

Trung Quốc phóng thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM với đầu đạn giả ra “biển khơi của Thái Bình Dương”, Bộ Quốc phòng nước này loan tin ngày 25/9.

“Phi đạn đã rơi vào vùng biển dự kiến”, Bộ tuyên bố trong một thông cáo báo chí được đăng trên trang web của mình. “Vụ phóng thử này là một sự sắp xếp thường lệ trong kế hoạch huấn luyện hàng năm của chúng tôi. Nó phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế và không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào”.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc “đã thông báo trước cho các quốc gia liên quan”, nhưng không nêu rõ đường đi của phi đạn hoặc nơi nó đáp xuống ở Thái Bình Dương.

Tân Hoa Xã đưa tin vụ phóng “đã kiểm tra hiệu quả hiệu suất của vũ khí và thiết bị cũng như trình độ huấn luyện của quân đội, và đạt được mục tiêu mong đợi”.

Năm 1980, Trung Quốc đã phóng một ICBM vào Nam Thái Bình Dương, hãng tin AP đưa tin, lưu ý rằng một bản đồ được công bố trên các tờ báo Trung Quốc vào thời điểm đó cho thấy khu vực mục tiêu gần giống như một vòng tròn ở trung tâm của một vành đai được tạo thành bởi Quần đảo Solomon, Nauru, Quần đảo Gilbert, Tuvalu, Samoa, Fiji và New Hebrides.

Một nhà phân tích nói với AFP rằng Trung Quốc thường tiến hành các cuộc thử nghiệm như vậy trong không phận của họ.

“Đây là điều cực kỳ bất thường và có thể là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, chúng ta chứng kiến một cuộc thử nghiệm như thế này”, ông Ankit Panda từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.

Ông nói thêm rằng cuộc thử nghiệm “có thể phản ánh quá trình hiện đại hóa hạt nhân đang diễn ra của Trung Quốc thể hiện ở các yêu cầu mới về thử nghiệm”.

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 25/9 cho biết đã phát hiện 23 máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động xung quanh Đài Loan và gần đây cũng phát hiện ra các vụ bắn phi đạn “với cường độ cao” và các cuộc tập trận khác của Trung Quốc.

Bộ này cho biết Đài Loan đã điều động lực lượng không quân và hải quân của mình để theo dõi.