Khi người Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống Hoa Kỳ hôm 5 tháng 11 vừa qua, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần hai phần ba số cử tri tin rằng đất nước đã đi sai hướng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Theo một số nhà phân tích, khi ông Biden chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump, ông để lại một di sản “hỗn hợp”.
Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ là niềm ao ước của thế giới công nghiệp, thoát khỏi tình trạng đóng cửa vì COVID với mức tăng trưởng việc làm và tăng lương mạnh mẽ, nhiều người Mỹ phàn nàn rằng những thành quả đó đã bị giá nhà và giá thực phẩm cao nhấn chìm.
Lời hứa của ông Biden về việc quay trở lại chính sách di trú nhân đạo hơn so với thời cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đã sớm va chạm với thực tế về sự gia tăng đột biến của các cuộc vượt biên trái phép. Ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng cách đảo ngược nhiều chính sách hạn chế di trú của ông Trump. Ông đã dừng việc xây dựng bức tường biên giới của ông Trump; hủy bỏ lệnh cấm nhắm vào những người từ một số quốc gia có đa số dân Hồi giáo và các nước khác; và chấm dứt chương trình “ở lại Mexico” vốn buộc những người xin tị nạn không phải công dân Mexico phải chờ ở Mexico trong khi xin được duyệt xét vào Mỹ tị nạn.
Nhưng nhiều tháng sau khi ông nhậm chức, tình trạng vượt biên trái phép tăng đột biến, đặc biệt là đối với trẻ em không có người đi kèm từ Trung Mỹ, khiến các trung tâm thanh lọc biên giới của Hoa Kỳ quá tải và làm dấy lên sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa.
Tình trạng vượt biên trái phép lên tới mức kỷ lục vào năm 2022 và 2023 khi ngày càng có nhiều di dân đến từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela và các quốc gia bên ngoài bán cầu.
Tòa án Tối cao đã đảo lộn bối cảnh pháp lý xung quanh quyền phá thai bằng cách lật ngược phán quyết Roe vs Wade, làm bùng phát một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ. Vào tháng 6 năm 2022, phe bảo thủ đa số được thành lập bởi các cuộc bổ nhiệm tư pháp của ông Trump vào tòa án đã xóa bỏ quyền phá thai của liên bang vốn tồn tại gần 50 năm theo phán quyết Roe vs Wade.
Phán quyết này mở ra một giai đoạn mà các tiểu bang riêng lẻ đặt ra luật riêng của họ về quyền tiếp cận phá thai. Hơn một chục tiểu bang đã cấm phá thai trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp. Ông Biden lên án phán quyết của Tòa án Tối cao, và chính quyền của ông, thông qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Tư pháp, đã đưa ra các hướng dẫn để đảm bảo tiếp cận dịch vụ phá thai khẩn cấp theo luật liên bang và bảo vệ việc sử dụng thuốc phá thai trước Tòa án Tối cao. Chính quyền cũng thúc đẩy việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản như biện pháp tránh thai thông qua Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng. Chính quyền đã giành được chiến thắng lớn nhất vào tháng 6 khi Tòa án Tối cao bác bỏ một vụ kiện do những người ủng hộ chống phá thai đệ trình nhằm hủy bỏ việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận mifepristone, một trong hai loại thuốc được sử dụng trong phá thai.
Nhưng tòa án đã bác bỏ vụ kiện của chính quyền trên cơ sở thủ tục, lập luận rằng lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt của Idaho xung đột với luật liên bang yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ y tế phải cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp ổn định, bao gồm cả phá thai.
Mặc dù ông Biden cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò là lực lượng ổn định trên thế giới, nhưng các cuộc xung đột ở nước ngoài đã làm lu mờ nhiệm kỳ tổng thống của ông. Từ các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza đến đổ máu trong cuộc nội chiến ở Sudan, các cuộc xung đột ở nước ngoài đã chi phối chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Biden.
Ông Biden nhậm chức với lời hứa khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trên thế giới và quyết tâm đẩy lùi một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Theo một số cách, chính quyền của ông đã làm được điều đó. Sau cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan năm 2021, ông Biden đã tập hợp các đồng minh của Hoa Kỳ vào năm sau để chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và cũng đã khôi phục các liên minh trên khắp Châu Á để gây sức ép lên giới lãnh đạo Trung Quốc.
Nhưng Hoa Kỳ đã phải vật lộn để chấm dứt các cuộc xung đột dai dẳng và không thể ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Ông Joe Biden có thể đi vào lịch sử với tư cách là người giám sát nền kinh tế tốt nhất mà mọi người đều ghét.
Kể từ năm 2021, khi đất nước thoát khỏi đại dịch toàn cầu vốn đã tạo ra tình trạng mất việc làm và khiến nền kinh tế gần như đình trệ, các chủ nhân đã tạo thêm gần 16,5 triệu việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình chỉ ở mức 4,2%, bao gồm cả mức tăng dài nhất là 4% hoặc thấp hơn kể từ những năm 1960. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trung bình đạt 3,2% mỗi quý, cao hơn nhiều so với mức mà hầu hết các nhà kinh tế coi là tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Thu nhập và tiền lương tăng cao hơn xu hướng. Tổng giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Hoa Kỳ đã tăng lên mức kỷ lục 163,8 nghìn tỷ đô la, nhờ vào thị trường chứng khoán bùng nổ và giá nhà tăng.
Nhưng từ cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác trong hầu hết nhiệm kỳ của ông, ông Biden cho thấy ít người Mỹ trung bình ghi nhận được điều đó. Tại sao? Bởi vì tất cả những điều đó xảy ra trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh nhất trong một thế hệ.
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, sự kết hợp của chuỗi cung ứng rối rắm, tình trạng thiếu hụt lao động và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, được hỗ trợ bởi khoảng 5 nghìn tỷ đô la kích thích của chính phủ từ chính quyền Biden và Trump, đã khiến giá cả tăng nhanh.
Trong một trong những tranh cãi gần đây nhất, ông Biden đã ân xá cho con trai mình là Hunter sau khi nhiều lần tuyên bố sẽ để hệ thống tư pháp Hoa Kỳ làm việc. Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden đã ân xá cho con trai mình là Hunter một phần để bảo vệ anh khỏi sự trấn áp trong tương lai từ các đối thủ chính trị, nhưng động thái của ông đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội, với một số đảng viên Dân chủ cho rằng điều này làm suy yếu lòng tin của công chúng vào pháp quyền. Ông Biden, một đảng viên Dân chủ có nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20 tháng 1 khi Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa Donald Trump nhậm chức, đã ký lệnh ân xá vô điều kiện cho Hunter Biden vào ngày 1/12/2024 và nói ông tin rằng con trai mình đã bị truy tố có chọn lọc và bị nhắm mục tiêu một cách bất công bởi những người đối lập chính trị của tổng thống. Ông Hunter đã bị truy tố vì các tội danh về thuế và liên quan đến việc sở hữu súng sau nhiều năm bị nhắm mục tiêu bởi những người Cộng hòa tại Quốc hội, những người đã cáo buộc anh ta thực hiện các thỏa thuận kinh doanh dùng tên của cha mình nhưng họ không chỉ ra được bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào.