Đường dẫn truy cập

Triều Tiên lên án Mỹ tại Liên hiệp quốc


Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song ngày 30/9/2024 cho biết Triều Tiên đang thực hiện các bước để tự vệ tốt hơn.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song ngày 30/9/2024 cho biết Triều Tiên đang thực hiện các bước để tự vệ tốt hơn.

Triều Tiên hôm 30/9 lên án rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ “khuấy động các cuộc đối đầu quân sự hơn nữa” bằng cách tham gia các cuộc tập trận ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và “không ngừng nói” về việc thay đổi chế độ tại Triều Tiên.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song cho biết Triều Tiên đang thực hiện các bước để tự vệ tốt hơn.

Những lời của ông Kim, mặc dù gay gắt, nhưng dường như không đại diện cho bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào so với lời lẽ thông thường của Bình Nhưỡng. Ông đã phát biểu vào ngày cuối cùng của cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc với các nhà lãnh đạo thế giới — một ngày mà một số quốc gia bị cô lập về mặt ngoại giao nhất thế giới đã lên diễn đàn.

Ông Kim nói Hoa Kỳ, khi cố gắng thống trị các vấn đề thế giới, đã không hành động công bằng với cộng đồng các quốc gia và đang lợi dụng Liên hiệp quốc đa phương cho mục đích riêng của mình.

“Họ đang khuấy động các cuộc đối đầu quân sự hơn nữa”, ông Kim nói, cáo buộc Washington đạo đức giả - một cáo buộc phổ biến khác từ Triều Tiên. “Ai đã phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên trong lịch sử loài người?...Ai không ngừng nói về sự kết thúc một chế độ của một quốc gia có chủ quyền?”

Ông nói thêm: “Liên hiệp quốc đang bị lợi dụng cho các mục đích chính trị của một quốc gia riêng lẻ. Những thực tế như vậy không còn được dung thứ và cho phép nữa”.

Khi ông nói, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ chăm chú ghi chép trên giấy. Không có phản hồi ngay lập tức từ Hoa Kỳ.

Triều Tiên đang phản ứng lại các cuộc tập trận Mỹ-Hàn

Quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn vào tháng trước nhằm tăng cường năng lực phòng thủ chung của họ chống lại Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng một lần nữa cáo buộc Mỹ-Hàn đang tiến hành một cuộc xâm lược.

Cuộc tập trận thường niên vào mùa hè diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên khi cả các cuộc biểu dương vũ khí của Triều Tiên và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều gia tăng. Vào thời điểm đó, Triều Tiên đã ra tuyên bố gọi các cuộc tập trận này là “cuộc tập trận chiến tranh khiêu khích” và cho biết chúng biện minh cho tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong một phản bác sau đó tại hội trường, một nhà ngoại giao Hàn Quốc đã gọi những tuyên bố của Triều Tiên là vô căn cứ và cho biết việc theo đuổi vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng là gốc rễ của căng thẳng.

“Chúng tôi có nhiệm vụ, giống như bất kỳ quốc gia thành viên nào, là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân khỏi mối đe dọa quân sự của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bằng cách duy trì tư thế phòng thủ và răn đe chung mạnh mẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ”, Phó Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hiệp quốc Sangijn Kim nói.

Bài phát biểu của ông Kim Song giống với bài phát biểu trước đây của ông tại cùng bục phát biểu vào năm ngoái, khi ông nói rằng Hoa Kỳ đang cố gắng kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông cũng cho biết Bình Nhưỡng đang tăng cường phòng thủ để đối phó với “bá quyền” mà họ cho là đang đe dọa họ. “Chúng tôi tiếp tục tăng cường khả năng răn đe chiến tranh của mình”, ông Kim nói.

Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình, khiến Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và — về mặt kỹ thuật — vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Một số nước có mặt nhưng không phát biểu

Không phát biểu tại hội nghị sáu ngày này là đại diện từ Myanmar và Afghanistan, cả hai đều đang trong tình trạng lấp lửng của Liên hiệp quốc sau khi các chế độ mới lên nắm quyền trong những năm gần đây.

Afghanistan không hoàn toàn vắng mặt trong cuộc tranh luận ngày 30/9. Ngoại trưởng Ireland Sean Fleming yêu cầu một cam kết “không thể thương lượng” về bình đẳng giới ở đó. Và Ngoại trưởng Canada đã chỉ trích Taliban cầm quyền vì các chính sách hạn chế của họ đối với phụ nữ và tác động của những luật như vậy đối với xã hội Afghanistan. Bà Melanie Joly nói “Taliban không thể khiến luật pháp quốc tế biến mất thông qua các sắc lệnh đơn giản”.

Vào một buổi sáng đầy rẫy những lời chỉ trích về “bá quyền”, nhà ngoại giao hàng đầu của Burkina Faso cho biết khái niệm đa phương được trân trọng của Liên hiệp quốc – quá trình ra quyết định trên diện rộng cho phép tất cả các quốc gia lên tiếng về các vấn đề mà hành tinh đang phải đối mặt – đã “cạn kiệt”, danh tiếng của nó “bị hủy hoại, hết lần này đến lần khác, bởi các hành động săn mồi của một số quốc gia thành viên đã quyết định rằng họ là chủ nhân của thế giới”.

“Sự hòa hợp và gắn kết của thế giới chúng ta đang bị đe dọa”, Ngoại trưởng Karamoko Jean Marie Traore nói. “Chúng tôi muốn kêu gọi các cường quốc trên thế giới ưu tiên một nền quản trị toàn cầu bao trùm, loại bỏ các tầm nhìn bá quyền. Và nếu chúng ta có thể làm được điều đó, vinh quang của Liên hiệp quốc sẽ lại được khôi phục”.

Các quốc gia yếu hơn chỉ trích Liên hiệp quốc, phương Tây

Ngoại trưởng Syria Bassam Sabbagh, người đại diện cho một quốc gia tương đối cô lập khác, cũng cho biết chủ nghĩa đa phương của Liên hiệp quốc đã ngừng hoạt động — nếu như ông nói, nó từng hoạt động. Ông đã trích dẫn những gì ông gọi là tội ác “khủng bố” của Israel kể từ khi Hamas tấn công người Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 và Israel đáp trả nhanh chóng và tàn bạo tại Gaza. Israel nói họ chỉ tự vệ mà thôi.

“Sự hỗn loạn đang lan rộng”, ông Sabbagh nói. “Tất cả những gì đã xảy ra đã tiết lộ ý định thực sự của tập thể phương Tây. Hoa Kỳ đã ngăn cản Hội đồng (Bảo an) thực hiện trách nhiệm đối đầu với các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Shekh Shakhboot Nahyan al-Nahyan, phát biểu về cùng chủ đề: “Ngay cả chiến tranh cũng có luật lệ”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nicaragua, Valdrack Ludwing Jaentschke Whitaker, nói các quốc gia nhỏ như nước ông sẽ không bao giờ lùi bước — ngay cả khi đối mặt với các cường quốc.

Đối với “những kẻ xâm lược, những kẻ can thiệp đội lốt cừu, có bộ mặt sói”, ông nói, “chúng tôi là những dân tộc giàu văn hóa, tài nguyên và mô hình cộng đồng. Chúng tôi giàu các giá trị đã bị chối bỏ, bóp méo, vu khống hoặc suy yếu. Chúng tôi sẽ không để mình bị biến thành những kẻ ăn xin túng thiếu."

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG