Đường dẫn truy cập

Tổng thống Ukraine nói với Liên Hiệp Quốc: Phải ép Nga chấp nhận hòa bình


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 25/9/2024.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 25/9/2024.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Ba (24/9) nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không thể được giải quyết chỉ bằng các cuộc đàm phán, mà cần phải buộc Moscow chấp nhận hòa bình.

Ông Zelenskyy đã tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo phương Tây cho cái mà ông gọi là “kế hoạch chiến thắng” để chấm dứt cuộc chiến, vốn bắt đầu khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước ông vào tháng 2/2022.

Ông Zelenskyy nói cuộc chiến sẽ kết thúc vào một ngày nào đó nhưng không phải vì “ai đó đã chán chiến tranh” hay thông qua một cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ám chỉ đến đề xuất rằng Ukraine nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga chiếm giữ để giải quyết xung đột.

“Cuộc chiến này không thể được giải quyết bằng các cuộc đàm phán. Cần phải hành động”, ông Zelenskyy nói, đồng thời cảm ơn các quốc gia đã hỗ trợ Ukraine.

“Putin đã phá vỡ rất nhiều chuẩn mực và quy tắc quốc tế đến mức bản thân ông ta sẽ không dừng lại, Nga chỉ có thể bị ép thì mới có hòa bình, và đó mới đúng là điều cần làm, buộc Nga phải chấp nhận hòa bình, với tư cách là kẻ xâm lược duy nhất trong cuộc chiến này, kẻ duy nhất vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, ông Zelenskyy nói.

Ông Zelenskyy chĩa mũi dùi vào Triều Tiên và Iran vì đã cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến, gọi họ là “đồng phạm trên thực tế” của Moscow.

Ukraine đang phải đối mặt với một tương lai bất định. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ ngày 5/11, điều này sẽ dẫn đến việc định hình lại chính sách của Washington đối với Ukraine, quốc gia đang phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự và tài chính của Hoa Kỳ. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một cuộc đua sít sao giữa hai ứng cử viên của Mỹ.

Hơn 2 năm rưỡi kể từ cuộc xâm lược, Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và đã tiến về phía đông.

Ông Zelenskyy từng nói rằng nếu kế hoạch của ông được phương Tây ủng hộ, nó sẽ có tác động lớn đến Moscow, bao gồm cả tác động tâm lý có thể giúp buộc ông Putin chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao.

Ông Zelenskyy cho đến nay vẫn chưa nói nhiều về kế hoạch chiến thắng của mình, ngoại trừ việc nó sẽ đóng vai trò là cầu nối cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai do Ukraine dẫn đầu mà Kyiv muốn tổ chức và mời Nga tham dự vào cuối năm nay.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã lên tiếng tại cuộc họp để phản đối việc Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên tiếp đón ông Zelenskyy.

“Các nước phương Tây không thể kiềm chế được mà lại đầu độc bầu không khí một lần nữa, cố gắng lấp đầy thời gian bằng vấn đề Ukraine đã quá nhàm”, Đại sứ Nebenzia nói về cuộc họp.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đã lời qua tiếng lại trong cuộc họp.

“Triều Tiên và Iran không phải là những bên duy nhất hỗ trợ và tiếp tay cho Nga”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trước hội đồng. “Trung Quốc - một thành viên thường trực của hội đồng này - là nhà cung cấp hàng đầu các công cụ máy móc, vi điện tử và các mặt hàng khác mà Nga đang sử dụng để tái thiết, bổ sung, tăng cường cỗ máy chiến tranh và duy trì sự xâm lược tàn bạo của mình”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ rằng việc Bắc Kinh ủng hộ Nga đang cho phép nước này tiếp tục chiến tranh ở Ukraine.

“Tôi muốn nói rõ rằng về vấn đề Ukraine, bất kỳ động thái nào đổ trách nhiệm cho Trung Quốc, hoặc tấn công và bôi nhọ Trung Quốc, đều là vô trách nhiệm và sẽ chẳng đi đến đâu cả”, ông nói với hội đồng.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG