Đường dẫn truy cập

Xử lý Việt Nam thao túng tiền tệ, chính quyền Biden ‘không cần đến Mục 301’?


Một nhân viên ngân hàng Vietinbank đang kiểm đếm tiền đô tại một quầy trao đổi ngoại tệ tại một sự kiện của ADB tại Hà Nội. Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra các hành vi thương mại của Việt Nam được cho là gây bất lợi cho các công ty Mỹ khi làm ăn buôn bán với quốc gia Đông Nam Á.
Một nhân viên ngân hàng Vietinbank đang kiểm đếm tiền đô tại một quầy trao đổi ngoại tệ tại một sự kiện của ADB tại Hà Nội. Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra các hành vi thương mại của Việt Nam được cho là gây bất lợi cho các công ty Mỹ khi làm ăn buôn bán với quốc gia Đông Nam Á.

Trở lại đàm phán hiệp định thương mại khu vực TPP có thể là giải pháp tốt hơn cho chính quyền Biden để giải quyết tranh chấp thương mại với Việt Nam thay vì đơn phương chế tài, theo một chuyên gia chính sách thương mại ở Washington DC

Chưa đầy một tuần trước khi mãn nhiệm vào tháng 1, chính quyền Trump đưa ra kết luận về cuộc điều tra hành vi định giá tiền tệ của Việt Nam. Dù cho rằng các hoạt động của Việt Nam là “không hợp lý và gây gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Hoa Kỳ” – mà theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ, Mỹ có thể đơn phương áp thuế trả đũa – Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) lúc đó đã không đưa ra bất kỳ hành động nào đối với Việt Nam. Chính quyền Biden có toàn quyền quyết định và gần đây cho biết hai cuộc điều tra, gồm cả nghi vấn Việt Nam sử dụng gỗ có nguồn gốc phi pháp, vẫn đang được tiến hành.

Việt Nam được cho là hưởng lợi từ cái gọi là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biết kể từ khi Mỹ áp thuế theo Mục 301 đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018.

Một lý do thường được nêu ra là thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2020 Việt Nam có thặng dư thương mại hàng hoá lớn thứ 3 đối với Mỹ, với gần 69,7 tỷ USD – tăng gần 25% so với năm trước – vượt qua Nhật Bản và Đức về mặt này. Từ năm 2018-2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ giảm hơn 108,2 tỷ USD – tức 25,8% – trong khi thặng dư thương mại của Việt Nam tăng hơn 30,2 tỷ USD – tương đương 76,4%. Với mục tiêu của chính quyền Trump là kiềm chế thâm hụt thương mại tổng thể của Hoa Kỳ, các nhà quan sát từ lâu đã cảnh báo rằng việc định giá tiền tệ của Việt Nam có thể trở thành trọng tâm của Mỹ cho hành động nhắm vào thặng dư thương mại của Việt Nam.

Nhiều cuộc đàm phán căng thẳng đã diễn ra dưới thời chính quyền Trump, trong đó có cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc thảo luận đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden về vấn đề này được công bố là cuộc điện đàm giữa Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hôm 1/4, trong đó bà Tai nêu lên những quan ngại của Mỹ về các hành vi tiền tệ và khai thác gỗ bất hợp pháp của Việt Nam.

Khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều này có nghĩa chính quyền cũng từ bỏ các điều khoản về tiền tệ vốn cho phép hai nước giải quyết các vấn đề định giá tiền tệ một cách đa phương với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình được nâng cao, theo chuyên gia chính sách thương mại John Taishu Pitt, một thành viên của Viện nghiên cứu Luật Kinh tế Quốc tế của Trung tâm Luật Đại học Georgetown ở thủ đô Washington của Mỹ. Nhưng TPP không bao gồm một cơ chế thực thi, và theo ông Pitt nhận định trong một bài phân tích trên trang East Asia Forum, điều này đã khiến các tập đoàn công nghiệp như nghiệp đoàn thống nhất của các công nhân sản xuất ô tô (United Auto Workers) phản đối. Với những lo ngại đó, thoả thuận thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA), được đàm phán dưới thời chính quyền Trump, đã có một cơ chế thực thi các điều khoản này.

“Nếu ông Biden tin rằng việc sửa chữa các mối quan hệ và áp dụng chủ nghĩa đa phương là một phần trong chiến lược ‘trở lại bình thường’ của ông, thì một cách để giải quyết vấn đề tiền tệ (với Việt Nam) là quay trở lại đàm phán TPP”, ông Pitt viết.

TPP được xem là sẽ đặt khoảng 40% nền kinh tế thế giới về phía Hoa Kỳ và Việt Nam là một trong những quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này nếu Mỹ tham gia. Sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, 11 quốc gia thành viên còn lại đã ký kết và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hơn một năm sau đó. Ông Biden đã từng ủng hộ mạnh mẽ TPP khi là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ông từng nói trong thời gian tranh cử tổng thống hồi đầu năm 2019 rằng ông sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành tổng thống.

“Ông (Biden) có thể xem xét lại các điều khoản bị đình chỉ trong CPTPP và tránh một cách tiếp cận đơn phương hơn như việc sử dụng Mục 301”, ông Pitt định, và cho rằng hiện nay Tổng thống Biden và Đại diện Thương mại Tai đang “lưỡng lự trong việc ủng hộ TPP”.

Báo cáo điều tra theo Mục 301, mà USTR khởi xướng từ tháng 10 năm ngoái, nêu lên ba phát hiện chính, trong đó cho rằng việc định giá thấp tiền đồng của Việt Nam làm giảm chi phí nhập khẩu hàng của quốc gia Đông Nam Á vào Mỹ và điều này làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa của Hoa Kỳ. Thứ 2, nó làm tăng giá nội tệ của hàng hoá xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam, khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ kém cạnh tranh hơn ở Việt Nam. Thứ 3, việc Việt Nam bị cáo buộc can thiệp thị trường ngoại hối đồng thời với thặng dư tài khoản vãng lai của mình làm xói mòn cơ hội xuất khẩu của các công ty Mỹ. Tuy nhiên, một số người cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tích cực phá giá tiền Đồng của mình. Thủ tướng Phúc, giờ đây là chủ tịch nước, khẳng định với Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm hồi tháng 12 năm ngoái rằng việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Việc sử dụng Mục 301 như một cách để giải quyết vấn đề định giá tiền tệ của Việt Nam được coi là gây tranh cãi vì nó đã phá vỡ các thủ tục do Quốc hội quy định trong Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988 và Đạo luật Tạo thuận lợi Thương mại và Thực thi Thương mại 2015 (TFTEA), theo ông Pitt, chuyên gia của công ty luật Curtis có trụ sở ở Washington DC chuyên về chính sách thương mại tập trung vào các cuộc điều tra liên bang có tác động đến nhập khẩu vào Mỹ, trong đó gồm Mục 301.

Các mối quan ngại liên quan đến việc định giá tiền tệ của Việt Nam chính thức được nêu lên vào tháng 5/2019 khi Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi của mình. Vào tháng 12/2020, Bộ này công bố báo cáo về thao túng tiền tệ, trong đó báo buộc Việt Nam, cùng với Thuỵ Sỹ, là những quốc gia thao túng tiền tệ.

Các cuộc tranh luận xung quanh những gì Bộ Tài chính có thể làm một khi tuyên bố một quốc gia nào đó là “kẻ thao túng tiền tệ” là khá u ám, theo ông Pitt. Việc định danh này không tự động kích hoạt các loại thuế hay các chế tài nhưng một cuộc điều tra theo Mục 301 sẽ cho phép Mỹ đơn phương áp dụng các loại thuế trả đũa đối với các đối tác bị coi là có liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng.

“Nếu chính quyền Biden theo đuổi một biện pháp thuế thông qua việc sử dụng Mục 301, thì đây có thể là một trường hợp khác của nhánh hành pháp khi lựa chọn một phương thức tuỳ ý hơn là luật phòng vệ thương mại hiện hành”, ông Pitt nhận định và cho rằng việc tái tham gia các cuộc đàm phán thương mại khu vực, như TPP, không những giúp chính quyền Biden giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại với các nước, trong đó có Việt Nam, một cách dễ dàng hơn, mà còn có thể thúc đẩy các sáng kiến mà chính quyền ông đặc biệt quan tâm – như bảo vệ môi trường và các chính sách hỗ trợ ‘tầng lớp trung lưu’ của Mỹ như được đưa vào thoả thuận thương mại với Mexico và Canada.

“Mỹ nên tránh lùi vào một góc nơi chỉ có các hành động đơn phương đối với các vấn đề định giá tiền tệ”, ông Pitt viết trong bài phân tích được East Asia Forum đăng tải hôm 27/3.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, người mới được Tổng thống Biden đề cử làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 7/4 cho biết rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cùng làm việc để giải quyết những bất đồng về vấn đề tiền tệ và các hoạt động khai thác gỗ ở quốc gia Đông Nam Á. Ông Kritenbrink cho biết rằng những bất đồng quan điểm đang được hai bên xử lý “một cách có trách nhiệm”.

Tranh chấp thương mại là một trong số ít các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong khi hai quốc gia cựu thù đang xích lại gần nhau hơn với những lợi ích song trùng trước một Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Nói với báo giới sau khi đắc cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái, ông Biden không trả lời câu hỏi liệu ông sẽ đưa Mỹ tái gia nhập TPP hay không nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải cùng kết hợp với các nền dân chủ khác để cùng họ, chứ không phải Trung Quốc, có thể đặt ra những luật lệ về thương mại.

VOA Express

XS
SM
MD
LG