Hôm 7/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam sẽ “quyết” giảm thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ sau khi bị Washington gắn nhãn “thao túng tiền tệ”. Ông Phúc cũng tiết lộ rằng ông đã “đề nghị” Tổng thống Mỹ Donald Trump không áp thuế trừng phạt Việt Nam.
Cổng thông tin Chính phủ dẫn phát biểu của ông Phúc tại một hội nghị của ngành công thương hôm 7/1: “Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững”.
Với phát biểu như vây, ông Phúc tỏ ý rằng Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ hay phải giảm xuất sang Mỹ để cán cân thương mại hai nước không quá chênh lệch.
Việt Nam xuất siêu sang Mỹ trong nhiều năm là một trong những lý do khiến Washington cáo buộc Hà Nội “thao túng tiền tệ” vào tháng trước.
Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cho đến hết tháng 10/2020 là hơn 56,6 tỷ USD, cao hơn mức tổng thâm hụt của toàn bộ năm 2019 – mức cao nhất trong lịch sử thương mại hàng hoá giữa hai nước kể từ 1992.
“Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại”, ông Phúc lặp lại lời giãi bày hôm 7/1 như đã nhiều lần phát biểu trước đó.
Ngoài ra, Thủ tướng Phúc cũng nhắc lại rằng vào ngày 22/12/2020 ông đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông “đề nghị không áp thuế với Việt Nam vì lý do cơ cấu sản phẩm, tiêu dùng của từng nước”, theo trang Tuổi Trẻ.
Hôm 6/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong đó có bàn đến cáo buộc thao túng tiền tệ.
Trang VietnamFinance cho biết vào tối ngày 7/1 rằng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với ông Robert Lighthizer, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Cuộc điện đàm sẽ xoay quanh vấn đề USTR đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.