Đường dẫn truy cập

Chính quyền Biden tiếp tục các cuộc điều tra về Việt Nam khởi xướng dưới thời Trump


Cờ Việt Nam treo trên đường phố thủ thô Mỹ Washington, DC. Các cuộc điều tra về cáo buộc gian lận thương mại đối với Việt Nam được khởi xướng dưới thời Tổng thống Trump đang tiếp tục được thực hiện dưới chính quyền Biden.
Cờ Việt Nam treo trên đường phố thủ thô Mỹ Washington, DC. Các cuộc điều tra về cáo buộc gian lận thương mại đối với Việt Nam được khởi xướng dưới thời Tổng thống Trump đang tiếp tục được thực hiện dưới chính quyền Biden.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết các cuộc điều tra về cáo buộc gian lận thương mại đối với Việt Nam được Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tiếp tục được thực hiện.

Trong chương trình nghị sự về thương mại được công bố hôm 1/3, chính quyền Biden thông báo về sự tiếp nối của hai cuộc điều tra mà Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mở vào đầu tháng 10 năm ngoái, theo “chỉ đạo” của Tổng thống Trump lúc đó, về các “hành vi, chính sách và thực hành của Việt Nam” liên quan đến việc nhập và sử dụng gỗ được cho là có nguồn gốc bất hợp pháp, và việc định giá thấp tiền tệ của quốc gia Đông Nam Á.

Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, chính quyền của ông hôm 15/1 công bố kết luận của cuộc điều tra việc định giá tiền tệ của Việt Nam và cho rằng hành vi này “không thoả đáng” nhưng không đưa ra ngay hành động áp thuế tức thời. Trong khi đó, kết quả cuộc điều tra về khả năng Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ chưa được công bố.

Trước đó chính quyền Trump đưa ra thời hạn để công bố kết luận của các cuộc điều tra sau khi kết thúc việc lấy ý kiến công chúng vào ngày 7/1.

Theo Chương trình Nghị sự Thương mại 2021 và Báo cáo Thường niên 2020 của Tổng thống Mỹ về Chương trình các Hiệp ước Thương mại mới được công bố hôm 1/3, hai cuộc điều tra nêu trên vẫn “đang được tiến hành.”

Báo cáo cho biết sau khi USTR khởi xướng các cuộc điều tra hôm 2/10/2020, phía Mỹ trong cùng ngày đã “yêu cầu các tham vấn với Việt Nam”.

Theo thông báo về lý do khởi xướng cuộc điều tra về việc sử dụng gỗ bất hợp pháp được trích dẫn trong báo cáo, Việt Nam “phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu gỗ từ các nước khác cho nguồn cung cần thiết cho ngành sản xuất các sản phẩm gỗ” và rằng “bằng chứng cho thấy một lượng lớn các loại gỗ nhập khẩu được thu hoạch hoặc mua bán bất hợp pháp.” USTR đã tiến hành một buổi điều trần công khai hôm 28/12/2020 cho cuộc điều tra này với 19 đại diện của ngành tham gia làm nhân chứng. Theo báo cáo, phía Mỹ tiến hành các cuộc tham vấn với Chính phủ Việt Nam hôm 8/1/2020 và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Vào năm 2019, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu các mặt hàng từ gỗ lớn nhất vào Mỹ, với việc Hoa Kỳ nhập hơn 3,7 tỷ USD đồ gỗ nội thất từ quốc gia Đông Nam Á, theo Hiệp hội đồ nội thất Hoa Kỳ.

Trong khi đó thông báo về lý do khởi xướng cuộc điều tra thao túng tiền tệ được trích dẫn trong báo cáo cho biết các phân tích cho thấy rằng tiền tệ của Việt Nam “đã được định giá thấp trong 3 năm qua” và rằng có các bằng chứng cho thấy “Chính phủ Việt Nam, thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ động can thiệp vào thị trường ngoại hối và điều này đóng góp vào việc định giá thấp tiền đồng trong năm 2019.” Phía Mỹ tiến hành tham vấn với Chính phủ Việt Nam về việc này hôm 23/12/2020, một tuần trước khi USTR mở một buổi điều trần công khai về cuộc điều tra với sự tham gia của 21 đại diện của doanh nghiệp và tổ chức. Dù USTR đã đưa ra kết luận, nhưng theo báo cáo của chính quyền Biden, cuộc điều tra chưa kết thúc.

Nhiều công ty của Mỹ và Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi USTR huỷ bỏ các cuộc điều tra này và lo ngại rằng các loại thuế tiềm năng đánh lên hàng hoá Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ sẽ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và kinh tế Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 12 năm ngoái ‘dán mác’ Việt Nam là nước thao túng tiền tệ nhưng việc định danh này không tự động kích hoạt các loại thuế hay các chế tài. Hai cuộc điều tra của USTR theo Điều 301 sẽ cho phép Mỹ đơn phương áp dụng các loại thuế trả đũa đối với các đối tác bị coi là có liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vài lần lên tiếng phủ nhận các buộc Việt Nam can thiệp vào chính sách tiền tệ nhằm cạnh tranh không công bằng với Mỹ. Trong khi đó, Bộ Công thương Việt Nam hồi đầu tháng 1 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc điều tra của USTR nhắm vào Việt Nam và cho rằng chúng có thể gây ra “nhiều tác động không mong muốn, tổn hại đến quan hệ song phương.”

Đại diện Thương mại mới của Mỹ do Tổng thống Biden bổ nhiệm, Katherine Tai, là người quyết định về cách tiếp cận đối với Việt Nam trong các tranh chấp thương mại với Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG