Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã “bất ngờ” khi thấy sản phẩm thời trang Made-in-Vietnam trong cửa hàng của con gái Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5/2017, theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hôm 4/1.
Ông Dũng chia sẻ câu chuyện trên trong một cuộc họp báo của Chính phủ tại Hà Nội giữa bối cảnh Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) chuẩn bị đưa ra kết luận về các cuộc điều tra sử dụng gỗ nhập khẩu có nguồn gốc phi pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam cùng những lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể áp thuế lên hàng hoá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
“Tại New York, Thủ tướng (Phúc) vào cửa hàng con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Ivanka và bất ngờ khi thấy bán nhiều hàng Việt Nam rất đẹp,” ông Dũng được Dân Trí trích lời nói với phóng viên trong nước về chuyến thăm của ông Phúc tới Mỹ vài tháng sau khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017.
Câu chuyện về Thủ tướng Phúc thăm cửa hàng của Ivanka Trump ở New York từng được ông Dũng chia sẻ trên truyền thông trong nước hồi tháng 6/2017, sau khi ông Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump mời tới thăm Nhà Trắng ngay sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ. Khi đó Zing trích lời ông Dũng nói rằng Thủ tướng Phúc trong chuyến thăm Mỹ đã “vào gian hàng của Ivanka Trump” và “rất mừng khi thấy quần áo Made in Việt Nam” nhằm đưa ra ví dụ điển hình cho thấy hàng dệt may Việt Nam “đã chinh phục được những thị trường rất khó tính, quan trọng như Mỹ.”
Trong cuộc họp báo hôm 4/1 để thông tin về các nghị quyết của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Dũng lại một lần nữa đề cập tới câu chuyện này nhằm minh chứng cho việc “sản phẩm hàng hoá do Việt Nam sản xuất đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.”
Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may hàng đầu của Việt Nam và lượng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh trong những năm qua phần nhiều do cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khi các nhà bán lẻ của Mỹ tìm cách đa dạng hoá nguồn sản phẩm cùng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc, theo Reuters.
Tuy nhiên Tổng thống Trump trong những năm gần đây đã phàn nàn về thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ và từng gọi quốc gia Đông Nam Á là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” hơn cả Trung Quốc. Ông Trump đã trực tiếp nêu quan ngại về thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với Việt Nam trong cuộc điện đàm với ông Phúc hôm 22/12, không lâu sau khi Bộ Tài chính Mỹ định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các chuyên gia thương mại cho rằng có thể mở đường cho việc Tổng thống Trump đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước khi rời nhiệm sở vào ngày 20/1.
Các công ty Mỹ nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019. Thuế quan có thể đánh vào hàng may mặc và giày dép cùng với đồ gỗ, hàng điện tử và hàng gia dụng, theo nhận định của Reuters.
Vài ngày trước cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 22/12, Thủ tướng Phúc đã ra lệnh cho các bộ ngành hữu quan làm việc với các đối tác của Mỹ để “xử lý những tồn tại, vướng mắc” nhằm “duy trì quan hệ thương mại ổ định, hướng tới các cân thương mại hài hoà, bền vững, cùng có lợi cho cả đôi bên.”
USTR dự kiến đưa ra kết luận về các cuộc điều tra đối với Việt Nam sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến công chúng vào ngày 6 và 7 tháng này. Trong cuộc điều trần công khai hôm 29/12 của cơ quan này, 17 trong số 20 bên ra làm chứng hối thúc USTR ngưng đe doạ áp thuế quan lên hàng hoá Việt Nam và để cho Bộ Tài chính tiếp tục cuộc điều tra.