Một nghị định mới của chính phủ Việt Nam về xử phạt vi phạm giao thông với những mức tiền cao hơn hẳn trước đây sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng ngay trong vài ngày nay đã và đang gây ra bức xúc, lo lắng sâu sắc trong dư luận với nhiều người cho rằng nó “khắc nghiệt” và nhắm đến “tận thu”.
Từ phía nhà chức trách, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) nói rằng họ thấy cần phải tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe đối với một số hành vi vi phạm.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP, gọi tắt là Nghị định 168, sẽ thay thế cho một nghị định đã có từ năm 2020, Tiền Phong, Dân Trí, ZNews và nhiều báo Việt Nam cho hay trong các hôm 29 và 30/12.
Các báo trích dẫn lãnh đạo Cục CSGT, nhưng không nêu danh tính cụ thể, nói rằng có 3 nhóm hành vi sẽ bị phạt với mức tiền cao hơn trước. Đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số; thứ hai là việc cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; và cuối cùng là nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông.
Dân Trí và ZNews lưu ý rằng theo nghị định mới, một loạt các hành vi vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao gấp từ 2-30 lần so với hiện nay.
Hai trang tin này nêu ra các mức phạt sau ngày 1/1 sắp tới đối với người điều khiển ô tô trong một số trường hợp vi phạm, gồm tối đa là 22 triệu đồng khi mở cửa xe hoặc để cửa xe mở mà gây ra tai nạn giao thông; 20 triệu đồng khi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, mức tương tự cho việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…
Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ sẽ phải chịu mức phạt mới lên đến cao nhất là 37 triệu đồng.
Đối với người đi xe máy, mức phạt mới khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu sẽ là 4-6 triệu đồng; điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng; đi ngược chiều của đường một chiều sẽ chịu mức phạt mới là 4-6 triệu đồng; điều khiển xe lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng…
Với thu nhập bình quân của người Việt là khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, những mức phạt cao nhất nêu trên có thể làm người vi phạm mất đi thu nhập của hơn 1 tháng cho đến vài tháng.
Tiền Phong, Dân Trí, ZNews trích lời của lãnh đạo Cục CSGT lý giải về việc tăng mức xử phạt, trong đó nhấn mạnh rằng ban soạn thảo nghị định “nhận thấy cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông", cũng như để “lập lại trật tự, văn hóa giao thông”.
"Nghị định mới quy định sẽ xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, hay thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao, thậm chí tịch thu phương tiện đối với hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…", Cục CSGT nói trong bản tin của Tiền Phong.
Trong khi đó, theo quan sát của VOA, một số lượng lớn những người sử dụng mạng xã hội, bao gồm cả những Facebooker có nhiều ảnh hưởng, đã và đang lên tiếng trong những ngày này bày tỏ lo lắng, băn khoăn về Nghị định 168.
Các ý kiến đó được thể hiện trong các trang như Chân Trời Mới Media, Chuyện Nghề Tài Xế…, và trên trang cá nhân của các ông Đỗ Việt Khoa, Đào Tuấn, Phạm Thế Anh, Dương Quốc Chính, Võ Xuân Sơn, Ngô Quý Nhâm…
Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo nổi tiếng về chống tiêu cực, đưa ra quan sát rằng “Dày đặc các bài viết và phản hồi trên mạng xã hội thể hiện sự phản đối của người dân đối với Nghị định 168”.
Theo ông Khoa, các ý kiến trên mạng có chung nhận định là nghị định “thể hiện sự cai trị ngày càng khắc nghiệt dành cho người dân” và ông chỉ ra sự tương phản là “những vụ quan chức nhận hối lộ, tham nhũng, thất thoát hàng chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ chỉ bị xử phạt cảnh cáo” mà ông nhấn mạnh rằng điều đó “rất là bất công”.
Ông Phạm Thế Anh, một chuyên gia kinh tế, nhận định rằng tăng mức xử phạt có thể làm giảm hành vi vi phạm nếu như hành vi vi phạm bị xử phạt, với điều kiện là phải có đủ lực lượng chức năng hoặc việc áp dụng “phạt nguội” phải khả thi.
Tuy nhiên, ông Thế Anh cảnh báo rằng việc tăng mức xử phạt lên mức vô lý so với khả năng chi trả sẽ làm cho tình trạng bỏ lại phương tiện gia tăng tại các bãi trông giữ vốn đã quá tải, hoặc làm gia tăng tình trạng tiêu cực giữa người xử lý vi phạm và người vi phạm.
Một chuyên gia kinh tế khác, ông Ngô Quý Nhâm, và nhà bình luận Dương Quốc Chính cũng dự báo về tình trạng nếu để mức phạt quá cao, người vi phạm có xu hướng thỏa hiệp, đưa hối lộ hơn là lựa chọn nộp phạt chính thức, càng làm tăng nạn tham nhũng.
Những điều nêu trên đã từng xảy ra khi CSGT phạt nặng người lái xe sau khi uống rượu, bia, và đã được báo chí Việt Nam, New York Times và VOA tường thuật trước đây.
Các bài bình luận về Nghị định 168 trong những trang cá nhân và một số diễn đàn trên Facebook đã thu hút hàng nghìn ý kiến của công chúng, với một bên là khá nhiều người ủng hộ mức phạt cao hơn để cải thiện tình hình giao thông, còn bên kia là một lượng lớn những lời phản đối nghị định.
Nhiều người nói họ không ủng hộ nghị định vì xem nó như là động thái tận thu, bóc lột bằng mọi giá, không nhân văn, gây bất mãn mà không bảo đảm sẽ giảm vi phạm hoặc tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, họ cũng nêu vấn đề là hạ tầng cơ sở, hệ thống đèn hiệu, biển báo… nhiều nơi còn bất cập, không đạt chuẩn… hoặc được sắp xếp như những cái bẫy đối với người đi đường, sẽ bất công nếu không khắc phục những việc đó trong khi chỉ nhắm vào phạt người dân.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, CSGT ở Việt Nam đã kiểm tra, xử lý hơn 2,1 triệu trường hợp vi phạm trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền hơn 4 nghìn tỷ đồng, theo Báo Chính Phủ. So với cùng kỳ năm 2023, số trường hợp bị xử lý tăng gần 27%, tiền phạt tăng hơn 800 tỷ, tương đương tăng gần 25%.
Trong năm 2024, đã có gần 24.000 vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, làm gần 11.000 người thiệt mạng, hơn 17.700 người bị thương.
Diễn đàn