Cuộc sống của người dân Triều Tiên là một “cuộc đấu tranh hàng ngày không có hy vọng”, người đứng đầu nhân quyền Liên hiệp quốc nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 12/6 mà Nga và Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn nhưng không thành công.
Hội đồng gồm 15 thành viên họp lần cuối về vấn đề này vào tháng 8 năm 2023, đây là cuộc thảo luận công khai đầu tiên kể từ năm 2017.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trung Quốc và Nga cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc có trụ sở tại Geneva là địa điểm thích hợp để thảo luận về nhân quyền.
Người đứng đầu nhân quyền Liên hiệp quốc Volker Turk nói với Hội đồng: “Không thể tách rời tình trạng nhân quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên khỏi những cân nhắc xung quanh hòa bình và an ninh trên bán đảo, bao gồm cả việc gia tăng quân sự hóa từ phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.
Triều Tiên, chính thức được gọi là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt đã gây ra tình trạng nhân đạo thảm khốc của nước này.
Nước này đã phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc về các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân kể từ năm 2006, nhưng vẫn có những miễn trừ viện trợ. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia một lần nữa ngày 12/6 kêu gọi xem xét lại các biện pháp trừng phạt.
Ông Gumhyok Kim - người lớn lên trong một gia đình ưu tú ở Triều Tiên - tỏ ra rất xúc động khi tìm hiểu qua Internet về các hành vi vi phạm nhân quyền ở đất nước mình khi còn học đại học ở Bắc Kinh. Ông từng muốn trở thành một nhà ngoại giao Triều Tiên.
Ông nói với Hội đồng Bảo an: “Tôi nhận ra gia đình Kim mà tôi muốn phục vụ không phải là những anh hùng của tôi, mà là những kẻ độc tài phủ nhận… quyền tự do của người dân chỉ để xây dựng quyền lực, sự giàu có và danh dự cho riêng họ.”
Ông bắt đầu làm việc với các sinh viên Triều Tiên khác về kế hoạch trở về nước và chia sẻ những gì họ đã học được với hy vọng điều đó có thể thúc đẩy sự thay đổi. Nhưng các quan chức Triều Tiên đã phát hiện ra kế hoạch của họ và ông Kim đã trốn sang Hàn Quốc từ Bắc Kinh vào năm 2011.
‘Đối đầu nghiêm trọng’
Trung Quốc và Nga đã cố gắng ngăn chặn cuộc họp của Hội đồng Bảo an bằng cách kêu gọi một cuộc bỏ phiếu theo thủ tục. Cuộc họp đã được Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh yêu cầu.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Cảnh Sảng nói với Hội đồng: “Việc thúc đẩy Hội đồng can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ không giúp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, nó sẽ làm tăng thêm sự đối kháng và làm trầm trọng thêm sự đối đầu”.
Cần có tối thiểu chín phiếu để tổ chức cuộc họp và Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp không thể sử dụng quyền phủ quyết của mình. Mười hai thành viên đã bỏ phiếu tán thành cuộc họp ngày 12/6, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống và Mozambique bỏ phiếu trắng.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên “có mối liên hệ chặt chẽ” với các mối đe dọa của Bình Nhưỡng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Bà nói: “Chế độ này dựa vào lao động cưỡng bức và bóc lột công nhân Triều Tiên cả trong và ngoài nước để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều đáng xấu hổ ở đây là những nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc và Nga nhằm bảo vệ Triều Tiên”.
Triều Tiên không phát biểu trước Hội đồng Bảo an. Nhưng Phó Đại sứ Liên hiệp quốc của Venezuela Joaquin Alberto Perez Ayestaran đã đọc một tuyên bố trước các phóng viên thay mặt cho một nhóm gồm 18 quốc gia, bao gồm cả Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Ông nói rằng Hội đồng Bảo an không nên thảo luận về nhân quyền và khen ngợi Triều Tiên vì những nỗ lực “trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả nhân quyền, với mục đích đảm bảo phúc lợi và thịnh vượng cho người dân”.
Từ năm 2014 đến 2017, Hội đồng Bảo an đã tổ chức các cuộc họp công khai thường niên về các hành vi vi phạm của Triều Tiên. Hội đồng đã tổ chức các cuộc họp chính thức thường niên kín về vấn đề này trong giai đoạn 2020-2022.
Một phúc trình mang tính bước ngoặt của Liên hiệp quốc năm 2014 đã kết luận rằng các lãnh đạo an ninh Triều Tiên - và có thể cả chính lãnh đạo Kim Jong Un - phải đối mặt với công lý vì giám sát một hệ thống tàn bạo kiểu Đức Quốc xã do nhà nước kiểm soát.