Tùy thuộc vào loại công nghệ vũ khí mà Moscow chuyển giao cho Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc có thể cần phải cập nhật các biện pháp đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, theo giới phân tích.
Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, cho biết Mỹ đang theo dõi “rất chặt chẽ” việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo đuổi khả năng quân sự tiên tiến từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Kirby nói trong cuộc họp báo hôm 23/1 rằng khả năng ông Kim được hưởng lợi từ mối quan hệ này là điều đáng lo ngại, nhưng tư thế phòng thủ của Mỹ và Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên “thích ứng với nguy cơ này”.
Kể từ tháng 7/2023, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã tăng cường quan hệ quân sự với Moscow, đồng thời gia tăng các mối đe dọa trên bán đảo và kêu gọi chuẩn bị chiếm đóng Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn phi đạn hành trình vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây hôm 24/1. Triều Tiên cũng bắt đầu phá bỏ một tượng đài ở Bình Nhưỡng tượng trưng cho sự hòa giải với Hàn Quốc.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, ông Putin và Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui đã thảo luận về quan hệ song phương tại Moscow vào ngày 16/1. Tass dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov vào ngày hôm sau nói rằng Moscow và Bình Nhưỡng “có ý định tăng cường quan hệ trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm”.
Ông Robert Peters, chuyên gia về răn đe hạt nhân và phòng vệ phi đạn tại Sáng hội Heritage, cho biết công nghệ đáng lo ngại nhất mà Triều Tiên có thể tìm kiếm từ Nga sẽ cho phép Bình Nhưỡng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp trên đầu phi đạn đạn đạo và đầu đạn này vẫn tồn tại sau khi tái nhập bầu khí quyển và tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Bắc Mỹ.
Ông Peters nói với VOA qua email: “Công nghệ này là bước cuối cùng và quan trọng nhất để Triều Tiên có được khả năng tấn công hạt nhân đáng tin cậy và nằm trong khả năng chia sẻ của Nga”.
Ông nói tiếp: “Hàn Quốc và Mỹ nên chuẩn bị đối mặt với một Triều Tiên có khả năng kỹ thuật cao hơn trước đây”.
Tại một sự kiện ở Washington do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức vào ngày 18 tháng 1, ông Pranay Vaddi, giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, đã cảnh báo rằng mối đe dọa từ Triều Tiên “có thể thay đổi mạnh mẽ trong thập niên tới,” kết quả của sự hợp tác quân sự với Moscow.
Ông Vaddi nói: “Những gì chúng ta đang thấy giữa Nga và Triều Tiên là mức độ hợp tác chưa từng có trong lĩnh vực quân sự”.
Năm ngoái, ông Putin đã hướng tới Triều Tiên để bổ sung kho vũ khí của Nga, vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Ông đã gặp ông Kim ở Nga vào tháng 9 để thảo luận về các giao dịch vũ khí có thể xảy ra.
Hồi tháng 10, Washington công bố ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên vận chuyển hơn 1.000 công-tơ-nơ vũ khí sang Nga, vi phạm lệnh trừng phạt.
Tờ New York Times đưa tin hôm 22/1 rằng pháo binh và phi đạn mà Triều Tiên cung cấp cho Nga đã xuất hiện ở Ukraine.
Ông John Erath, giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết việc chuyển giao công nghệ của Nga “sẽ không làm thay đổi nhiều mối đe dọa mà chỉ làm tăng thêm bầu không khí căng thẳng trên bán đảo”.
Nhưng ông nói với VOA qua email: “Điều quan trọng là phải cập nhật các thỏa thuận phòng thủ và răn đe.”
Vào tháng 11/2023, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị Tư vấn An ninh thường niên tại Seoul, nơi họ công bố sửa đổi Chiến lược Răn đe phù hợp năm 2013 “để ghi nhận môi trường an ninh đang thay đổi.”
Cuộc gặp của họ diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tổ chức vào tháng 4/2023 tại Washington, nơi hai bên công bố Tuyên bố Washington nhằm tăng cường răn đe hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Gary Samore, điều phối viên Tòa Bạch Ốc về kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới thời chính quyền Obama, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng công nghệ vũ khí mà Bình Nhưỡng có thể có được từ Moscow có thể khuyến khích nước này đưa ra các mối đe dọa nhưng sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi đòi hỏi phải sửa đổi “răn đe cơ bản” trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Samore, giáo sư tại Đại học Brandeis, cho rằng Bình Nhưỡng có thể tìm kiếm công nghệ nâng cao bao gồm phi đạn đất đối không, khả năng thu thập của vệ tinh do thám và máy bay chiến đấu quân sự tiên tiến.
Ông nói với đài VOA rằng mặc dù Moscow sẽ “vui mừng bất cứ khi nào Mỹ gặp khó khăn”, nhưng Nga sẽ không khuyến khích Bình Nhưỡng gây xung đột trên Bán đảo Triều Tiên vốn có thể “gây nguy hiểm cho việc cung cấp vũ khí cho Nga” để Nga dùng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Diễn đàn