VOA: Henry có thể giới thiệu đôi nét về sự hình thành của môn [parkour] này? Và tiếng Việt gọi là gì?
Henry Dig: Dạ, đọc là "parkour," nó được chia ra hai lãnh vực, đó là "parkour gốc" và "freerunning."
Môn này do một người Pháp tên David Belle sáng lập. David Belle vẫn còn sống. Một bộ phim do David Belle đóng được nhiều người biết đến là "B13," tức là "Khu vực 13."
VOA: Henry có thể nói thêm chi tiết về "tập parkour riêng" và "freerunning nhào lộn?"
Henry Dig: Parkour chỉ đơn thuần – thí dụ như gặp hàng rào, mình cố vượt qua bằng cách chống tay hoặc nhảy qua nó.
Còn freerunning thì có thể là mình sẽ đứng tại chỗ, và nhào lộn qua nó. Freerunning thiên về biểu diễn, nên những cái chiêu của nó nhìn đẹp mắt hơn parkour. Nhưng parkour mang độ chính xác hơn freerunning.
Thí dụ như một cái hàng rào cao đến một mét, đối với những người tập parkour, thì người ta sẽ chống tay đi qua bình thường; còn đối với những người tập freerunning, thì người ta có thể đứng trên đó và nhào lộn qua.
VOA: Môn parkour hoặc freerunnin này đã đến Việt Nam khi nào?
Henry Dig: Nhóm phát triển đầu tiên là nhóm Joker ở Hà Nội, được thành lập cách đây 3 năm, lấy cảm hứng từ bộ phim mà họ đam mê nhan đề Yamakasi của Pháp, và họ tập theo những gì biết được từ trên mạng Internet.
Vài tháng sau đó parkour phát triển đến miền nam, và nhóm Mario được thành lập. Tiếp đó là Hải Phòng, rồi đến Huế, Biên Hòa.
Nhóm Hazy Footstep của tụi em mới được thành lập cách đây 3 tháng, cũng tự tập luyện và có giao lưu với một số nhóm. Tuy còn mới mẻ, tụi em vẫn có niềm đam mê riêng và tụi em có hướng phát triển theo lối riêng của mình.
VOA: Do mới phát triển, môn parkour đã được các cơ quan quản lý về thể thao công nhận chưa, hay nó còn quá nguy hiểm, chưa được công nhận, và còn bị cấm?
Henry Dig: Thực ra môn parkour đã hình thành [tại Việt Nam] cách đây 3 năm, nhưng các thông tin gần đây mới được đưa lên mạng [Internet], lên lên tivi, nổi tiếng qua nhóm Mario.
Khi lên báo chí, thì có một số người phản ứng do không có huấn luyện viên hay thầy dạy, nên người ta thấy nó nguy hiểm. Nhưng đối với tụi em, thì môn này do một người đàn ông lập ra, chúng em cũng là con người, thì chúng em cũng có thể phát triển được được như ông ta vậy.
VOA: Vì nó mang tính sáng tạo, khai phá như vậy, nhóm của Henry cảm thấy có những khó khăn nào khi mình đi tiên phong?
Henry Dig: Khó khăn thứ nhất là khi tập một mình, vì khi tập một mình thì không ai đỡ mình, và không ai tạo cho mình nguồn cảm hứng để tập. Nhưng đó cũng chỉ là một khó khăn nhỏ. Khó khăn thứ hai là mình phải "chơi tâm lý." Thí dụ khi thấy một cái nệm, thì dám nhảy, dám nhào lộn, nhưng khi ra ngoài đường phố, thấy xi măng, cát, cỏ, mình lại sợ, không dám nhảy.
Cũng có một số người chơi môn này bị chấn thương. Những chấn thương đó giúp rút ra những bài học kinh nghiệm, để ngày càng tiến bộ hơn. Do đó những thế hệ 'traceur', tức là người chơi môn parkour, càng về sau càng tiến bộ hơn, giỏi hơn những cựu traceur.
VOA: Parkour là môn chơi cá nhân, hay đồng đội?
Henry Dig: Có thể nói là cá nhân, và cũng có thể nói là đồng đội. Thí dụ như một kỹ năng được thực hiện bằng một cá nhân, thì cũng khá đẹp mắt. Còn khi người thứ nhất biểu diễn chiêu một, người thứ hai biểu diễn chiêu hai, khi hai người đó phối hợp sẽ rất bắt mắt, đẹp mắt hơn.
VOA: Những dụng cụ và thiết bị đòi hỏi để phát triển môn này?
Henry Dig: Parkour dịch nôm na là 'nghệ thuật của sự di chuyển', nên không cần nhiều, chỉ cần một đôi giày tốt, bám trên mặt tường, và đệm thì chỉ cần phòng khi luyện những kỹ năng mới thôi.
Nói chung là khi ông David Belle sáng chế ra bộ môn này dưới miền quê, không có dụng cụ hay bất cứ một cái gì hết.
VOA: Tiềm năng phát triển và phổ biến của môn parkour tại Việt Nam nói chung, và ở Thành phố Hồ Chí Minh?
Henry Dig: Em không dám khẳng định rằng môn này sẽ phát triển rộng rãi ở Việt Nam, bởi vì nó cũng còn khá mới, nên bộ môn này vẫn còn non đối với Việt Nam, và đối với nhóm của tụi em. Nhưng tụi em cũng mong một ngày nào đó, nhóm của tụi em phát huy được môn chơi này.
VOA: Nhóm của Henry hiện nay có bao nhiêu thành viên?
Henry Dig: Hơn 40 thành viên.
VOA: Lứa tuổi?
Henry Dig: Khoảng 15 cho đến 22 tuổi.
VOA: Việc tập luyện và biễu diễn parkour có bị phản đối và răn đe hay không, bởi vì nó có thể dẫn đến nguy hiểm?
Henry Dig: Dạ cũng có vài lần. Có lần tại phòng tập, một nhóm parkour biểu diễn cho báo Tuổi Trẻ coi, họ đã leo lên sân thượng biểu diễn. Khi đăng lên báo thì ông chủ của câu lạc bộ không ủng hộ, và dẫn đến chuyện như một lần mướn nơi tập là 100 ngàn đồng một giờ, và do môn này quá nguy hiểm và tụi em có thương lượng, năn nỉ nên giá tiền thuê tăng lên.
Đôi khi tụi em ra công viên tập, có một số người già thấy sợ nên cũng nói này nói nọ. Và cũng có khi tụi em bị bảo vệ rượt nữa.
VOA: Trong qúa trình tập cho tới nay, nhóm của Henry và các nhóm khác có bao giờ bị những tay nạn đáng tiếc chưa?
Henry Dig: Có một người bị gãy tay. Một thành viên của nhóm Joker ở Hà Nội bị bể ống quyển làm đôi. Nhóm Mario thì em không rành. Còn trong nhóm em cũng có vài sự cố, như là một thành viên khi nhảy qua hồ khoảng hai mét, giống như là một rãnh nước phun nước cho đẹp ở công viên, đã đập đầu vào thành. Nhóm trưởng leo tường nhiều, nên tay bị trầy sướt. Và một thành viên nữa khi biểu diễn bị trượt chân, mất một miếng thịt nơi ống quyển, lòi xương ra.
VOA: Như vậy môn chơi này tỏ ra quá nguy hiểm, dễ bị thấn thương, gãy chân, gãy tay, mất thịt – làm sao nó lại cuốn hút các bạn trẻ, có phải do mình biểu diễn để được tiền bạc hay giải thưởng?
Henry Dig: Vấn đề không phải là tiền bạc hay giải thưởng. Vấn đề là tụi em đam mê.
Tụi em đều biết tới cha đẻ của bộ môn này là David Belle. Ông ta tập từ lúc 18 tuổi, đôi khi ông ta cũng gặp phải sự cố. Tụi em rất nể phục vì chính tay ông ta dựng nên một bộ môn thể thao mới mẻ, năng động và rất là cuốn hút này.
Một số tai nạn hầu hết là do bất cẩn và tụi em chơi thiếu sự can đảm nhưng lại thừa sự liều lĩnh. Đơn thuần can đảm không phải là liều lĩnh, mà do tụi em chơi tâm lý với nhau, thì có một số người bị kích thích tâm lý, nên họ đã liều lĩnh và dẫn đến tai nạn thôi.
Tay không vượt chướng ngại vật, leo tường, phóng từ nóc nhà này sang nóc nhà khác giống như phim Ninja là môn chơi mạo hiểm do David Belle sáng lập tại Pháp vào đầu thập kỷ này. Môn thể thao còn được biết với cái tên là 'nghệ thuật của sự chuyển động' này du nhập vào Việt Nam mới gần 3 năm nay, nhưng đang trên đà phát triển rộng, nhất là tại các thành phố lớn. Tấn Chương mời qúy vị theo dõi cuộc trao đổi với Henry Dig, quản lý diễn đàn của Hazy Footstep, một nhóm parkour mới thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh về môn chơi mạo hiểm còn mới mẻ này.