Với 13 suất tham dự Thế vận hội Trẻ lần đầu tiên, đang diễn ra tại Singapore, đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tích được xem là xuất sắc nhất của thể thao nước này từ đấu trường Olympic.
Ông Hoàng Mạnh Cường, trưởng đoàn thể thao Việt Nam đang tham dự Olympic Singapore 2010:
"Hiện nay đoàn [Việt Nam] giành được một huy chương vàng, một huy chương bạc và hai huy chương đồng."
Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn, 16 tuổi, đã xuất sắc giành được chiếc huy chương vàng ở hạng cân 56 kilôgram.
Tuấn cho biết nỗ lực của bản thân cộng với chiến thuật của người thầy đã giúp Tuấn vượt qua đối thủ trước đó được đánh giá cao hơn là Xia Jiawu của Trung Quốc để mang về huy chương vàng Olympic đầu tiên cho Việt Nam.
Thạch Kim Tuấn: "Em cũng cố gắng theo lời của thầy dạy. Thầy ra quyết định cho em, và em cố gắng làm cho bằng được.
Em rất vinh dự mang được huy chương về cho Liên đoàn Cử tạ của em."
Chiến thắng này mở ra cho Tuấn cơ hội tranh tài tại các đấu trường lớn hơn, mà Olympic London 2012 có thể không nằm ngoài mục tiêu.
Thạch Kim Tuấn: "Sau khi được huy chương này rồi, em về sẽ cố gắng tập luyện cho Olympic sắp tới, hoặc SEA Games sắp tới."
Cầu lông Việt Nam cũng đã ghi được điểm đầu tiên trong hệ thống huy chương của Olympic.
Ông Đoàn Văn Phú, huấn luyện viên môn cầu lông của đoàn Olympic Trẻ Việt Nam:
"Đoàn cầu lông Việt Nam có hai vận động viên tham dự, một nam và một nữ. Vận động viên nữ Vũ Thị Trang đoạt được huy chương đồng."
Trước khi vào đến bán kết, Vũ Thị Trang không được các đối thủ đánh giá là tay vợt mạnh.
Huấn luyện viên Đoàn Văn Phú: "Vũ Thị Trang từ trước đến nay chưa được tham dự các giải quốc tế, cũng chưa đạt được một thành tích nào. Thành tích cao nhất của Trang là vào đến tứ kết của giải cầu lông vô địch trẻ châu Á. Suất tham tham dự Olympic này của Trang là được Liên đoàn Cầu lông châu Á giúp đỡ, tạo điều kiện cho vận động viên này tham dự, chứ không phải đạt được vé chính thức để tham dự Olympic này. Cho nên tại Olympic này [ban đầu] vận động viên Vũ Thị Trang không được [các đối thủ] đánh giá cao.
Tuy nhiên, khi bước vào Olympic thì Trang đạt phong độ rất cao, và đã chứng tỏ được thực lực. Tại Olympic này Trang đã thi đấu đến 6 trận và gặp các đối thủ rất mạnh, ví dụ như gặp tay vợt của Hàn Quốc, rồi gặp tay vợt hạt giống số 2 của giải người Nhật Bản, thì em đều thắng cả hai vận động viên này. Và kết quả là đạt được huy chương đồng đó."
Các võ sĩ Taekwondo Việt Nam cũng thu gặt được những thành tích đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Tiến Chung, huấn luyện viên bộ môn taekwondo của đoàn Olympic Trẻ Việt Nam:
"Vận động viên đạt được huy chương bạc ở hạng 55 kilôgram nữ là Nguyễn Thanh Thảo, và vận động viên đạt được huy chương đồng ở hạng cân 55 kilôgram nam là Nguyễn Quốc Cường.
Ban huấn luyện và phía bộ môn cũng dự kiến là trong quá trình đi thi đấu thì sẽ phấn đấu có huy chương, có thành tích. Đến thời điểm này các em đã thể hiện được như vậy thì ban huấn luyện và mọi người rất là vui mừng, vì thực sự các em đã thể hiện rất tốt.
Đối với giải trẻ, thì đây là Olympic Trẻ đầu tiên, thì đây cũng là thành tích đầu tiên taekwondo Việt Nam đạt được. Nhưng đối với Olympic 'lớn' thì năm 2000 tại Olympic Sydney, Việt Nam có một vận động viên đó là Trần Hiếu Ngân, đã đoạt huy chương bạc. Còn tại Olympic Trẻ lần đầu tiên này, thì đây là những thành tích đáng khích lệ nhất ở các giải trẻ.
Thực ra thì qua giải này, ban huấn luyện cũng như các vận động viên đều biết rằng mình cũng còn rất nhiều hạn chế, và chúng ta còn cần phải cố gắng rất nhiều. Tuy được thành tích như vậy, nhưng qua những thành tích đó chúng ta cũng thấy rằng đó là bước động viên phấn khởi, để khẳng định rằng vận động viên Việt Nam của mình nếu được quan tâm đầu tư tốt, thì cũng có thể đạt được những thành tích như những nước khác đạt được. Đó cũng là một điều rất phấn khởi để chuẩn bị cho những giải lớn trong những năm tiếp theo."
Ông Hoàng Mạnh Cường, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Singapore 2010, nói về tiềm năng của các vận động viên trẻ này, và công tác đào tạo các tài năng trẻ của thể thao Việt Nam:
"Đối với các vận động viên trẻ này, ví dụ như trường hợp của cháu Thạch Kim Tuấn, bây giờ mới 16 tuổi, 2 năm nữa thì mới 'chín'. Tất nhiên cái tuổi chín tùy từng môn, nhưng thường thì rơi vào tầm từ 20 đến 25, là cái tuổi chín của thành tích.
Có thể là các vận động viên trẻ này chưa làm nhiệm vụ ở 2012, nhưng trong tương lai tới, chúng ta hy vọng là số vận động viên này sẽ có những thành tích rất tốt.
Trong thi đấu thể thao thì thành tích phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: tâm lý, sức khỏe, thể trạng vận động viên ở thời điểm đấu. Còn trong kế hoạch của đoàn, thì đoàn cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu có huy chương. Còn bảo cụ thể huy chương nào, huy chương nào, thì chắc không ai dám đặt ra là phải phấn đấu huy chương vàng ở nội dung này nội dung kia...
Tham dự thi đấu trong cuộc thi này thì vận động viên mình rất cố gắng, phấn đấu. Nhìn chung là sức khỏe và tâm lý của các vận động viên chuẩn bị tương đối tốt. Chính vì vậy vận động viên giành được thành tích cao.
Tất nhiên ai cũng biết rằng công tác đào tạo lực lượng vận động viên trẻ là nồng cốt để thể thao phát triển vững chắc, bền vững. Trong thời gian qua thì công tác đào tạo trẻ được quan tâm rất nhiều.
Rõ ràng đây cũng là một điểm nhấn để chúng ta tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo lực lượng vận động viên trẻ, các tài năng trẻ."
Đoàn thể thao Việt Nam với 13 suất tranh tài tại Olympic Trẻ 2010, đang diễn ra tại Singapore, đến hôm nay đã giành được bốn huy chương các loại, trong đó có một huy chương vàng. Đây là thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Tấn Chương đã trao đổi qua điện thoại với các quan chức và vận động viên của đoàn Olympic Trẻ Việt Nam đang tham dự Singapore 2010, và có một số ghi nhận trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1