VOA: Xin chúc mừng vận động viên Vũ Văn Huyện về thành tích huy chương đồng Asiad và danh hiệu vận động viên tiêu biểu năm 2010 của Việt Nam. Nói về danh hiệu vận động viên tiêu biểu năm 2010, xin anh chia sẻ cảm xúc khi được nhận danh hiệu này.
VĐV Vũ Văn Huyện: Em rất vui mừng, vì mình đã lần thứ ba được nhận danh hiệu vận động viên tiêu biểu của Việt Nam.
VOA: Nói về Asiad – huy chương đồng mà anh đoạt được tại Asiad có đúng với mục tiêu anh nhắm đến hay không?
VĐV Vũ Văn Huyện: Nói đúng ra là lúc sắp sửa sang [Quảng Châu] thi đấu thì các thầy trong đội tuyển bảo rằng "cố gắng lần này sang thi đấu cho tốt thôi," chứ không đặt ra nhiệm vụ phải đoạt huy chương. Em xác định ngay từ đầu là sang Trung Quốc thi đấu lần này nếu không được vị trí gì thì em cũng để cho các bạn ở những nước khác phải nhớ khi nói đến nội dung 10 phối hợp của em.
Khi sang đấy em đã thi đấu từ đầu tới cuối một cách hết mình. Cho đến khi xong môn thứ 10 thì em mới biết là mình được huy chương đồng. Khi xong môn thứ 9, em vẫn chưa biết được.
Các bạn vận động viên ở những nước khác vừa to, vừa khỏe, vừa mạnh, mình thì thấp, mình thiệt thòi hơn, vì mình thấp hơn các bạn nhiều quá! Các bạn đều lắm! Mình thi thì chỉ nghĩ là sẽ phá kỷ lục của mình thôi, nên em rất bất nhờ khi được huy chương đồng.
VOA: Rất ít khi Việt Nam xuất hiện ở nội dung 10 môn phối hợp tại các đấu trường nước ngoài. Xin vận động viên Huyện vui lòng mô tả rõ hơn về 10 môn phối hợp, và cách thức thi môn này tại các đại hội thể thao.
VĐV Vũ Văn Huyện: Mười môn phối hợp này – nói về người thì tập nội dung này cũng khó, bởi vì nó đòi hỏi phải có thể hình to cao, mà người Việt Nam mình thì hầu như nhỏ bé hơn các vận động viên của các nước châu Á khác. Đó là điểm thiệt thòi thứ nhất của mình.
Về 10 môn phối hợp thì có 10 nội dung tranh tài; ngày thứ nhất [thi 5 nội dung]: (1) chạy 100 mét, (2) nhảy xa, (3) đẩy tạ, (4) nhảy cao), và (5) chạy 400 mét; ngày thứ hai [thi 5 nội dung nữa]: (6) Chạy 110 mét rào, (7) ném đĩa, (8) nhảy sào, (9) ném lao, và (10) chạy 1.500 mét.
Điểm của 10 môn này được tính theo thang điểm. Ví dụ ta nhảy xa được khoảng 7 mét thì được 100 điểm chẳng hạn, 7,1 mét mốt thì được thêm 10 điểm nữa, 7,2 mét được thêm 10 điểm nữa. Cộng điểm từng môn thi đấu của mình lại, ai đạt tổng số điểm cao thì người đó thắng.
Cái khó của thi 10 môn là phải đồng đều, chứ không được môn này giỏi mà môn kia kém, vì môn này tốt điểm nhưng môn kia kém điểm thì tổng số điểm sẽ không tốt lắm.
Người đoạt huy chương vàng vừa rồi (từng đoạt huy chương bạc thế giới) là Karpov Dmitriy của Kazakhstan đạt 8.026 điểm; huy chương bạc là người Hàn Quốc, 7.808 điểm; em được huy chương đồng, 7.775 điểm.
VOA: Trong các môn, thì môn nào anh cho là thế mạnh của anh và môn nào yếu?
VĐV Vũ Văn Huyện: Vì thể hình của mình nhỏ hơn so với vận động viên các nước; môn thế mạnh của em là môn chạy, ví dụ như chạy 100 mét, chạy 400 mét, với nhảy xa, nhảy cao, chạy 1.500 mét – đó là thế mạnh của mình; còn điểm yếu của mình là các môn ném đẩy, ví dụ như đẩy tạ, ném đĩa, ném lao.
VOA: Thế còn [nội dung] 110 mét vượt rào?
VĐV Vũ Văn Huyện: 110 mét vượt rào thì em cũng "xêm xêm" thôi, thua họ ít thôi, nhưng họ to cao nên họ chạy vượt rào dễ hơn mình.
VOA: Tại sao anh chọn 10 môn phối hợp, trong khi đối với nhiều vận động viên khác thì một môn đã là "mệt" rồi?
VĐV Vũ Văn Huyện: Nói thật là em cũng thích một chút mạo hiểm, thích một cái gì đó mang tính chất mạnh mẽ một chút.
VOA: Tiếp theo thành tích ở Asiad, mục tiêu và kế hoạch của anh trong năm nay và năm tới, nhất là năm tới có Olympic London 2012?
VĐV Vũ Văn Huyện: Mục đích đầu tiên của em trong năm 2011 này là sẽ nỗ lực tập luyện, và thi đấu tốt để bảo vệ chiếc huy chương vàng tại SEA Games ở Indonesia, sau đó rồi tính tiếp, chứ bây giờ phải tính cái SEA Games đã.
VOA: Kế hoạch tranh được vé dự thi Olympic London 2012 cần phải tính trước khá lâu chứ đâu có thể để đến hết năm 2011 rồi mới tính?
VĐV Vũ Văn Huyện: Vâng, điều đó cũng phải phụ thuộc vào sự phối hợp giữa thầy và trò thì mới được. Năm nay chưa thể biết được, vì thầy của em chỉ hợp đồng có một năm một thôi.
Thầy của em là ông Vadim, người Uzbekistan, trước đã từng giữ kỷ lục 10 môn phối hợp của châu Á, và từng đứng thứ tư thế giới.
VOA: Ở Việt Nam có huấn luyện viên đủ đẳng cấp để huấn luyện các vận động viên thi cấp quốc tế hay không?
VĐV Vũ Văn Huyện: Từ trước tới giờ em được học người thầy này là thầy đầu tiên. Nếu nói một người thầy dạy 10 phối hợp thì có, nhưng để dạy cho vận động viên tốt, thi đấu ở đấu trường SEA Games chẳng hạn, và giành được huy chương thì chưa có.
VOA: Chương trình tập huấn của anh trong năm nay thế nào, sắp tới có đi tập huấn ở nước ngoài hay không? Giải nào anh sẽ tham dự sắp tới?
VĐV Vũ Văn Huyện: Theo các thầy nói thì tháng 4 hoặc tháng 5, tổ 10 môn phối hợp của em sẽ sang Malaysia tập huấn đến tháng 7 về thi đấu giải Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng. Sau đó về trường thể dục thể thao ở Từ Sơn, Bắc Ninh, tập huấn để thi đấu SEA Games sẽ diễn ra vào tháng 11 hay tháng 12.
VOA: Cám ơn vận động viên Vũ Văn Huyện đã dành cho đài VOA buổi phỏng vấn này.
Nội dung '10 môn phối hợp' chưa phổ biến ở Đông Nam Á so với các môn điền kinh khác vì những đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt của môn thể thao này. Tại Á vận hội Quảng Châu hồi cuối năm ngoái, vận động viên Vũ Văn Huyện đã đặt một dấu mốc mới cho nội dung 10 môn phối hợp của Việt Nam bằng chiếc huy chương đồng, mà nhiều người hâm mộ điền kinh tại Việt Nam ví là còn quý hơn vàng. Trong một cuộc trao đổi mới đây với đài VOA, vận động viên đoạt huy chương đồng Asiad 16 này nói rằng thể hình thấp nhỏ hơn vẫn là một trong các hạn chế của các vận động viên Việt Nam trên đường đua 10 môn phối hợp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1