VOA: Xin chào Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Thưa ông, thứ Bảy, ngày 14 tháng 8 tới đây, Singapore 2010 Youth Olympic Games, tức là Thế vận hội Trẻ sẽ khai mạc tại Singapore. Đây là Thế vận hội Trẻ đầu tiên, từ góc nhìn của Ủy ban Olympic Việt Nam, Thế vận hội Trẻ này có gì khác biệt, hay đặc biệt so với Thế vận hội mùa Hè, và Thế vận hội mùa đông truyền thống?
GS-TS Hoàng Vĩnh Giang: Đây là lần đầu tiên trong thế kỷ này. Tôi phải nói là như vậy do người ta có thể hơi nhầm một tí, tức là đại hội Olympic Trẻ thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 ở Mátscơva, ở thời kỳ của Chủ tịch Olympic tiền nhiệm, đã quá cố, ông Samaranch.
Lần này, trong thế kỷ thứ 21, năm 2010 Singapore đứng ra tổ chức lần đầu tiên đại hội với quy mô chính thống, thì tôi cho rằng đây đại hội rất quan trọng, nhưng tất nhiên nó khác với các đại hội có truyền thống như Đại hội Olympic mùa Hè cũng như là Đại hội Olympic mùa Đông.
Đại hội này là một sân chơi dành cho các vận động viên ở lứa tuổi trẻ [từ 14 đến 18 tuổi], và đây cũng là dịp mà Ủy ban Olympic Quốc tế tạo ra sân chơi cho các vận động viên chuẩn bị hướng đến những thành tích vượt trội ở Olympic mùa Hè, cũng như Olympic mùa Đông.
Tôi chưa nắm được là có tổ chức Olympic mùa Đông Trẻ hay không, nhưng chắc chắn là Olympic mùa Hè, thì từ đây về sau cứ 4 năm một lần Ủy ban Olympic sẽ đứng ra tổ chức đại hội này.
VOA: Thưa ông Tổng thư ký, đối với phong trào Olympic Việt Nam, thì Thế vận hội Trẻ có ý nghĩa gì, và có giữ vai trò quan trọng nào hay không?
GS-TS Hoàng Vĩnh Giang: Đối với phong trào Olympic của Việt Nam thì tôi cho rằng đại hội này có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bởi vì sao? Bởi vì qua những lần tham gia Olympic trước đây, thể thao Việt Nam chỉ mới giành được 2 tấm huy chương bạc duy nhất, đó là của Trần Hiếu Ngân vào năm 2000 tại Olympic Sydney, và của Hoàng Anh Tuần năm 2008 tại Bắc Kinh. Ngoài ra các thành tích khác thì đều chưa thể đánh giá là tốt được.
Do vậy để có những vận động viên tốt như tôi đã đề cập, cần phải có quá trình chuẩn bị lâu dài. Và cái sân chơi ở Olympic Trẻ này tạo ra một bước đệm rất thuận lợi để cho thể thao Việt Nam tham gia ở tất cả các môn có trong chương trình thể thao Olympic.
Tại Singapore kỳ này thì đoàn thể thao Việt Nam đã vượt qua vòng loại, rồi thì có những suất đặc cách theo quy định, có 13 vận động viên sẽ tham dự ở các môn cầu lông, bơi lội, bắn súng, cử tạ, taekwondo, điền kinh và vật, 7 môn thể thao. Tôi cho đây là một cơ hội tốt, thế nhưng thực ra nếu chú ý hơn nữa, thể thao Việt Nam cũng có thể có thêm những suất tham dự ở Singapore. Tuy nhiên 13 suất vận động viên tham dự thì theo tôi cũng là một con số trung bình so với các nước trong châu lục.
VOA: Với số suất tham dự đó, đoàn thể thao Việt Nam chuẩn bị như thế nào để tiến vào tranh tài tại Olympic Trẻ 2010 này?
GS-TS Hoàng Vĩnh Giang: Công tác chuẩn bị thì đã có từ lâu rồi, vì không phải đơn giản mà có những vận động viên loạt qua vòng loại, rồi thì được Ủy ban Olympic xét đặc cách. Những môn, những vận động viên được xét đặc cách thì Ủy ban Olympic phải căn cứ vào trình độ thể dục thể thao của môn đó của quốc gia.
Do đó tôi cho rằng công tác chuẩn bị kỳ này nói chung cũng tốt. Nhưng cơ hội giành huy chương ở Olympic Trẻ này thì Việt Nam không đặt cho mình một mục tiêu quá cao. Chúng tôi xác định chỉ hy vọng huy chương ở hai môn, đó là môn cử tạ và môn Taekwondo, và các vận động viên được chuẩn bị rất tốt.
VOA: Thưa ông Tổng thư ký, ngoài mục tiêu thành tích như ông vừa nói, Olympic Việt Nam còn nhắm đến mục tiêu nào khác tại Singapore 2010 hay không?
GS-TS Hoàng Vĩnh Giang: Tham dự Olympic Trẻ là một cơ hội tham gia một sân chơi mới. Ngoài ra ở Singapore còn có những hoạt động khác về văn hóa. Tham gia để hòa nhập thì Việt Nam cũng có cử các đại diện của thanh niên tham dự. Tất nhiên điều quan trọng nhất là Việt Nam khi tham dự cũng có cử những cán bộ đi để học tập cách tổ chức một đại hội quy mô lớn như vậy.
Đồng thời Việt Nam cũng tranh thủ nhìn mô hình của Singapore, là một đất nước có số dân không lớn, tất nhiên kinh tế của Singapore thì hơn Việt Nam nhiều, tuy nhiên những cơ hội đăng cai những đại hội như vậy cho Việt Nam, thì tôi cho rằng cũng không phải là nhỏ.
Từ nay cho đến năm 2020, Việt Nam cũng dự kiến đăng cai một số đại hội thể thao tầm cỡ châu lục. Cũng có thể sẽ suy tính đến đại hội Olympic Trẻ.
Năm 2014 thì Trung Quốc đã đăng cai Olympic Trẻ rồi. Có thể đại hội lần sau nữa sẽ được tổ chức tại một châu lục nào khác. Thế nhưng sau đó thì Việt Nam cũng sẽ phải tổ chức các đại hội, và rất có thể sẽ đăng cai đại hội Olympic Trẻ.
Trước mắt năm 2010 trở đi cho đến 2020, Việt Nam sẽ đăng cai hai đại hội, đó là Asian Beach Games, và ASIAD, vào năm 2016 và 2019.
Đó là những cơ hội mà thông qua đại hội Olympic Trẻ ở Singapore thì các các bộ và đoàn thể thao của Việt Nam cũng tích lũy những kinh nghiệm học hỏi để sau này đứng ra tổ chức khi cờ đến tay, cơ hội đến tay.
VOA: Thưa ông, hai đại hội thể thao ông vừa đề cập đã được xác định và trao quyền đăng cai cho Việt Nam và Ủy ban Olympic Việt Nam rồi?
GS-TS Hoàng Vĩnh Giang: Rất là khó, không thể trả lời ngay được, bởi vì Asian Beach Games lần thứ tư sẽ được tổ chức tại nước nào thì chưa rõ. Nó sẽ diễn ra vào năm 2016. Nhưng Việt Nam là một ứng cử viên rất sáng giá.
Cái đại hội thứ hai là đại hội vào năm 2019, đó là Asian Games. Năm nay 2010 Asian Games được tổ chức tại Quảng Châu, 2014 sẽ được tổ chức tại Incheon, Hàn quốc. Đến 2019 Asian Games, Việt Nam cũng sẽ gặp rất khó khăn, bởi vì sẽ gặp phải những thành phố tranh đăng cai rất có 'trọng lượng' như Delhi, Kuala Lumpur, Dubai. Tất nhiên Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc đua tranh đăng cai này, nhưng mà thắng lợi thì tôi cũng không dám chắc lắm.
VOA: Xin trở lại với Singapore 2010, xin ông Tổng thư ký cho biết những khó khăn và thuận lợi của Việt Nam trong việc chuẩn bị và tham gia Thế vận hội Trẻ này?
GS-TS Hoàng Vĩnh Giang: Công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Trẻ này nằm trong quá trình chuẩn bị tham gia các đại hội thể dục thể thao của Việt Nam trong năm nay.
Năm 2010, Việt Nam tiến hành tổ chức đại hội thể thao toàn quốc. Năm nay lại còn phải tham dự Đại hội Thể thao châu Á vào tháng 11, một đại hội thể thao rất lớn. Do vậy những môn tham dự Olympic Trẻ tại Singapore đó cũng hòa đồng trong việc chuẩn bị của thể thao Việt Nam nói chung trong tất cả những đại hội kia, tất nhiên có chú trọng đến vấn đề trẻ.
Cho nên đưa được 13 vận động viên đi tham dự Olympic Trẻ Singapore có thể được coi là một thành công.
VOA: Nhân đây chúng tôi xin chúc đoàn thể thao Olympic Trẻ Việt Nam đạt được thành tích cao như mong muốn tại Singapore 2010.
Chúng tôi xin cám ơn ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
Việt Nam có 13 suất tranh tài tại Olympic Trẻ 2010, sẽ diễn ra tại Singapore từ thứ Bảy ngày 14 tháng 8 này cho đến ngày 26 tháng 8. Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam đã dành cho đài VOA một một cuộc phỏng vấn về Thế vận hội Trẻ lần thứ nhất này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1