Tay vợt nam Nguyễn Tiến Minh đã nâng cao thành tích của cầu lông Việt Nam trên sân đấu thế giới khi anh đoạt được chức vô địch giải quốc tế Malaysia vào cuối năm 2004.
Niềm hy vọng số một của cầu lông Việt Nam thật đáng tiếc không vượt qua được vòng ba của Giải vô địch cầu lông thế giới 2010, sau khi thất thủ trước tay vợt số một của Nam Triều Tiên Park Sung Hwan. Trước khi bước vào giải vô địch thế giới được tổ chức trên đất Pháp này, tay vợt nam số một Việt Nam đã xuất sắc giành chức vô địch Grand Prix mở rộng của Úc.
Tính đến tháng 7 vừa qua, Nguyễn Tiến Minh được xếp hạng thứ 6 trên thế giới trên bảng xếp hạng của Liên đoàn cầu lông thế giới. Đây là thành tích cao nhất mà Việt Nam đạt được trên sân cầu lông quốc tế.
Trao đổi với đài VOA trong lúc đang đưa các tuyển thủ cầu lông Việt Nam đi tranh tài tại Olympic Trẻ 2010 tại Singapore, Huấn luyện viên cầu lông Đoàn Văn Phú của đoàn Olympic trẻ Việt Nam, nói rằng Nguyễn Tiến Minh đã tiến đến đấu trường Olympic vào năm 2008, nhưng thật đáng tiếc là anh thi đấu không thành công ở đó.
HLV Đoàn Văn Phú: "Ở đấu trường Olympic thì lần đầu tiên Nguyễn Tiến Minh tham dự Olympic ở Bắc Kinh năm 2008. Vận động viên Nguyễn Tiến Minh thua ngay ở trận đầu tiên."
HLV Đoàn Văn Phú cho biết tiếng nói của cầu lông nữ vừa được tay vợt Vũ Thị Trang cất lên cho Việt Nam bằng thành tích huy chương đồng Olympic Trẻ tại Singapore 2010 vừa kết thúc.
HLV Đoàn Văn Phú: "Ở đấu trường Olympic thì thành tích của em Vũ Thị Trang là thành cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay."
Theo ông Phú thì nếu có chiến lược và điều kiện đào đào tạo đúng đắn thì các tài năng cầu lông Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được trên sân chơi quốc tế.
HLV Đoàn Văn Phú: "Tôi trực tiếp là huấn luyện viên của tuổi trẻ, tôi đánh giá năng lực của vận động viên Việt Nam không thua vận động viên của người ta. Lý do mà vận động viên của Việt Nam lâu nay không đạt đến được những thành tích ở các giải quốc tế cũng chủ yếu là vì vận động viên của Việt Nam mình hàng năm không được thi đấu ở các giải quốc tế nhiều như vận động viên của các nước khác. Vì các vấn đề kinh phí v.v. nên vận động viên Việt Nam một năm chỉ được đi thi đấu một đến hai giải quốc tế là cùng, không được tham dự nhiều. Cho nên thành tích của vận động viên Việt Nam đến bây giờ không vươn ra được tầm quốc tế.
Theo tôi nghĩ thì muốn phát triển bộ môn này, thì chắc chắn các nhà quản lý có cách suy nghĩ, cách thay đổi thế nào đó. Bởi vì tôi thấy ở Việt Nam phong trào cầu lông rất rộng khắp. Tuổi trẻ chơi cầu lông rất nhiều, và cũng có rất nhiều tài năng. Nhưng đến một độ tuổi nhất định nào đó, thì các em dừng lại, không thể nâng cao được vì các em không có điều kiện đi tham dự thi đấu quốc tế, hay tham dự tập huấn ở các nước có nền cầu lông mạnh."
Huấn luyện viên Phú cho biết ngoài ra còn nhiều điều kiện hạn chế khác khiến cầu lông Việt Nam không thể phát triển mạnh một cách đồng bộ.
HLV Đoàn Văn Phú: "Những điều kiện chủ yếu thì như tôi mới nói. Ngoài ra còn nhiều điều kiện hạn chế khác ở Việt Nam, như hệ thống thi đấu, hoặc về các địa phương thì các vận động viên không có những điều kiện tốt. Vì thực ra môn cầu lông cũng rất tốn kém, nên các địa phương người ta chỉ 'nuôi quân' tới một mức nào đó rồi thôi.
Và thứ hai là các vận động viên Việt Nam chủ yếu không được đi tập huấn, không được tiếp xúc những cái mới của các nước cầu lông tiên tiến. Các em chỉ quanh quẩn trong nước nên không phát triển được."
Các nước láng giềng Trung Quốc và Indonesia của Việt Nam là những nước dẫn đầu thế giới môn cầu lông. Việt Nam cũng đã thuê nhiều chuyên gia ở các nước này về để huấn luyện cho các vận động viên. Tuy nhiên theo ông Phú, thì hạn chế về kinh phí khiến không thể thuê mướn được những cấp chuyên gia như mong đợi.
HLV Đoàn Văn Phú: "Trong thời gian gần đây, một số đơn vị mạnh ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh có kinh phí thì người ta thuê chuyên gia nước ngoài về. Ngay chỗ tôi làm cũng có thuê chuyên gia nước ngoài. Nhưng cũng liên quan đến vấn đề kinh phí. Vì mình không đủ kinh phí nên không thể thuê được những chuyên gia tốt. Nên các chuyên gia đến Việt Nam phần lớn là đào tạo trẻ, để đưa các vận động viên trẻ phát triển đến đến một mức độ nhất định nào đó thôi. Nếu muốn phát triển hơn nữa thì chỉ có cách là đưa vận động viên đi nước ngoài tập huấn dài ngày, hoặc cho các vận động viên tham dự, cọ xát rất nhiều các giải quốc tế trong năm, thì các vận động viên mới bứt phá lên được."
Tuy nhiên cũng như trong một số môn thể thao khác, vấn đề thể lực của vận động viên Việt Nam vẫn là một vấn đề cần phải cải thiện. Tay vợt đoạt huy chương đồng Olympic Trẻ Vũ Thị Trang nói rằng vận động viên Việt Nam cần nâng cao thể lực hơn nữa.
Vũ Thị Trang: "So ra thì mình thua các đối thủ về sức mạnh. Chủ yếu là thể lực."
Cầu lông Việt Nam với những thành tích phấn khởi ban đầu đạt được trên đấu trường quốc tế như vậy cho phép người hâm mộ trông đợi những thành tích tiếp theo trong thời gian tới, nhất là ở Olympic London 2012.
Cầu lông Việt Nam trong thời gian gần đây đã nâng cao được thành tích trên đấu trường quốc tế, với tay vợt Nguyễn Tiến Minh vừa đoạt danh hiệu vô địch giải Grand Prix của Australia, và tay vợt Vũ Thị Trang đoạt huy chương đồng Olympic Trẻ Singapore 2010. Tuy nhiên giới chuyên môn nói rằng các điều kiện tập luyện và chiến lược cần được thay đổi thì mới có thể bắt kịp được với làng cầu lông thế giới. Tấn Chương đã trao đổi bằng điện thoại với các nhà chuyên môn của bộ môn này ở Việt Nam và có một số ghi nhận trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!