Đường dẫn truy cập

Gieo mầm bóng chày trên đất Việt


Niềm hân hoan của The Hanoi Capitals khi đánh bại Indonesia Prambors để đăng quang danh hiệu Vietnam Bronco (U-12) Classic, tháng 1 2011.
Niềm hân hoan của The Hanoi Capitals khi đánh bại Indonesia Prambors để đăng quang danh hiệu Vietnam Bronco (U-12) Classic, tháng 1 2011.

Bóng chày, một trong những môn bóng phổ biến trên thế giới, chỉ mới bén rễ được ở Việt Nam chưa tròn ba năm. Người đã dồn hết tâm huyết gieo mầm và vun xới cho môn thể thao này trên đất Việt, nơi cây cổ thụ bóng đá đã rợp bóng khắp nơi, là ông Thomas Treutler. Trong cuộc trao đổi mới đây với đài VOA, luật gia người Mỹ này với hoài bão hình thành và phát triển bền vững môn bóng chày tại Việt Nam, bày tỏ lạc quan rằng đội bóng thiếu niên The Hanoi Capitals của ông nay không ngại ngùng so tài với bất cứ đối thủ đồng cấp nào trên thế giới.

VOA: Xin chào luật sư Treutler. Xin ông cho biết điều gì đã khiến ông khởi sự lập đội bóng chày thiếu niên ở Việt Nam, nơi mà môn thể thao này vẫn được xem là hoàn toàn xa lạ, và ít ai dám nghĩ là bóng chày sẽ có được bất cứ một chỗ đứng nào trong môi trường bóng đá 'chiếm sân' hoàn toàn này?

Ông Treutler: Thật lòng mà nói, cháu đầu lòng của tôi -- năm nay 12 tuổi -- rất mê môn môn bóng chày chính là nguyên do đầu tiên thôi thúc tôi khởi sự một đội bóng chày để cháu có thể tiếp tục chơi môn thể thao này ở đây.

Trước đó cháu đã chơi bóng chày ở Garden Grove và Santa Ana [khi cháu ở California].

Nhưng cho đến giờ, các cháu ở đây cũng yêu thích môn này không kém, và đội bóng chày của tôi đã vượt xa khỏi khuôn khổ ban đầu rồi, và cháu nhà tôi nay chỉ là một cầu thủ trong đội.

VOA: Có nghĩa là ý tưởng chơi bóng chày ban đầu đó nay đã hình thành một đội bóng chày có tổ chức, có 'tên tuổi', và là hạt giống đầu tiên của của môn thể thao này được gieo trên đất Việt?

Ông Treutler: Vâng, đó chính là đội Hanoi Capitals [hôm nay]. Vào lúc khởi sự cách đây 2 năm rưởi, đội chỉ có 6 cháu -- là các bạn học chung trường với con trai của tôi ở Hà Nội. Thế rồi có thêm các cháu khác tỏ ra thích môn bóng này. Tất cả cầu thủ trong đội của tôi đều là các cháu người Việt ở Hà Nội, không một cháu nào là người Mỹ [ngoại trừ cháu nhà tôi] hay người nước nào khác. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một đội bóng chày dành cho các cháu người Việt.

Hiện tại chúng tôi có tất cả 70 cầu thủ được chia thành các nhóm tuổi: nhóm 8 tuổi trở xuống, nhóm 10 tuổi trở xuống, nhóm 12 tuổi trở xuống, và nhóm 15 tuổi trở xuống. Tuy nhiên The Hanoi Capitals vẫn là đội chính, với 15 cầu thủ tuổi từ 10 đến 12.

VOA: Môn bóng chày hòan toàn mới lạ đối với Việt Nam, chắc chắn ông đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại vào lúc khởi sự và duy trì phát triển đội bóng cho tới ngày hôm nay – chẳng hạn như nguồn lực, sự hưởng ứng của người địa phương, sân bãi, dụng cụ v.v.?

Ông Treutler: Trước hết là sân bãi. Đó là điểm khởi sự gay go nhất khi mà chúng tôi không tìm đâu ra sân chơi cho môn bóng chày. Vào lúc đó hầu hết các nhà quản lý sân bãi ở đây đều cho rằng bóng chày nguy hiểm. Chúng tôi đã phải tích cực giải thích và chứng minh rằng bóng chày không phải là môn thể thao nguy hiểm. Mà thực tế là sau 2 năm rưởi qua không xảy ra một tai nạn nào.

Vì không tìm ra được sân chơi, nên lúc đó chúng tôi phải thuê sân ở Xuân Định, cách Hà Nội khoảng 30 phút lái xe.

Hồi gần đây thì chính quyền địa phương đã cấp sân chơi cho chúng tôi ngay trong khuôn viên của cơ sở thể thao quốc gia. Thực ra đó là một sân bóng đá, và chúng tôi đã dựng lên khung lưới chặn để chơi bóng chày. Chúng tôi thực là may mắn, nay sân bãi đã rất tốt.

VOA: Chi phí để duy trì và phát triển một đội bóng chày như thế này chắn chắn là rất lớn, ông xoay xở như thế nào với nguồn tài chánh cho đội bóng?

Ông Treutler: Chắc chắn chi phí là một gánh rất nặng cho chúng tôi. Tôi và nhà tôi tiêu tốn ít nhất là 25 ngàn đôla mỗi năm bằng tiền túi của gia đình cho đội bóng. Nhiều cháu trong đội điều kiện tài chánh còn rất khó khăn, chẳng hạn như không thể kham nổi chi phí, tiền máy bay để đi tham dự các giải đấu. Tôi đã giúp trang trải những chi phí đó. Vì đây là một đội bóng, chúng tôi không thể chỉ đưa những cháu có tiền mua vé máy bay đi thi đấu, mà phải đưa những cầu thủ giỏi nhất đi tranh tài, phải đưa toàn đội bóng đi. Do đó chi phí thực sự là rất nặng, nhưng xứng đáng. Chúng tôi cố gắng kham được.

Tôi may mắn có được công việc ổn định. Và tôi hài lòng với việc chi tiêu cho đội bóng của các cháu như vậy, thay vì mua xe mua cộ v.v. cho cá nhân mình. Đó là niềm hạnh phúc của tôi.

Gần đây chúng tôi cũng nhận được tài trợ của một vài công ty, cụ thể như công ty chứng khoáng SSI Securities của Việt Nam hỗ trợ một phần chi phí tàu xe cho đội đi dự giải, hay Microsoft hỗ trợ chi phí sắm sửa trang thiết bị.

VOA: Ông có nhận được sự động viên, giúp sức nào từ phía các cơ quan thể thao của chính phủ Việt Nam, hay sự hỗ trợ chuyên môn nào của các liên đoàn, tổ chức bóng chày từ bên ngoài hay không?

Ông Treutler: Chính phủ Việt Nam cũng đang muốn phát triển môn bóng chày, vì Việt Nam có thể sẽ nỗ lực tranh quyền đăng cai Á vận hội 2019, và bóng chày sẽ môn bắt buộc phải có trong đại hội.

Hiện tại chính quyền địa phương cũng ủng hộ nỗ lực phát triển môn bóng chày của chúng tôi. Chúng tôi được cấp sân bãi rất tốt. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ và động viên từ Ủy ban Olympic Việt Nam. Và đó cũng là một nguồn động viên lớn cho nỗ lực của chúng tôi mở rộng môn thể thao này ra các tỉnh thành khác của Việt Nam.

Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ chuyên môn. Một huấn luyện viên ở Seattle rất tốt, đã gởi cho các cháu rất nhiều dụng dụ, thiết bị, và hỗ trợ rất nhiều trong công việc huấn luyện.

Tôi có liên hệ với Liên đoàn Bóng chày Major League Baseball của Mỹ, và họ đã cử một số huấn luyện viên đến hướng dẫn cho các cháu.

VOA: Ông có hy vọng các cầu thủ thiếu niên của ông sẽ trở thành tuyển thủ quốc gia vào năm mà Việt Nam đăng cai Á vận hội không?

Ben Treutler của Hanoi Capitals trong trận gặp Indonesia Prambors.
Ben Treutler của Hanoi Capitals trong trận gặp Indonesia Prambors.


Ông Treutler: Đó sẽ là năm 2019 – chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tranh được quyền đăng cai Á vận hội theo như kế hoạch – và chúng tôi thực sự hy vọng là đội bóng của các cháu thiếu niên hiện nay rồi đây sẽ trở thành đội tuyển quốc gia vào lúc đó. Đồng thời chúng tôi cũng hy vọng có thể mở rộng môn bóng chày sang các tỉnh thành khác để có thể có thêm những cầu thủ giỏi tham gia.

VOA: Tất cả những việc ông làm thật là một nỗ lực vô cùng lớn. Mục tiêu lâu dài và hy vọng của ông về đội bóng thiếu niên này là gì?

Ông Treutler: Mục tiêu của tôi trước hết là giới thiệu môn thể thao tuyệt vời này cho các cháu thiếu niên. Bóng chày là một trong những môn bóng phổ biến nhất thế giới. Các nước trong khu vực đều có có các đội bóng chày rồi, vậy thì không có lý do gì Việt Nam không biết về bóng chày. Các đại hội thể thao khu vực cũng có môn bóng chày, và đó là cơ hội để các cháu có thể giao lưu, học hỏi. Ngoài ra một số cháu có năng khiếu và gắn bó lâu dài với môn này còn có cơ hội được nhận học bổng để thăng tiến nhiều hơn.

Qua môn bóng chày này tôi hy vọng các cháu sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho tuổi trẻ, và qua các dịp đi tranh tài, giao lưu, học hỏi, các cháu sẽ phát triển lên thành một đội bóng giỏi.

Tôi rất phấn khởi khi các huấn luyện viên và quan chức của Major Leagure Baseball đến thăm Hanoi Capitals đã nhận xét rằng các cháu thiếu niên Việt Nam có nhiều tiềm năng chơi môn bóng chày, và các cầu thủ của tôi nay hoàn toàn có thể tranh tài với bất cứ đội bóng chày đồng cấp nào trên thế giới.

VOA: Cám ơn ông Treutler đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn này. Chúc ông và đội Hanoi Capitals của ông gặt hái nhiều thành công.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG