Những bãi biển du lịch luôn lộng gió của Việt Nam thực sự là 'những cơ sở hạ tầng tự nhiên' đạt tiêu chuẩn quốc tế mà lại không tốn công của xây dựng cho môn thể thao lướt ván diều vốn được nhiều người yêu thích tại các nước phương tây.
Anh Adam Borys là một trong những người đang tìm cách quảng bá cho môn thể thao tận dụng sức gió và vui đùa với sóng biển này ở Việt Nam. Huấn luyện viên người gốc Ban Lan này nói "Mũi Né có lẽ là địa điểm có điều kiện gió lý tưởng nhất ở Việt Nam cho môn thể thao này." Anh nói môn lướt ván diều đã du nhập vào Việt Nam vào đầu thập niên 2000, tức được khoảng hơn 10 năm, và nó đang trên đà phát triển. Anh Borys cho biết vào những ngày nắng đẹp "có đến cả trăm cánh diều lướt ván" tô thêm nhiều màu sắc tươi sáng và sinh động trên bãi biển Mũi Né.
Anh Borys: "Để chơi môn lướt ván diều, trước hết bạn cần phải có một con diều chuyên dụng có thể bay cao khoảng từ 6 đến 12 mét bên trên mặt nước, cùng với các thiết bị để tận dụng lực kéo từ con diều; và tất nhiên là cần phải có gió tự nhiên. Đó là tất cả những gì cần phải có để bạn chơi môn thể thao này."
Nhiều người Việt Nam cho rằng môn lướt sóng bằng diều kéo có phần mạo hiểm, và nó đòi hỏi nhiều kỹ năng; nhưng theo anh Lại Hoàng Phong, một trong số rất ít người Việt Nam đi tiên phong trong việc làm quen với môn thể thao này, thì đó chính những yếu tố hấp dẫn những người yêu thích cánh diều lướt sóng.
Anh Phong nói: "Tôi đến với môn thể thao này tình cờ lắm! Trước khi vô chơi cái này tôi hoàn toàn không biết về nó.
Cái cảm giác khó diễn tả lắm! Khi con diều móc vô người mình, cái cảm giác của mình lạ lắm, nó vừa hồi hộp, nó vừa lạ lắm, khó tả lắm!
Khi mình điều khiển nó được rồi, mình có cái cảm giác càng lạ nữa. Qua mỗi một giai đoạn mình có một cái cảm giác khác nhau. Tôi không biết diễn tả như thế nào, nhưng tôi nghĩ đó là cái làm cho người ta đam mê môn này.
Tôi lấy ví dụ như khi anh điều khiển được con diều, anh đã có cảm giác đó rồi phải không? Khi anh bước và đứng lên được trên tấm ván, anh có một cảm giác lạ nữa; khi anh chạy trên mặt nước, anh có một cảm giác lạ nữa; và khi anh điều khiển được con diều để nó nhấc anh lên khỏi mặt nước, anh lại có một cảm giác lạ nữa. Càng về sau, anh càng có nhiều cảm giác lạ. Khi anh đã nhào lộn được rồi, hoặc sau khi anh tập được một kỹ thuật nào thành công, thì cảm giác càng lạ nữa. Tôi nghĩ đó chính là sự lôi cuốn của môn thể thao này."
Anh Borys mô tả: "Thật là một cảm giác kỳ diệu khi mình có thể bay lên khỏi mặt nước bằng cách vận dụng sức gió, và rồi mình muốn làm gì thì làm, muốn nhảy thì nhảy, muốn nhào lộn thì nhào lộn, và mình có thể cưỡi trên ngọn sóng. Những cảm giác thật tuyệt vời!"
Về những rủi ro trong môn chơi mà nhiều người cho là có phần mạo hiểm này, anh Phong nói: "Nếu mình không biết điều khiển con diều sẽ rất nguy hiểm cho bản thân mình, và cho những người xung quanh nữa. Đã xảy ra những tai nạn nhưng chỉ bị thương nhẹ thôi vì ở bãi biển Mũi Né toàn là cát, nên [khi té ngã] không bị sao, ngoài những trầy sướt, hoặc bị dây diều cắt đứt chân đứt tay, chứ chưa có trường hợp nào nặng hơn như thế."
Anh Borys khuyến khích những ai thích làm quen với môn lướt sóng diều nhưng vẫn còn sợ rằng nắm vững và tuân thủ các quy tắc an toàn là điều thiết yếu:
Tuy nhiên những người điều khiển hàng trăm cánh diều lướt trên sóng biển biển Mũi Né vào vào những ngày đẹp trời đa số là các vận động viên nước ngoài.
Anh Phong cho biết: "Nói chung thì đối với người Việt mình môn thể thao này vẫn còn mới, vì môn này mới du nhập vào đây khoảng 10 năm nay thôi. Người Việt mình tham gia môn này còn ít lắm, thứ nhất là sợ nắng, thứ hai là không biết bơi, trong khi môn này mình chỉ có thể chơi được ở ngoài biển, mà ở ngoài biển thì vừa nắng vừa gió, và đôi khi phải bơi nhiều nữa.
Tính ra người Việt chơi môn này giỏi chưa có nhiều. Người biết chơi thì nhiều, nhưng số người chơi giỏi mới chỉ có khoảng năm hay sáu người. Ở lứa tuổi của tôi chỉ có tôi, một người bạn, và một người em của tôi. Sau này có thêm được hai bạn trẻ nữa, và chúng tôi hiện đang cố gắng tạo điều kiện cho hai bạn trẻ đó đi thi [ở các giải nước ngoài] nhiều hơn.
Một phần vì chi phí chơi môn này còn khá đắt với người Việt. Việt Nam chưa sản xuất được các dụng cụ, thiết bị chơi môn này, mà phải nhập toàn bộ, nên giá thành mọi thứ đều đắt. Mình phải nhập từ con diều, và các thiết bị kèm theo như thanh điều khiển, ống bơm, đai, áo phao vừa là áo bảo vệ, vừa giữ cho mình nổi, nón bảo hiểm, miếng ván... Tất cả dụng cụ cho môn thể thao này đều phải nhập từ nước ngoài."
Anh Borys: "Hiện tại đã có nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn đang tham gia các lớp huấn luyện môn lướt ván diều của chúng tôi. Đồng thời cũng xuất hiện thêm những vận động viên của môn này. Có 4 vận động viên Việt Nam đang tham dự một cuộc tranh tài lướt ván diều ở Thái Lan."
Anh Phong hy vọng rằng trong những năm tới đây sẽ có nhiều người Việt Nam hơn chơi môn thể thao hấp dẫn này.
"Khi mở dịch vụ này, tôi cũng nhắm vào thị trường người Việt Nam. Dân số Việt Nam mình đông, tôi chỉ mong 1% dân số chơi môn thể thao này là tốt lắm rồi. Tôi luôn giải thích đầy đủ về môn này cho những người Việt Nam để hỏi tôi, nhưng phần lớn họ không tham gia, vì thứ nhất là giá cả, thứ hai là sợ nắng gió, sợ đen. Hy vọng năm hay mười năm nữa họ sẽ thay đổi, họ cần thể thao nhiều hơn, và tìm tới những môn thể thao như thế này.
Theo tôi thì môn thể thao này rất tốt, mà lại thoải mái đầu óc nữa. Khi chơi môn này là mình vận động toàn thân, cộng với trí não, tay chân ... Môn này rất hay."