Đường dẫn truy cập

Thiệt quá rảnh


Thiệt quá rảnh
Thiệt quá rảnh

Hình như trên đời này có rất nhiều người đang ở không. Và vì họ ở không, không có chuyện gì làm nên họ phải đặt điều, đặt nhiều chuyện ra để làm. Từ chuyện anh Chế Linh bị cấm không được tiếp tục biểu diễn ở Hà Nội, không được hát những bài chưa được phép hát. Nhưng ngay sau đó một cơ quan khác lại cấp giấy cho phép tiếp tục… hát. Cho đến chuyện vài ông nghị bàn tán tại sao cần phải có một bộ luật cho nhà văn, nhà thơ. Như thể đấy là một việc rất ư là hệ trọng, phải cần bàn ngay để giải quyết vấn đề. Thế nào là thơ con cóc. Và khi nào thì thơ không thể là thơ. Phải phạt cái thằng nào đó dám gọi đấy là thơ.

Quốc hội Việt nam thiệt là quá rảnh.

Hay mấy hôm nay tôi xem TV mà thấy tức. Khi nghe tin một người mẹ vừa mới có một người con bị xe đụng chết ở Mỹ. Nhưng nay lại bị kết án thêm là có tội và có thể vào tù. Chỉ vì cô ta bất cẩn dắt con băng qua đường không may bị một anh tài xế uống rượu say đâm vào sau đó bỏ chạy.

Tội của cô là đã không dắt đứa con băng qua đường ngay tại nơi chỉ dẫn có đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy. Mà cô đã dắt đứa con băng qua đường sau khi xuống xe bus để đến cổng nhà nằm ngay phía bên kia.

Chuyện chỉ có thế.

Bên công tố cho rằng nếu như cô chịu dắt con đi đúng đến nơi cho phép băng qua đường thì con cô đã không chết.

Bên luật sư biện hộ cho rằng đây thật sự ra chỉ là một điều rất đáng tiếc đã xảy ra. Và nếu như phải buộc tội thì chúng ta cần phải buộc tội người tài xế lái xe bất cẩn kia. Chứ đối với một người mẹ vừa mới bị mất một người con, một phần nào đó cũng vì lỗi của mình, thì từng ấy hình phạt, sự tiếc nuối, trách mình tự nó đã quá đủ. Mà không cần phải bỏ cô ấy vào tù chỉ vì cô ấy phạm luật băng qua đường trái phép mà ở Mỹ gọi là “jaywalking”.

Nhất là khi cô là một người mẹ “độc thân” - single mother - một mình nuôi hai con nhỏ. Nhà không có xe hơi nên phải sử dụng xe buýt. Và nơi băng qua đường đúng theo luật nơi có đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy hẳn hoi cách trạm xe buýt nơi cô xuống gần 500 mét.

Nếu cô phải một mình, một tay dắt hai đứa con, một tay xách đồ nặng, đi đến đúng chổ băng qua đường. Sau đó phải đi ngược lại cũng gần 500 mét mới đến nhà, thì thử hỏi sẽ có bao nhiêu người, nếu ở trong cùng một hoàn cảnh như cô, sẽ không làm như cô?

Đặc biệt là khi không ai có thể ngờ rằng sẽ có một người tài xế bất cẩn uống rượu say đâm thẳng vào con cô.

Nhất là khi cả bồi thẩm đoàn, những người đồng ý là cô có tội, đều là những người da trắng. Ai trong nhóm người này cũng có xe hơi. Họ không hiểu, không thể và không có sự đồng cảm đối với những người kém may mắn hơn họ trong xã hội. Phần lớn những nơi họ ở cũng tiện nghi hơn, có nhiều đèn, dành nhiều nơi để khách bộ hành băng qua đường dễ dàng hơn. Mà không phải, sau khi xuống xe buýt, phải đi bộ thêm gần 1 cây số mới đến nhà.

Đấy là những lập luận mà luật sư biện hộ của cô vừa đưa ra để quyết định kháng cáo.

Các bạn nghĩ thế nào? Bản tuyên cáo có tội có công bằng lắm không?

Tôi muốn nghe ý kiến của các bạn về vấn đề này. Riêng tôi thì tôi cho là nó hoàn toàn không công bằng.

Thứ nhất, tôi thấy rất đúng khi luật sư biện hộ cho rằng bồi thẩm đoàn đã có những suy tính thiên vị và không hiểu rõ hoàn cảnh của bị cáo, những người cùng khổ trong xã hội. Họ chỉ thấy được những gì xảy ra trước mắt mà không hiểu rõ lý do tại sao có rất nhiều người không thể lúc nào cũng tuân theo luật pháp 100% ở mọi nơi, mọi lúc. Hoàn cảnh buộc họ phải làm thế. Đôi khi để tiện việc chúng ta đã lờ đi luật pháp. Nhưng ai trong chúng ta dám tự vỗ ngực tuyên bố rằng ta đây từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ băng qua đường trái phép?

Thứ hai, tôi nhận thấy đây thật đúng là một điều rất đáng tiếc và không ai muốn nó xảy ra. Đặc biệt là đối với một người mẹ đã mang nặng, đẻ đau đang cố tự nuôi dưỡng con mình trong thiếu thốn, đơn độc. Nếu buộc tội chúng ta cần phải buộc tội người tài xế uống rượu say đã lái xe bất cẩn làm chết người.

Thứ ba và đối với tôi đây cũng là lý do quan trọng nhất, nếu phải cần đưa ra một bản án, để cảnh báo người phạm lỗi thì lương tâm và sự bức rứt của chính nạn nhân mãi mãi về sau này thật đã quá đủ. Chúng ta không cần phải bỏ cô vào tù để răn đe cô, phạt tội cô vì tội bất cẩn. Vì cô vẫn còn phải nuôi một con nhỏ. Và đứa bé này vẫn cần có một người mẹ chăm sóc, vỗ về từng giờ, từng phút.

Không phải điều gì trên cõi đời này cũng cần phải đem ra để xử.

Cũng không phải trên cõi đời này luật lệ nào cũng đúng, cũng đáng được cho chúng ta tôn trọng, tuân theo.

Vì luật pháp đôi khi chỉ là công cụ của những người có quyền, có tiền đua nhau sử dụng để quản thúc những kẻ bị trị.

Vì luật pháp không phải lúc nào cũng được sử dụng một cách công bằng, có hiệu quả và được thực hiện đồng đều với tất cả mọi người.

Ở Việt Nam hay ở Mỹ cũng vậy. Nếu thấy điều luật nào sai trái, chúng ta cần phải lên tiếng. Nếu lương tâm chúng ta bảo rằng điều luật ấy đã không được áp dụng một cách công bằng, nó chỉ là công cụ của nhà cầm quyền dùng để đàn áp người dân, chúng ta nên phản đối, bất tuân, bất phục.

Chỉ có khi ấy tôi nghĩ con người mới tiến triển, xã hội mới ngày càng được công bằng, văn minh hơn.

Để những kẻ không có chuyện gì làm không thể nào dựng chuyện chỉ để cho có chuyện.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG