Đường dẫn truy cập

Rwanda


Trung Tâm Tưởng Niệm Các Nạn Nhân vụ Diệt Chủng ở Kigali, Rwanda
Trung Tâm Tưởng Niệm Các Nạn Nhân vụ Diệt Chủng ở Kigali, Rwanda

Trước khi tôi đến đây, cái tên Rwanda luôn đi kèm với những gì đau khổ, đáng thương và cũng là tàn bạo nhất. Chỉ trong vòng 100 ngày bắt đầu vào tháng 4 năm 1994, trên 1 triệu người Rwandan, phần lớn là người thiểu số Tutsi đã bị các thế lực trực thuộc quân đội của nhà cầm quyền thời bấy giờ của người Hutu giết chết dã man, không chừa một ai.

Thanh thiếu niên, đàn bà, trẻ em…bất kể làm gì và đến từ đâu, lớn hay nhỏ, đều bị bắn, hãm hiếp, hay dùng mã tấu phanh thây. Hoặc chôn sống tập thể.

Tôi đã có dịp đến nhiều nơi trên thế giới, những nơi đã có hàng chục vạn sinh linh đã bị giết trong tích tách hoặc bởi những giáo điều cực đoan của một thời loạn lạc. Từ Hiroshima nơi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống để buộc nước Nhật phải đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945. Cho đến nhà tù Tuol Sleng ở ngoại ô Phnom Penh nơi chỉ có vài người còn sống sót sau những trải nghiệm hãi hùng dưới chế độ Pol Pot.

Nhưng không có nơi nào nó đã làm cho tôi phải mãi suy ngẫm về con người và đồng loại như ở Trung Tâm Tưởng Niệm Các Nạn Nhân Bị Diệt Chủng ở Kigali (Kigali Genocide Memorial Centre), thủ đô của Rwanda. Nơi đây hiện đang là mồ chôn của hơn 250 ngàn sinh mạng đã bị giết vào năm 1994 ở ngay tại thủ đô Kigali và các vùng phụ cận. Đây cũng là nơi mà theo các sách báo viết về Rwanda cho biết, ai cũng phải đến một lần để học và hiểu rõ thêm về loài người và những gì chúng ta vẫn chưa làm được.

Mặc dù đã hơn một lần cả thế giới đứng đầu là Liên Hiệp Quốc vào năm 1945 tuyên bố rằng nó sẽ không bao giờ tái diễn: ‘never again’.
Nhưng hình như câu ‘never again’ này nó chỉ được áp dụng tùy trường hợp và tùy người. Vì thỉnh thoảng nó vẫn xảy ra. Ở Campuchia vào năm 1975. Ở Bosnia vào giữa thập niên 90. Và ở Rwanda bắt đầu từ tháng 4 năm 1994.

Có thể tôi bị ám ảnh nhiều nhất ở Rwanda vì nó chỉ mới xảy ra đây thôi và đã có quá nhiều người bị giết. Tôi vẫn còn nhớ như in những hình ảnh người giết người, thây chết chồng chất, máu chảy nhuộm đỏ cả một dòng sông được chiếu đi chiếu lại suốt mấy tháng trời trên ti vi lúc tôi vẫn còn đang đi học ở Melbourne.

Thời ấy tôi cứ nghĩ sao mà họ lại có thể dã man đến thế.

Nhưng bây giờ, sau một thời gian lây lất với đời tôi mới nhận thấy rằng trên cõi đời này thật ra chỉ có một thiểu số rất nhỏ là thuộc hạng người ác độc, dã man. Còn phần lớn mọi người trong xã hội chỉ là những người thích an thân, yên phận. Lẽ ra điều mà tôi cần phải hỏi là tại sao thấy nhiều người bị nạn như vậy mà chúng ta vẫn làm ngơ?

Vấn đề quan trọng ở đây đó là: trong thời loạn lạc, nếu như chúng ta không sớm diệt trừ nhóm người thiểu số này, không có những hành động ngăn chặn tội ác ngay từ lúc nó đang được hình thành, thì đến một lúc nào đó nó sẽ quá trễ. Như câu nói của Edmond Burke mà tôi đã từng chia sẻ với các bạn: all that is necessary for evil to triumph is for good men to do nothing. Điều duy nhất mà tà ma cần có để thắng là chúng ta không làm gì cả.

Rwanda là một thí dụ điển hình.

Trước khi nạn diệt chủng xảy ra, Liên Hiệp Quốc đã có một đội binh gìn giữ hòa bình có tên là UNAMIR (United Nations Assistance Mission for Rwanda) được gửi sang Rwanda để vãn hồi trật tự trước khi có tổng tuyển cử. Các binh lính của Belgium (quốc gia đã từng đô hộ Rwanda trước khi độc lập) và các nước dưới sự lãnh đạo của tướng Romeo Dallaire người Canada đã có mặt ở thủ đô Kigali trong suốt thời gian chiến dịch tàn sát người Tutsi được cho lên kế hoạch và bàn thảo.

Ngay cả khi chiến dịch tàn sát được khởi xướng, bắt đầu từ cái chết bi thảm của thủ tướng và chồng của bà cùng với 10 binh sĩ người Belgium của UNAMIR, thế giới mà đứng đầu là Liên Hiệp Quốc vẫn có thể ngăn chận tội ác xảy ra.

Trong một công văn khẩn gửi thẳng cho văn phòng của đương kim Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc thời bấy giờ là Kofi Annan ở New York, tướng Dallaire thông báo là ông nhận được rất nhiều tin cho biết quân đội và các lực lượng vũ trang người Hutu đang chuẩn bị tấn công người Tutsi. Ông xin phép văn phòng của ông tổng thư ký cho ông quyền khám xét các nơi đang chứa vũ khí trái phép.

Quan trọng hơn ông nhấn mạnh ông chỉ cần thêm 5000 binh sĩ là quân đội của UNAMIR sẽ có thể dễ dàng trấn giữ những nơi chủ chốt ở Kigali, bảo vệ các nạn nhân người Tutsi, và tấn công lại các lực lượng điên cuồng của quân phiến loạn.

Thế nhưng tiếc thay lời yêu cầu của ông đã không được các nhà ngoại giao tài giỏi ở New York lắng nghe. Tệ hơn, họ còn quyết định rút đi một phần lớn quân số của UNAMIR cho rằng đấy là chuyện nội bộ của quốc gia Rwanda, người ngoài không nên tham dự.

Kết quả là chỉ trong vòng 100 ngày sau đã có hơn 1 triệu người phải bỏ mạng.

Nhưng phải đợi mãi đến 6 năm sau, Liên Hiệp Quốc mới chính thức nhìn nhận là chính sách thời bấy giờ là một ‘failure’ (một sai lầm). Ông Kofi Annan thú nhận là ông có thể ‘do more’ (làm hơn). Và Tổng Thống Bill Clinton đã đại diện thế giới có lời xin lỗi dân tộc Rwanda là chúng ta đã không ‘act quickly enough after the killing began’ (hành động nhanh đủ sau khi sự tàn sát bắt đầu’.

Thì ra đối với thế giới, nếu như chúng ta lỡ có làm sai thì một lời ‘sorry’ cho 1 triệu sinh mạng xem ra cũng đủ.

Hay chưa hẳn là vậy bạn nhỉ?

Đối với riêng tôi đó là lý do tại sao các bạn nên tìm đến nơi này. Để tự suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta đối với các vấn đề trong xã hội. Ở Việt Nam hay trên thế giới. Để thấy và nhận thức được rằng: all that is necessary for evil to triumph is for good men to do nothing.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG