Đường dẫn truy cập

Nên hay không?


Nên hay không?
Nên hay không?

Hôm nọ tình cờ nói chuyện với một thằng bạn người Iran tôi mới nghiệm ra được một điều là đối với các vấn đề chính trị trên thế giới, lúc nào nó cũng có hai mặt. Kể cả những vấn đề căn bản nhất, những tưởng là dễ hiểu, dể giải quyết nhất. Như tôi cứ tưởng chuyện Gaddafi bị hạ bệ ở Lybia là chuyện đương nhiên, chuyện ai cũng phải ủng hộ. Vì ông ấy đã tự phong chức cho mình quá lâu, tự cho mình có quyền sinh sát quá tàn nhẫn.

Vậy mà không. Thằng bạn người Iran của tôi không nghĩ thế. Nó cho là lẽ ra phương Tây, đích danh là NATO, không nên nhúng tay vào, để nội bộ họ giải quyết. Nó bảo là vùng Trung Đông, Bắc Phi, và hầu hết tất cả các nước chậm tiến ở Châu Phi đều có những khó khăn riêng phát sinh từ văn hóa, sự khác biệt trong cách suy nghĩ và vì vậy chỉ có họ mới có thể giải quyết đến nơi đến chốn. Điều mà họ cần là thời gian chứ không phải là sự áp đặt của các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ.

Cũng xin nói thêm. Thằng bạn tôi đã học ra trường ở Mỹ. Tuy gốc người Iran nhưng nó mang quốc tịch Mỹ và hiện vẫn đang sống ở Mỹ. Từ lúc nó chỉ mới 13, 14 tuổi đầu.

Vậy mà nó vẫn có những suy nghĩ y như một số người Trung Đông.

Thế mới đáng bàn.

Dĩ nhiên là tôi không đồng ý với nó. Và thế là giữa hai chúng tôi đã xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa. Tuy cuối cùng không ai thắng ai vì thằng nào cũng thuộc loại cứng đầu, khó dạy.

Tôi không đồng ý với nó thứ nhất vì bản chất của tôi. Từ nhỏ tôi đã là thằng thích bàn và làm chuyện bao đồng. Kiểu chuyện nhà thì nhác nhưng chuyện chú bác thì rất siêng!

Thứ hai tôi có quan niệm là trên cõi đời này không có cái gọi là “bất chiến tự nhiên thành”. Đối với bất cứ việc gì, từ nhà ra phố, chúng ta phải tranh đấu mới có cơ hội thành công. Không một ai sẽ tự động vào một ngày đẹp trời tự nhiên quyết định cho chúng ta những gì mà chúng ta muốn đạt được.

Nếu các bạn còn nhớ lúc còn ở nhà, chúng ta vẫn luôn phải tranh cãi với cha mẹ để có thêm được tự do, được đi chơi, có bạn trai, bạn gái. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa thấy có một bậc phụ huynh nào sẵn sàng vui vẻ cho con của họ muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, muốn cãi sao cũng được. Giữa cha mẹ và con cái luôn luôn phải có sự điều chỉnh, nhường nhịn, thương thảo giữa hai bên, từ ngày này sang ngày khác. Để từ đó cả hai mới có thể hiểu nhau và cùng nhau trưởng thành trong mối quan hệ. Nếu họ làm được tốt điều này, gia đình sẽ hạnh phúc. Ngược lại, nếu một trong hai bên quá khắt khe, có những đòi hỏi quá đáng, chắc chắn gia đình sẽ tan vỡ. Con cái sẽ bỏ nhà ra đi. Hoặc bị cha mẹ đuổi đi. Mà lỗi không phải lúc nào cũng do những người con.

Tôi cho việc tranh cãi quan trọng và cần thiết là vì thế. Bất kể đó là quan hệ như thế nào. Ở nhà hay bên ngoài xã hội. Con cái hay cha mẹ đều cần phải biết tự điều chỉnh và thay đổi mình. Vì hoàn cảnh mỗi ngày mỗi khác. Có khó chăng là cho các bậc cha mẹ vì người càng lớn tuổi thì càng khó thấy để tự sửa mình.

Nhưng lý do lớn nhất và cũng là quan trọng nhất buộc chúng ta phải luôn tiếp sức, giúp đỡ những người dân thấp cổ bé họng chống lại những thế lực tàn bạo đơn giản là vì nếu như chúng ta không có những hành động trực tiếp, nhanh chóng giúp đỡ họ, chắc chắn họ sẽ bị tiêu diệt. Nếu không ở ngay vào thời điểm đó thì cũng là trong một ngày không xa. Khi thế giới không còn quan tâm đến họ.

Nạn diệt chủng do Pol Pot gây ra ở Campuchia. Các vụ thảm sát ở Bosnia, hay ở Rwanda vào thập niên 1990 là những thí dụ điển hình. Chúng ta đã không can thiệp. Thế giới đã làm lơ, nghĩ đấy không phải là chuyện của mình. Kết quả chỉ riêng ở Rwanda đã có gần 1 triệu người bị giết. Trong thời đại này, chứ không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa thời phát xít Đức, Nhật.

Ai là người có trách nhiệm đối với những cái chết đó? Nếu thế giới được hình thành từ mỗi người trong chúng ta thì có phải chăng chính chúng ta đã có một phần trách nhiệm?

Tôi đã hỏi thằng bạn tôi. Nhưng chính nó cũng không có câu trả lời.

Đó là lý do tại sao khi hoàn cảnh cho phép, khi chúng ta có đủ sức (như trong trường hợp liên minh NATO không kích Libya để yểm trợ cho các nhóm nổi dậy), có đủ sự quyết tâm (như trong trường hợp Liên Hiệp Quốc cho phép tấn công lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan), chúng ta phải và nên can thiệp. Đúng theo giả thuyết về đạo đức và nền văn minh của nhân loại mà giáo sư tiến sĩ Michael Walzer đề ra trong quyển sách nổi tiếng nhất của ông Just and Unjust Wars. Nếu có thời gian các bạn nên tìm đọc quyển sách rất hay, rất đáng suy ngẫm này. Để thấy rõ là không phải nói đến chiến tranh là chúng ta đang nói về một vấn đề rất ghê tởm, rất đáng sợ, phải hoàn toàn xa lánh nó. Không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ biết nhắc đến câu “Make Love, Not War” (Hãy Làm Tình, Đừng Làm Chiến Tranh).

Vì nếu ai cũng nghĩ thế thì chưa chắc chúng ta đã được sống trong hòa bình.

Và cũng chưa chắc trên thế giới này chỉ còn tồn tại một vài quốc gia độc tài, độc đảng.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG