Từ khi có con cho đến nay tôi đã cố tìm hiểu thêm nhiều về vấn đề dạy dỗ con cái. Thứ nhất vì nó có liên quan mật thiết đến cuộc sống hiện tại của tôi. Thứ hai vì càng tìm hiểu thêm thì tôi lại càng khám phá ra được nhiều điều thú vị. Và thứ ba vì sau khi tham khảo xong tôi lại nhận thấy đúng là việc gì xảy ra cũng có lý do của nó. Nếu chúng ta cố tìm hiểu tại sao cùng một sự việc nhưng có người lại suy diễn như thế này, hành động như thế nọ thì chúng ta sẽ thấy phần lớn xuất phát từ sự chăm sóc và dạy dỗ của gia đình và cha mẹ. Từ lúc chúng ta còn rất bé. Từ lúc chúng ta chưa biết nói, biết đi.
Theo một số sách chỉ dạy về cách trông nom con cái (parenting) mà tôi đã đọc trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể xác định được là một đứa bé dù chỉ mới được vài tháng tuổi cũng đã có thể nhận thức được người nào nó có thể “làm eo” và khi nào thì nó cần phải khóc ré lên để được cho bú, thay tã, hay bồng bế. Trước ngày ăn thôi nôi, nó đã có thể phát hiện ra được sự khác biệt trong cách chăm sóc giữa cha và mẹ. Hoặc ông bà. Để từ đó rút kinh nghiệm đối phó với từng người.
Thì ra con nít nó biết nhiều hơn chúng ta tưởng.
Từ khoảng 2 cho đến 5 tuổi đứa bé đã có thể học được những giá trị căn bản nhất trong cuộc sống. Nếu mỗi khi nó làm điều gì sai, nằm vạ hoặc nói dối để làm vui lòng cha mẹ nhưng không thấy ai nói gì và nếu như nó không được dạy bảo, sửa sai ngay lúc đó thì đương nhiên nó sẽ nghĩ và cho là hành động như vậy cũng… OK. Và cứ như thế sau này lớn lên nó sẽ tiếp tục lập lại. Từ hành động này cho đến hành động khác. Và nghĩ mọi việc đều ổn.
Đó là lý do tại sao có rất nhiều người sau này lớn lên họ vẫn có thể đặt điều nói bậy hoặc chửi bậy mà không thấy như thế là sai, và không thể sửa.
Vì lẽ ra họ phải được sửa từ lúc còn bé.
Đó cũng là lý do tại sao các bác sĩ tâm lý và chuyên khoa khuyên các bậc phụ huynh nên dạy cho các cháu bé từ nhỏ về cách nhận thức sự việc cũng như chúng ta tuyệt đối cần phải có sự giải thích cặn kẽ cho từng trường hợp một. Kể cả việc xử phạt và cách thực thi những hành động kỷ luật. Vấn đề quan trọng không phải là làm cho đứa bé sợ để nó làm theo ý mình. Mà chúng ta phải giải thích cho nó hiểu tại sao hành động như thế là sai, không tôn trọng người khác.
Dĩ nhiên tôi cũng biết đối với những vấn đề này nói nghe thì rất dễ. Nhưng thực hiện được nó một cách hoàn hảo thì không dễ tí nào. Vì không phải đứa bé nào cũng dễ dạy, dễ bảo.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là khoảng thời gian duy nhất mà đứa bé có thể học được về những giá trị căn bản trong cuộc sống. Tuy nhiên đây là quãng thời gian quan trọng và hữu hiệu nhất để nhồi nhét những giá trị ấy vào đầu của đứa bé. Đặc biệt là cách xử sự giữa người và người. Sự cần thiết phải có ở tất cả mọi người phải biết tôn trọng sự thật và đồng loại. Lòng nhân hậu là rất quan trọng, khi nào thì chúng ta phải biết dùng trí, lúc nào chúng ta cần phải dũng cảm.
Vậy mà tôi cứ tưởng phải đợi đến lúc 9, 10 tuổi hoặc lớn hơn nữa thì sự dạy dỗ của cha mẹ mới có hiệu quả!
Cũng vì lý do này mà một trong những điều thực tiễn các bậc cha mẹ nên làm là mỗi đêm cùng đọc sách cùng với các cháu. Hoặc kể những câu chuyện mang tính cánh nhân bản cho các cháu nghe. Mặc dù có thể nó vẫn chưa biết cách suy luận để hiểu rõ vấn đề.
Như một tờ giấy trắng, một khi những giá trị căn bản này được khắc ghi trong tâm khảm của đứa bé rồi thì khó có ai hoặc điều gì thay đổi được nó sau này. Cho dù nó có gặp khó khăn cách mấy hoặc gặp phải cảnh trái ngang đến thế nào trong tương lai.
Sự dạy dỗ con cái từ lúc nó mới lọt lòng quan trọng là vì thế. Và ngày càng có tuổi thì tôi lại càng thấy quả thật điều này chính xác 100%.
Nếu như trước đây tôi chưa nghiệm thấy hoặc ít khi nghĩ đến những vấn đề này thì bây giờ tôi lại thông cảm cho ba mẹ tôi hơn. Cũng nhờ cả hai đều khó (nếu không muốn nói là quá khó), đặc biệt là mẹ tôi, mà tôi mới thấy mình cũng không đến nỗi tệ lắm trong cách hành xử mỗi ngày. Đối với người thân lẫn người dưng. Đối với những người thương mình lẫn ghét mình.
Như ông bạn già David Lamb cựu phóng viên chiến trường của báo LA Times từng bảo tôi: “We can’t control what people do to us. But we can control what our response will be”. Chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác làm. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát hành động của mình đối với những điều đó.
Hay lời ba mẹ tôi từng phán: “Tới khi nào con có con thì con sẽ hiểu”. Lúc ấy thật tình trong đầu tôi cứ nghĩ: nói thế thì làm sao mà con hiểu!
Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu.
Cũng may là nó chưa quá trễ.
Có thể cách dạy thằng bé cu Phi của tôi sẽ có khác đôi chút với cách dạy con của ba mẹ tôi. Tôi sẽ không đánh đòn nó như tôi từng bị đánh. Tôi cũng sẽ không dùng y những lời tôi từng nghe ba mẹ tôi nói để lập lại dạy dỗ cu Phi. Nhưng chắc chắn một điều là tôi sẽ bắt đầu dạy bảo nó từ ngay bây giờ. Sẽ chỉ cho nó biết khi nào thì phải biết nhường nhịn, lúc nào là phải ngồi yên một chổ, ăn xong hết thì mới được bồng.
Và trên hết tôi sẽ cố từ tốn chỉ dạy cho nó nghe mỗi khi nó làm điều gì sai để nó biết rằng tôi làm thế chỉ vì nó là người tôi thương yêu nhất.
Hẹn gặp lại các bạn trong một bài khác về sự khác biệt tính tình của mỗi đứa bé nếu như nó là con một, con trưởng, hay con út.
Và dĩ nhiên tôi cũng sẽ cố tìm hiểu thêm về sự ảnh hưởng lớn lao của xã hội nơi đứa nhỏ được nuôi dưỡng và trưởng thành. Để có dịp tôi lại chia sẻ với các bạn. Thế đã nhé.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.