Đường dẫn truy cập

Sống Chết


Sống Chết
Sống Chết

Chỉ trong ngày thứ Bảy tuần vừa rồi tôi nhận cùng một lúc 3 tin buồn. Một bà bác bà con xa với gia đình bên ngoại của tôi ở Toronto đang vui sống khỏe mạnh bỗng dưng trút hơi thở cuối cùng hưởng thọ 104 tuổi. Một thầy giáo ở Melbourne cũng là cha của 2 người bạn thân tôi từ thời còn học trung học, Giang & Vỹ, cuối cùng đã vĩnh viễn ra đi ngay sau khi gia đình làm lễ kỷ niệm 50 năm thành hôn cho bác và bác gái.

Nhưng cái tin làm cho tôi sững sờ nhất và không biết phải nói gì để chia sẻ với gia đình của người quá cố là khi tôi được cho biết một gia đình tỵ nạn mà tôi quen thân ngày xưa lúc còn ở Phi Luật Tân chỉ sang Mỹ mới được vài năm thôi mà nay đã mất người con trai út trong gia đình năm nay mới 18 tuổi.

Tin đến quá đột ngột làm tôi ngỡ ngàng. Một phần cũng vì em còn quá trẻ. Và tôi cũng mới gặp em đây thôi hồi đầu năm lúc tôi lên San Jose làm MC cho hội chợ tết nhân tiện ghé qua thăm em và gia đình.

Em tên Khoa. Người nhỏ con, da trắng, có khuôn mặt rất hiền.

Thật ra Khoa đã bị bệnh từ lâu. Từ lúc còn ở bên Philippines thì phải. Và gia đình đã cố hết sức chạy chữa. Thế nhưng sức người có hạn. Thuốc men và sự chăm sóc y tế đầy đủ ở Mỹ cũng không giữ em lại được. Để cuối cùng em phải ra đi trong sự thương tiếc của người thân, gia đình và nhất là ba mẹ em. Anh Chị Sơn cháo lòng. Những người tỵ nạn vẫn thường gọi anh chị như thế vì lúc còn ở chung trong trại tỵ nạn Palawan, họ có một quầy cháo lòng, tối nào cũng ra đứng bán.

Tôi thân với gia đình này từ lúc chúng tôi còn ở Philippines vì anh chị Sơn là những người đầu tiên ủng hộ việc làm của tôi. Không như những người khác, kể cả một số người tỵ nạn có cùng một hoàn cảnh lúc đó, anh chị luôn biết rõ mình cần phải làm gì để tranh đấu cho sự tự do của chính mình.

Hơn thế nữa, điều làm cho tôi nhớ mãi là tấm lòng của anh chị dành cho văn phòng và các thiện nguyện viên. Lúc ấy gia đình anh chị ở đảo Palawan, cách thủ đô Manila hơn một giờ bay. Nhưng lần nào cũng vậy, mỗi khi có dịp lên Manila là anh chị, nhất là chị Sơn, cũng cố ghé qua văn phòng của tôi để thăm hỏi, tặng chút trái cây hoặc đường, gạo để xem như của ít lòng nhiều cùng đóng góp vào để mong cho công việc chung sớm được thành công tốt đẹp.

Tôi rất cảm kích trước những nghĩa cử ấy. Tuy nó nhỏ, không hẳn là cần thiết nhưng lại mang một ý nghĩa rất to lớn. Đặc biệt là khi trong cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, ai cũng phải tự bươn chải, phải thủ, chỉ biết lo cho việc riêng mà không thấy được việc chung. Vì như câu nói chúng ta thường nghe: Cha chung không ai khóc.

Ngay cả khi công cuộc vận động là cho chính những người tỵ nạn còn kẹt lại nhưng ở vào thời điểm ấy, không phải ai cũng thấy và hiểu được điều này. Và không phải ai, sau khi thấy và hiểu được, cũng có tấm lòng như anh chị.

Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn chơi thân với một số gia đình tỵ nạn cũng vì lý do này. Mặc dù hiện nay chúng tôi không còn ở gần nhau như lúc còn ở bên Philippines. Và cũng không còn phải mỗi ngày cùng nhau tranh đấu cho sự sống còn và tương lai của tất cả mọi người. Trong đó có gia đình của anh chị Sơn.

Và bé Khoa.

Thế vậy mà…

Tôi có cảm giác hình như từ lúc tôi có con cho đến nay trong tôi đã có ít nhiều thay đổi. Nhất là những khi vấn đề có liên quan đến việc nuôi nấng, dạy bảo con cái. Và xa hơn nữa là mối quan hệ mật thiết giữa con cái và cha mẹ.

Như lúc trước có một người mẹ từng bảo với tôi rằng cô hoàn toàn có thể vào hang cọp để cứu con cô ra. Lúc ấy tôi vẫn nghĩ là cô hơi quá cường điệu, nói thế chỉ để minh họa cho tình yêu của cô dành cho hai đứa con. Chứ ai mà dám làm. Thế nhưng bây giờ thì tôi lại tin là cô hoàn toàn có thể làm điều đó. Vì tôi cũng sẽ làm y như vậy nếu bị bắt buộc.

Tôi cũng nghiệm thêm ra được một điều là ngày càng lớn tôi càng cảm nhận được sự mong manh, dễ tan vỡ của một kiếp người. Mới thấy quanh quẩn đây đó, tưởng chừng như sẽ hiện hữu mãi mãi, nhưng rồi nó cũng sẽ vụt tan.

Như bà bác của tôi mới hôm nào vẫn còn sống bên cạnh nhà tôi ở Sài Gòn, tóc bới cao, răng nhộm đen, đầu đội khăn quấn đúng y phong cách của những bà già ở miền Bắc. Vẫn cười nói vui vẻ với cái giọng đặc sệt người Bắc của bà mỗi khi tôi gặp lại bà đã mừng thọ 80, rồi 90, sang đến 100 tuổi. Và cho đến hôm nay là đúng 104 tuổi trước khi vĩnh viễn ra đi.

Hay Bác Sùng cha của hai người bạn thân tôi, người có 50 năm tình nghĩa vợ chồng với vợ bác, nay cũng không còn hiện hữu. Đây là một sự mất mát to lớn khó tìm được gì để vùi đắp.

Đêm hôm qua tôi đã có lời nguyện cầu cho cả hai họ.

Nhưng riêng đối với bé Khoa, tôi lại nghĩ cũng có thể việc em đi là phước phần của em và cho em. Để em thôi không còn bị cơn bệnh hành hạ thể xác. Để em thôi không cần phải vào nhà thương, đau đớn từng hồi.

Có xót chăng là cho ba mẹ của em. Nhất là mẹ em. Vì tôi nghĩ trên cõi đời này không có gì đau đớn bằng.

Cha mẹ có thể ra đi khi con đã trưởng thành. Nhưng đã làm bậc cha mẹ thì không một ai có thể ngờ rằng có một ngày con sẽ ra đi trước cha mẹ.

Mong hương hồn em sớm được siêu thoát để không phải bận bịu ở lại Khoa ạ. Anh cũng cầu mong sao cho ba mẹ em mau tìm lại được chút yên bình trong cuộc sống.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG