Đường dẫn truy cập

Bhutan


Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyal Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema
Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyal Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema

Tuần trước tôi vừa viết về thằng bạn thân tên Tuấn ở Canada thì tuần này tôi lại muốn viết về một thằng bạn thân khác hiện đang ở Thimphu, Bhutan cũng là một xứ lạnh, tình nồng. Tôi cho đây là một xứ lạnh vì mặc dù mùa đông chưa đến nhưng nhiệt độ vào đêm đã xuống đến gần 0 độ (mặc dù ban ngày nếu có nắng thì cũng nóng cháy đổ lửa như ai!).

Riêng tình nồng là bởi vì mặc dù tôi đã qua xứ sở này tất cả là 3 lần nhưng lần nào cũng vậy, tôi luôn được mọi người đối xử rất tử tế, rất nồng hậu và nhất là giữa thằng bạn và tôi vẫn gần gũi như thể chúng tôi vẫn còn sống chung với nhau ở college như năm nào. Mặc dù 10 năm đã trôi qua. Tôi hiện đã có con. Và kể từ ngày 13 tháng 10 tuần trước, nó đã có vợ.

Cũng như Tuấn, từ lúc quen nhau cho đến bây giờ, bạn tôi với cái tên cúng cơm là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck chưa nhận được bất cứ điều gì từ tôi. Nhưng ngược lại, tôi đã nhận được rất nhiều. Lần nào đến Bhutan tôi cũng được đối xử như một khách mời nên không phải tốn một đồng xu nào cho việc tới lui hoặc ăn uống. Đi đến đâu cũng có người đưa đón. Thậm chí việc làm visa, lấy vé máy bay tôi cũng không phải lo.

Bởi vậy thật tình mà nói tôi không biết phải nói sao hay làm gì để trả lễ. Tiền bạc hay quyền lực thì có lẽ nó…không thiếu. Riêng về việc quà cáp thì quả thật tôi không thể tưởng tượng ra được là nó cần gì. Hơn nữa, lúc nào Jigme cũng nhận được vô số những lời chúc phúc, ban tụng từ khắp mọi nơi, nhất là trong những ngày vừa qua.

Thử hỏi nếu bạn là tôi thì bạn sẽ làm gì?

Có lẽ là bạn cũng như tôi và sẽ…không làm gì cả. Theo đúng như câu nói tiếng Anh: ‘if you don’t know what to do, then don’t do anything’ tương tự như câu châm ngôn tiếng Việt mà chúng ta thường nghe: ‘Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe’.

Lần nào đến Bhutan, tôi cũng tự nhắc nhở là mình phải nhớ thực hiện câu nói này. Và tiếp tục đối xử thằng bạn mình như là một người bạn thân mà mình hằng quý mến. Vẫn đối xử với nó, đùa giỡn, trò chuyện với nó như ngày xưa. Vì đó là điều duy nhất mà tôi nghĩ là tôi nên làm và có thể làm. Mặc dù nó hoàn toàn không phải là một điều dễ thực hiện.

Vì Jigme hiện đang là Vua đời thứ năm của dòng tộc Wangchuck. Và đối với tất cả người dân của xứ sở này, Vua của họ cũng là hiện thân của một vị Phật sống. Khi Vua đi ngang, mọi người phải đứng lên, nghiêng người kính cẩn chào, không được nhìn thẳng vào mặt. Nếu may mắn được Vua bước đến gần thăm hỏi, trước khi trả lời, ai cũng phải cúi đầu, tay che miệng trước khi đáp trả nhỏ nhẹ.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi đến Bhutan vào cuối năm 2004. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi gặp lại Jigme ở ngay xứ sở của nó sau khi cả hai vừa tốt nghiệp ra trường. Hôm ấy Jigme đi với một vài cận vệ, chỉ là Thái Tử chứ chưa được phong chức Hoàng Thái Tử, thế nhưng tôi đã thấy khác.

Thứ nhất là cách ăn mặc. Khác với thuở còn là sinh viên ở Oxford đứa nào cũng quần jeans áo sơ mi, hôm ấy Jigme mặc bộ quần áo truyền thống của đàn ông người Bhutan gọi là ‘Gho’ nên trông rất oai vệ, chững chạc.

Thứ hai, khác với mọi người, bên hông Jigme lúc nào cũng đeo lủng lẳng một… thanh kiếm.

Và thứ ba (đây cũng là điều khác biệt nhất so với thời còn là sinh viên) quanh Jigme lúc nào cũng có những cận thần mặt nhìn rất nghiêm nghị, khá đáng sợ nhưng lại luôn sùng kính thằng bạn tôi như thể nó là Phật sống.

Lần đầu tiên gặp mặt lại nói thật là tôi đã hoàn toàn bị khớp. Tôi không biết mình nên làm gì và cần phải nói gì mới đúng theo nghi lễ. Và thế là tôi chỉ thốt lên được một chữ duy nhất đó là ‘hi’ khi Jigme bước đến.

Các bạn biết Vua đã làm gì khi nghe tôi ‘say hi’ không?

Jigme đã quàng tay ôm chặt tôi vào lòng vừa cười vui vừa bảo:

It’s so good to see you mate. Be yourself eh! Rất vui gặp lại mày. Cứ hãy là mày đi nhé!

Ôi, Chúa ơi. Cảm ơn Trời Phật. Làm hết hồn!

Ít có ai biết được vị Vua thứ năm của dòng tộc Wangchuck là một người rất thân mật, rất dễ mến và đặc biệt là rất quan tâm đến người khác. Hôm làm đám cưới ở cố đô Punaka xong, 7 giờ sáng hôm sau, Vua và Hoàng Hậu Jetsun Pema đã lên xe trở về thủ đô Thimphu cách đó độ chừng 2 giờ lái xe.

Nhưng các bạn có biết không? Jigme bảo hôm đó phải đến 11 giờ khuya cả hai mới về đến cung. Vì trên đường về, cứ mỗi khi có người dân ra đường đứng đón là cả hai lại xuống xe để có thể đến tận nơi cầm tay từng người một cảm ơn, thăm hỏi. Không phải chỉ một bên đường mà cả hai bên cùng một lúc, không bỏ sót một ai.

Đứng nhìn từ trên cao lúc Jigme và Hoàng Hậu về đến con đường chính của thủ đô dẫn đến Hoàng Cung, hai bên là hàng hàng lớp lớp người dân đã đứng chờ từ trưa để mong có dịp diện kiến dung nhan của Hoàng Hậu (năm nay chỉ vừa tròn 21 tuổi) mặc dù kim đồng hồ lúc ấy đã chỉ hơn quá 8 giờ tối, lòng tôi bỗng dâng lên một niềm hãnh diện xen lẫn hạnh phúc.

Hạnh phúc và vui mừng vì cuối cùng thằng bạn mình đã tìm được hạnh phúc riêng tư cho chính nó.

Và hãnh diện vì nó rất xứng đáng làm một lãnh tụ, là biểu tượng của một vương quốc tuy rất nhỏ bé nằm ẩn mình trên rặng núi Himalaya hùng vĩ nhưng tư duy của họ, tầm nhìn của Thái Thượng Hoàng đời Vua thứ tư và của chính thằng bạn mình không hề nhỏ.

Chính vua cha của Jigme là người đã quyết định từ bỏ quyền lực tối thượng của dòng tộc Wangchuck để thay đổi Hiến Pháp và thành lập Quốc Hội sau lần tổng tuyển cử đầu tiên vào cuối năm 2007. Và Jigme từ đó cho đến nay vẫn quyết tâm theo đuổi con đường dân chủ hóa vương quốc của mình. Mặc dù lần đầu tiên nhà Vua bị người dân tổ chức biểu tình là vì họ không muốn thay đổi thể chế hoàng gia hiện tại.

Còn rất nhiều điều tôi muốn chia xẻ, muốn cho các bạn biết về thằng bạn tôi, về vương quốc Bhutan với những ngôi chùa nằm vắt ngang bên sườn núi, trên những ngọn đồi cao, với những nhà sư có thể vào tịnh thất tọa thiền đúng 3 năm 3 tháng 45 ngày mà không gặp bất cứ một ai. Chỉ để tìm đến thanh tịnh.

Nhưng tôi nghĩ tốt nhất là các bạn nên tự tìm đến đất nước này. Tự mình men theo sườn núi để đặt chân bước vào những ngôi chùa nhỏ cổ kính, gặp những nhà sư quanh năm suốt tháng chỉ biết đến kinh kệ, Phật pháp. Để biết và học hỏi thêm về cõi đời vô thường của hiện tại. Và về vị Vua trẻ tuổi, đáng kính của họ.

Chỉ cần các bạn nhớ là sau khi trở về các bạn sẽ cho tôi biết cảm nghĩ của chính các bạn. Qua email: hoitrinh@hotmail.com. Các bạn nghĩ được chứ?

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG