Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đợi ba ngày trước khi lên tiếng bình luận về vụ thảm sát của Hamas nhắm vào người Israel, vốn xảy ra vào ngày sinh nhật lần thứ 71 của ông. Và khi lên tiếng, ông đổ lỗi cho Hoa Kỳ chứ không phải Hamas.
“Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ rõ ràng về chính sách thất bại ở Trung Đông của Hoa Kỳ, vốn cố gắng độc quyền hóa tiến trình giải quyết”, ông Putin nói với Thủ tướng Iraq.
Sáu ngày sau ông Putin mới nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để gửi lời chia buồn về vụ sát hại khoảng 1.200 người Israel. Mười ngày sau đó, Nga cho biết một phái đoàn Hamas đã tới Moscow để đàm phán.
Ông Putin, theo các chuyên gia chính sách của Nga và phương Tây, đang cố gắng tận dụng cuộc chiến của Israel chống lại Hamas để leo thang những gì ông đã mô tả như một cuộc chiến hiện hữu với phương Tây vì một trật tự thế giới mới để chấm dứt sự thống trị của Mỹ, cổ súy cho một hệ thống đa phương mà ông tin là đang hình thành.
“Nga hiểu rằng Mỹ và EU hoàn toàn ủng hộ Israel, nhưng Mỹ và EU hiện là hiện thân của cái ác và không thể đúng theo bất kỳ cách nào”, ông Sergei Markov, cựu cố vấn của Điện Kremlin, viết trên blog của mình, giải thích là ông Putin cần phải tạo sự khác biệt cho chính mình.
“Vì vậy, Nga sẽ không đứng cùng phe với Mỹ và EU. Đồng minh chính của Israel là Mỹ, kẻ thù chính của Nga hiện nay. Và đồng minh của Hamas là Iran, đồng minh của Nga”.
Moscow có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Tehran - quốc gia ủng hộ Hamas và bị Washington cáo buộc là cung cấp máy bay không người lái cho Moscow trong cuộc chiến với Ukraine, quốc gia đang đối đầu với cuộc chiến tiêu hao sinh lực với Nga.
Bà Hanna Notte, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở Berlin, nói với Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga rằng bà nghĩ Moscow đã từ bỏ quan điểm cân bằng hơn trước đó về Trung Đông và áp dụng “lập trường khá công khai ủng hộ Palestine”.
Bà nói: “Khi làm tất cả những điều này, Nga hiểu rất rõ rằng họ liên kết với các quốc gia trên khắp Trung Đông và thậm chí xa hơn - ở Nam bán cầu, trong quan điểm của họ về vấn đề Palestine, nơi lý tưởng của người Palestine tiếp tục gây tiếng vang”.
Chính những khu vực mà ông Putin đang tìm cách giành chiến thắng trong nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới mới sẽ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.
Bà Notte nói: “Cách quan trọng nhất mà Nga có thể hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Gaza là ghi điểm trước dư luận toàn cầu”.
Ông Putin đã nói rằng “khi bạn nhìn những đứa trẻ đau khổ và đẫm máu (ở Gaza), bạn nắm chặt tay và rơi nước mắt.”
‘Tiêu chuẩn kép’
Các chính trị gia Nga so sánh những gì họ nói là quyền tự do mà Washington trao cho Israel để ném bom Gaza với phản ứng trừng phạt của Washington đối với cuộc chiến của chính Nga ở Ukraine, nơi Moscow nói rằng họ không cố tình nhắm mục tiêu vào thường dân mặc dù hàng nghìn thường dân đã thiệt mạng.
Đại sứ Israel tại Liên hiệp quốc nói rằng Nga không có tư cách để lên lớp người khác về những gì họ đã và đang làm ở Ukraine.
Nhưng Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov nói phương Tây đã rơi vào một cái bẫy do chính họ tạo ra khi vạch trần những tiêu chuẩn kép của chính họ về cách đối xử với các quốc gia khác nhau tùy thuộc vào sở thích chính trị tư lợi của họ.
Ông Pushkov viết trên Telegram: “Sự ủng hộ rõ ràng của Hoa Kỳ và phương Tây đối với hành động của Israel đã giáng một đòn mạnh vào chính sách đối ngoại của phương Tây trong mắt thế giới Ả Rập và toàn bộ Nam bán cầu”.
Cựu cố vấn Điện Kremlin Markov cho biết, Nga cũng coi cuộc khủng hoảng này là cơ hội để Moscow cố gắng phát triển ảnh hưởng ở Trung Đông bằng cách tự coi mình là một nhà hòa giải tiềm năng có liên kết với tất cả các bên.
Moscow đã đề nghị tổ chức một cuộc họp khu vực của các ngoại trưởng và ông Putin nói rằng Nga sẵn sàng giúp đỡ.
“Chúng tôi có mối quan hệ kinh doanh rất ổn định với Israel. Chúng tôi đã có quan hệ thân thiện với Palestine trong nhiều thập niên, bạn bè của chúng tôi biết điều này. Và theo tôi, Nga cũng có thể đóng góp vào quá trình giải quyết vấn đề”, ông Putin nói với một kênh truyền hình Ả Rập vào tháng 10.
Ông Markov cho biết, cũng có những lợi ích kinh tế tiềm tàng và lợi ích bổ sung là hút các nguồn lực tài chính và quân sự của phương Tây ra khỏi Ukraine.
Ông Markov nói: “Nga được hưởng lợi từ việc tăng giá dầu do cuộc chiến này gây ra”. “(Và) Nga được hưởng lợi từ bất kỳ cuộc xung đột nào mà Mỹ và EU phải dành nguồn lực vì điều đó làm giảm nguồn lực cho chế độ chống Nga ở Ukraine.”
Ông Alex Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, nói ông tin rằng Moscow đã làm lệch chính sách Trung Đông của mình vì cuộc chiến ở Ukraine.
“Lời giải thích của tôi là bởi vì chiến tranh đang trở thành nguyên tắc tổ chức trong chính sách đối ngoại của Nga và (vì) mối quan hệ với Iran, điều khiến trang thiết bị quân sự phải được đưa lên bàn đàm phán. Ví dụ, nỗ lực chiến tranh trung tâm của Nga quan trọng hơn mối quan hệ với Israel.”
Các mối quan hệ xấu đi
Mối quan hệ của Nga với Israel, vốn có truyền thống gần gũi và thực dụng, đã bị ảnh hưởng.
Việc Moscow tiếp đón phái đoàn Hamas chưa đầy hai tuần sau vụ thảm sát ngày 7/10 đã khiến Israel tức giận, khiến nước này triệu tập đại sứ Nga Anatoly Viktorov vì đã gửi “thông điệp hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố”.
Sự bất mãn là hỗ tương; ông Alexander Ben Zvi, đại sứ Israel, đã được triệu tập để đàm phán với Bộ Ngoại giao Nga ít nhất hai lần và các đại sứ tại Liên hiệp quốc của hai nước đã có những lời lẽ gay gắt sau khi đại diện của Moscow đặt câu hỏi về phạm vi quyền tự vệ của Israel.
Ông Mikhail Bogdanov, một trong những thứ trưởng ngoại giao của Nga, cho biết Israel đã ngừng thường xuyên cảnh báo trước cho Moscow về các cuộc không kích nhắm vào đồng minh của Nga là Syria.
Khi một bộ trưởng cấp thấp của Israel dường như bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng Israel tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Gaza (nhân vật này đã bị đình chỉ), Nga cho biết những nhận xét này đã đặt ra “một số lượng lớn câu hỏi” và đặt câu hỏi liệu điều đó có phải là sự thừa nhận chính thức từ Israel rằng họ đã có vũ khí hạt nhân hay không.
Ông Amir Weitmann, chủ tịch nhóm theo chủ nghĩa tự do trong đảng Likud của ông Netanyahu, cho biết một ngày nào đó Israel sẽ trừng phạt Moscow vì lập trường của nước này.
“Chúng ta sẽ kết thúc cuộc chiến này (với Hamas)… Sau chuyện này, Nga sẽ phải trả giá,” ông Weitmann nói trong một cuộc phỏng vấn đầy sóng gió vào tháng 10 với đài truyền hình nhà nước Nga RT.
“Nga đang hỗ trợ kẻ thù của Israel. Sau này, chúng tôi không quên những gì các bạn đang làm. Chúng tôi sẽ đến và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng”, ông nhấn mạnh.
Diễn đàn