Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 25/10 nói cuộc khủng hoảng Israel-Gaza nên có “con đường dẫn đến hòa bình” bao gồm các nhà nước độc lập cho người Israel và người Palestine cũng như hội nhập Israel với các nước láng giềng Ả Rập.
Ông Biden mở một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Anthony Albanese bằng cách nói rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho quốc phòng của Israel là rất chắc chắn, nhưng các bên cần suy nghĩ về con đường phía trước trong khu vực sau khi cuộc khủng hoảng Gaza được giải quyết.
Ông Biden nói: “Người Israel và người Palestine đều xứng đáng được sống cạnh nhau trong sự an toàn, phẩm giá và hòa bình”.
Ông Biden cho biết ông tin rằng một lý do khiến các phần tử hiếu chiến Hamas tấn công miền nam Israel, giết chết 1.400 người vào ngày 7/10, là để ngăn cản việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê-Út.
Bộ Y tế ở Gaza do Hamas cai trị cho biết các cuộc không kích trả đũa của Israel đã giết chết hơn 6.500 người.
Reuters chưa thể kiểm chứng độc lập số liệu thương vong của cả hai bên.
Ông Biden nói ông “không có ý niệm” rằng người Palestine đang nói sự thật về số lượng thương vong. “Tôi chắc chắn rằng những người vô tội đã bị giết và đó là cái giá phải trả cho việc tiến hành một cuộc chiến tranh”.
Ông nói: “Tôi không tin tưởng vào con số” mà người Palestine đang dùng.
Ông Biden nói, một khi cuộc khủng hoảng kết thúc, “cần phải có tầm nhìn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo” trong khu vực, một tương lai sẽ bao gồm giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
“Tôi tiếp tục lo lắng về việc những người định cư cực đoan tấn công người Palestine ở Bờ Tây”, ông Biden nói và cáo buộc họ đổ dầu vào lửa. Ông nói: “Họ đang tấn công người Palestine ở những nơi mà họ đáng được đến”.
Úc cung cấp viện trợ
Ông Albanese, trong nhận xét mở đầu, cho biết Úc sẽ viện trợ thêm 15 triệu đô la cho dân thường Gaza.
Trước đó, tại buổi lễ khi đến Tòa Bạch Ốc, ông Albanese nói “... cần có sự lãnh đạo thực sự để tìm kiếm hòa bình, bởi vì bảo vệ những người vô tội không phải là thể hiện sự yếu đuối mà là thước đo sức mạnh.”
Ngày càng có nhiều quốc gia đang thúc đẩy Israel tạm dừng các cuộc tấn công vào Hamas ở Gaza vốn khiến hàng nghìn người Palestine, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng. Ông Biden, tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”, đã ủng hộ mạnh mẽ Israel sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas nhưng cũng lưu ý Israel nên tuân thủ các nguyên tắc dân chủ.
Úc là một đồng minh quan trọng ở Thái Bình Dương và ông Biden đã lên kế hoạch cho chuyến thăm sau khi hủy chuyến đi tới Sydney vào tháng 5 năm nay để ở lại Washington và đàm phán về cuộc khủng hoảng tài trợ của chính phủ.
Hỗ trợ Philippines
Ông Biden dường như đã đưa ra lời cảnh báo cho Trung Quốc sau một loạt các cuộc đối đầu trên biển với Philippines, nói rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Manila là sắt thép.
Ông Biden nói thêm rằng Trung Quốc hiện đang gặp những khó khăn bên trong và bên ngoài.
Ông Biden nói đối tác Mỹ-Úc là “một liên minh đánh dấu bằng sức tưởng tượng, sự chân thành và sáng tạo,” trích dẫn mối quan hệ đối tác của họ về Thế chiến Thứ nhất, Thế chiến Thứ hai và cuộc chiến chống khủng bố.
Chuyến thăm của Thủ tướng Úc tới Mỹ dự kiến sẽ dẫn đến các thỏa thuận nhằm ngăn chặn và cạnh tranh với Trung Quốc, ngay cả khi hai nước cố gắng làm tan băng quan hệ với Bắc Kinh. Hai quốc gia cam kết đảm bảo “Ấn Độ Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn”, ông Biden nói.
Ông Albanese, được chào đón bằng thảm đỏ, ban quân nhạc và hàng ngũ cố vấn hàng đầu của ông Biden, ca ngợi các giá trị dân chủ của Mỹ và ca ngợi ông Biden vì đã nhấn mạnh rằng “mọi mạng sống vô tội đều quan trọng, cho dù là người Israel hay người Palestine, và rằng trong mọi cuộc xung đột, mọi nỗ lực phải được thực hiện để bảo vệ dân thường.”
Ông cũng cam kết tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến đang diễn ra của Ukraine chống lại Nga xâm lược.
Theo các quan chức Mỹ, các thỏa thuận dự kiến bao gồm khởi động một dự án cáp internet dưới biển và đầu tư cơ sở hạ tầng cầu cảng hàng hải nhằm mang lại lợi ích và thu hút các quốc đảo Thái Bình Dương mà có thể cần sự hỗ trợ của họ để ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai về Đài Loan hoặc Biển Đông.
Washington và Canberra, vốn là đối tác trong thỏa thuận phòng thủ tập thể kéo dài hàng thập niên, cũng sẽ công bố hợp tác an ninh rộng rãi hơn với Nhật Bản.
Hành động cân bằng trong việc tăng cường răn đe chống lại Trung Quốc mà không xúc phạm Bắc Kinh quá nhiều đang trở nên phức tạp hơn do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, vốn một lần nữa khiến Washington chuyển hướng chú ý khỏi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Diễn đàn