Đường dẫn truy cập

Chuyên gia gốc Việt từng ở Trung Đông nhận định về cuộc chiến Israel-Hamas


Tổng thống Joe Biden hội kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông đến thăm Israel trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, tại Tel Aviv, Israel, ngày 18 tháng 10 năm 2023.
Tổng thống Joe Biden hội kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông đến thăm Israel trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, tại Tel Aviv, Israel, ngày 18 tháng 10 năm 2023.

Nhóm chủ chiến Hamas sẽ bị “thanh trừng” bởi quân đội Israel sau khi tiến hành cuộc tấn công gây chết chóc nhất trong lịch sử của Israel và việc đạt được hòa bình ở Trung Đông sẽ vẫn rất khó khăn, một nhà bình luận thời sự quốc tế gốc Việt từng làm việc ở khu vực này nhận định với VOA.

Hôm 7 tháng 10, các phần tử chủ chiến người Palestine xâm nhập lãnh thổ Israel, bắt cóc nhiều con tin và giết hại hơn 1.400 người trong vụ tàn sát người Do Thái đẫm máu nhất kể từ cuộc diệt chủng Holocaust.

Israel tuyên chiến với Hamas không lâu sau đó, tiến hành một loạt các cuộc không kích nặng nề nhắm vào Gaza, dải đất hẹp ven biển với 2,3 triệu dân nằm dưới sự cai trị của tổ chức Hồi giáo bảo thủ này. Ít nhất 3.478 người Palestine đã thiệt mạng tính đến ngày 18 tháng 10, theo CNN.

Cuộc xung đột bùng nổ bất thình lình khiến người ta lo ngại rằng nó có thể lan ra rộng hơn trong khu vực, gây bất ổn nghiêm trọng cho tình hình an ninh toàn cầu vốn đã chứng kiến nhiều xáo trộn vì cuộc chiến tranh xâm lược đang tiếp diễn của Nga nhắm vào Ukraine.

Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân, từng làm việc tại Iraq và Jordan trong những năm 1990 trong vai trò cố vấn cải cách, nói số người Israel tử vong quá lớn khiến ông kinh ngạc về sự thất bại của tình báo nước này vốn nổi tiếng về khả năng thu thập thông tin cho mục đích quốc phòng.

Israel rất đề cao sinh mạng của người dân, ông nói, và số người chết quá cao như vậy có phần chắc đã đưa tới phản ứng khốc liệt của Israel nhắm vào Hamas ở Gaza.

“Cái tâm lý của người Israel là một người chết thì họ phải lấy lại, họ phải trả thù bằng hai người, ba người. Khi mà bị đánh úp như vậy thì theo tôi nghĩ sự trả thù rất là lớn,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Quân đội Israel rất là mạnh. Một cái ví dụ mình thấy là họ có thể huy động được hơn 300.000 [quân dự bị] trong có mấy ngày thôi thì mình thấy là bộ máy quốc phòng của Israel rất là mạnh.”

Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân từng làm việc trong vai trò cố vấn cải cách ở Iraq và Jordan trong những năm 1990.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân từng làm việc trong vai trò cố vấn cải cách ở Iraq và Jordan trong những năm 1990.

Ông nói Israel kể từ khi lập quốc vào năm 1948 luôn chịu sự đe dọa từ các nước láng giềng Ả-rập xung quanh vốn ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập. Dù vậy, các nước này từng chịu thất bại trong các cuộc chiến tranh với Israel và một số nước thậm chí đã kí kết hiệp ước hòa bình và nối lại quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái trong những năm gần đây.

Chuyên gia này cho biết trong thời gian ông làm việc ở Trung Đông ông nhận thấy phía Ả-rập “rất là chia rẽ” và Israel “gần như kiểm soát hoàn toàn” được dân Palestine xung quanh.

“Đừng quên Israel bị bao vây tất cả bởi những nước Ả-rập,” ông lưu ý. “Những nước Ả-rập này con số đông nhiều người hơn nhiều, nhưng vẫn không làm gì được Israel.”

“Tôi nghĩ là sau cuộc chiến này quân đội Hamas sẽ không có tồn tại được. Tại vì ở đây Dải Gaza này cũng rất là nhỏ và nếu mà quân đội của Israel vào đó thì tôi dám chắc là quân đội Hamas sẽ bị thanh trừng khỏi Gaza.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18 tháng 10 đến thăm Israel để thể hiện sự ủng hộ vững chắc của nước vốn là đồng minh lớn nhất của Israel trên trường quốc tế.

Chuyến đi của ông bị xáo trộn bởi một vụ nổ chết người tại một bệnh viện ở Thành phố Gaza vào tối 17/10. Các quan chức Palestine quy trách vụ việc cho một cuộc không kích của Israel trong khi Israel khẳng định vụ nổ là do một vụ phóng tên lửa thất bại của nhóm chủ chiến Jihad Hồi giáo Palestine. Nhóm này phủ nhận trách nhiệm.

“Dựa trên thông tin mà chúng tôi có được cho đến nay, có vẻ như đó là kết quả của một tên lửa lạc hướng do một nhóm khủng bố từ Gaza bắn,” ông Biden nói.

“Hoa Kỳ dứt khoát ủng hộ việc bảo vệ sinh mạng thường dân trong cuộc xung đột và tôi đau buồn… thay cho những gia đình thiệt mạng hoặc bị thương bởi thảm kịch này,” Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Ông cũng kêu gọi người Israel chớ để sự căm thù lấn át lý trí sau vụ tấn công và tuân theo những luật lệ chiến tranh.

“Các bạn là một nhà nước Do Thái, nhưng các bạn cũng là một đất nước dân chủ,” ông Biden nói sau khi gặp các nhà lãnh đạo Israel. "Giống như Hoa Kỳ, bạn không sống theo luật lệ của những kẻ khủng bố. Bạn sống theo pháp trị ... Các bạn không thể từ bỏ những gì định hình bản sắc của các bạn."

Sau cuộc gặp với ông Biden, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ không cản trở viện trợ nhân đạo từ Ai Cập miễn là viện trợ đó là thức ăn, nước uống và thuốc men cho thường dân ở Nam Gaza hoặc những người đang di tản đến đó, và miễn là những vật phẩm này không tới tay Hamas.

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân nói ông thông cảm với hoàn cảnh của người Palestine vì ông từng chứng kiến cách mà họ bị đối xử mà ông nói là “không đẹp” trong khoảng thời gian ông làm việc ở Trung Đông. Israel nên sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để xây dựng một nền hòa bình lâu dài cho chính mình và người Palestine, ông đưa ra nhận xét.

“Khi mình làm ở đó rồi đó mình thấy nhiều khi mình cố gắng rất là nhiều mà làm cũng rất là khó chứ không phải là dễ,” ông nói. “Ở trong cái khu vực đó thì dân chúng họ rất là nóng nảy và dễ kích động. Mà hai bên kích động hết thì nhiều khi cái hậu quả rất là tai hại khi có chiến tranh.”

“Cái mà cả thế giới mong đợi là làm sao hai bên có thể đi tới một cái hòa bình lâu dài được hay không. Đó cũng là cái mong của cá nhân tôi. Không có ai muốn mà có đánh nhau mà chết chóc hết.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG