Một số nạn nhân trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2 bày tỏ với VOA nỗi băn khoăn về bản án và thi hành án, nhất là về khả năng họ có thể sớm nhận được tiền bồi thường sau hai năm vụ lừa đảo trái phiếu vỡ lở.
Hôm 17/10, trong phiên tòa xét xử giai đoạn 2 đại án Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát-SCB về việc phát hành trái phiếu rác để chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của gần 36.000 nạn nhân, bà Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án ‘Chung thân’ cho tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và bị buộc phải có trách nhiệm dân sự bồi thường cho các nạn nhân.
Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết họ sẽ tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình có liên quan đến hành vi sai phạm để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, Tòa không nêu cụ thể phương án, cách thức cũng như thời gian các nạn nhân được bồi thường.
Ngoài ra, bà Lan còn nhận mức án 12 năm tù về tội ‘Rửa tiền’ và 8 năm tù về tội ‘Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới’. Tổng hợp hình phạt cho ba tội danh là chung thân.
Bà Lan và các đồng phạm hiện đang ra tòa phúc thẩm về bản án giai đoạn 1 cho hành vi rút ruột hàng chục tỷ đô la của ngân hàng SCB mà bà đã bị tuyên mức án tử hình, tổng hợp cho ba tội danh là ‘Tham ô’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng’ và ‘Đưa hối lộ’.
‘Không hài lòng’
Từ thành phố Hồ Chí Minh, một nạn nhân chỉ cho VOA biết danh tính là Lê Vũ cho biết ông ‘hoàn toàn không hài lòng’ với kết quả bản án về nội dung bồi thường. Một trong những lý do ông nêu ra là ‘số tiền bồi thường không đúng giá trị hợp đồng’ và ‘nếu có đền bù thì tất cả các nạn nhân sẽ bị thiệt’.
Theo tìm hiểu của VOA thì Tòa án xác định giá trị mỗi trái phiếu là 100.000 đồng, tính theo giá trị phát hành cho nhà đầu tư sơ cấp, còn các nạn nhân khi được sang lại trái phiếu thứ cấp thì giá trị theo hợp đồng là từ 103.000 hay 104.000 đồng/trái phiếu. Chính vì vậy, nếu được bồi thường theo giá trị sơ cấp thì mỗi nạn nhân chịu thiệt hại vào khoảng 3-4%.
“Nếu muốn nhận lại đủ tiền thì nạn nhân lại phải đi kiện thêm vụ kiện dân sự. Điều đó là không công bằng và gây khó cho dân,” ông nói.
Ngoài ra, ông Lê Vũ cũng không tin rằng các nạn nhân sẽ sớm nhận lại được tiền của mình dù đã chờ đợi mỏi mòn hơn hai năm. “Cách mà Toà quyết định sẽ cho C03 (Cục Cảnh sát điều tra về các tội phạm tham nhũng-kinh tế) điều tra thêm các tài sản liên quan, các tài sản kê biên rồi sẽ bán thu hồi bồi thường – quy trình đó khiến tôi chưa tin sẽ có số tiền lớn ngay để trả đủ cho số đông nạn nhân,” ông lý giải.
Đó mới chỉ là các nạn nhân có tên trong vụ án hình sự, còn hàng chục ngàn nạn nhân khác cũng bị SCB lừa mua các mã trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan nhưng nằm ngoài vụ án hình sự chưa được Tòa xem xét, nạn nhân này cho biết.
Cũng như ông Lê Vũ, một nạn nhân khác là anh Trần Gia An sống tại thành phố Thủ Đức cho biết anh không hài lòng với kết quả bản án.
“Tòa án không hề nêu rõ thời gian và đặc biệt là cách thức sẽ bồi thường tiền cho người bị hại mà chỉ nói chung chung là ưu tiên đưa về giải quyết dân sự,” anh bày tỏ với VOA.
“Nếu là giải quyết dân sự với bà Lan thì bà ta muốn dùng tiền và tài sản đã chuẩn bị chi trả cho trái chủ như lời bà Lan và luật sư đã nói tại tòa thì Nhà nước có chấp nhận hay không, trong khi tài sản còn dính líu tới giai đoạn một của vụ án? Và nếu giải quyết dân sự không ổn thỏa thì lại tiếp tục thưa kiện và xét xử ra sao?”
‘Không biết khi nào’
Trả lời câu hỏi của VOA về khả năng sẽ nhận được tiền bồi thường như bản án tòa tuyên, anh Ngô Gia An nói anh tin là các nạn nhân sẽ nhận lại được tiền nhưng ‘vấn đề là không biết là khi nào’.
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới rất nhiều gia đình tại Việt Nam nên không thể xử lý chỉ bằng cách nói yên lòng dân là được đâu,” anh cho biết.
Khi được hỏi liệu SCB có trách nhiệm bồi thường liên đới với bà Trương Mỹ Lan hay không vì đã dụ dỗ khách hàng mua trái phiếu, nạn nhân này cho rằng SCB ‘cũng chỉ là công cụ của bà Lan để lừa tiền từ nạn nhân’ và ‘quan trọng hơn là liệu bây giờ SCB còn có khả năng chi trả hay không khi tài sản và tiền của vụ án này hiện tại do nhà nước quản lý’.
Anh cho biết nhiều nạn nhân mong nhận được cả tiền gốc và lãi nhưng anh cho rằng ‘nếu được hoàn trả lại đủ tiền gốc đã là điều đáng mừng rồi’. “Đây là một vụ án hình sự nên chắc chắn nạn nhân có thể phải chịu thiệt hại dù ít hay nhiều,” anh nói.
Từ Quận Lê Chân, Hải Phòng, bà Vũ Mai Hoa, người bị thiệt hại nhiều tỷ đồng do mua trái phiếu bằng tiền tiết kiệm để dưỡng già, cho biết hiện giờ bà rất ‘mông lung’ vì ‘chưa biết chính xác sẽ được bồi thường kiểu gì’.
Theo lời bà thì theo giá trị hợp đồng thì bà đã mua 103.000 đồng một trái phiếu, giờ chỉ được bồi thường 100.000 đồng/trái phiếu thì mỗi một tỷ bà sẽ mất 30 triệu đồng. “Cái đó thì mình chấp nhận vì án hình sự đâu có trả lãi,” bày nói với VOA.
Bà nói bà sẽ chấp nhận phán quyết của tòa chứ không kháng cáo nhưng có nguyện vọng ‘sớm nhận lại tiền’ vì bà đã lớn tuổi mà không có lương hưu nên trông cậy vào số tiền đó để không phải phụ thuộc vào con cái.
“Mong Nhà nước thấu hiểu lòng dân. Bản thân tôi cũng tin Nhà nước sẽ làm sao hợp lòng dân là thu hồi các tài sản của bà Lan để nhanh chóng bồi thường thiệt hại cho người dân,” bà giãi bày và nói rằng các nạn nhân như bà ‘toàn là bị lừa’ vì ‘không có ai tự nguyện bỏ tiền mua trái phiếu vô lý như thế cả’.
Bà cho biết nếu quy trình thi hành án kéo dài thì bà cũng phải đợi nhưng ‘nếu kéo dài quá thì dân không chịu nổi. “Đồng tiền bây giờ đã mất giá rất nhiều so với lúc trước nên tôi mong muốn lấy lại được tiền càng sớm càng tốt,” bà nói.
‘Mất lòng tin vào ngân hàng’
Khác với anh Ngô Gia An, bà Vũ Mai Hoa cho rằng ngân hàng SCB cũng phải có nghĩa vụ ồi thường cho các nạn nhân.
“Mọi nguồn cơn đều là từ SCB mà ra. Toàn bộ hồ sơ mua bán là do SCB làm. Nếu là bên khác mình không tin tưởng thì không bao giờ mình chuyển vài tỉ cho họ như đã chuyển cho SCB cả,” bà giải thích.
“Chưa bao giờ mình tin tưởng vào ngân hàng mà bị mất tiền một cách vô lý như vậy. Nếu như mình cho vay bên ngoài hay đầu tư mạo hiểm mà mất tiền thì mình chấp nhận nhưng mất tiền một cách lãng xẹt như vậy thì rất là ấm ức,” bà Hoa nói thêm.
Khi được hỏi về bản án chung thân dành cho bà Trương Mỹ Lan, bà Hoa nói là ‘xứng đáng’ vì ‘số tiền chiếm đoạt quá lớn’ và ‘đã gây đau khổ cho rất nhiều người’.
Tuy nhiên, nếu như bà Trương Mỹ Lan làm được như những gì bà hứa trước Tòa là bồi thường đầy đủ cho các nạn nhân thì bà nói các nạn nhân ‘cũng sẽ xin giảm án phần nào’ cho bà ấy.
Anh Ngô Gia An nói từ vụ việc này, niềm tin của anh vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam ‘đã không còn’.
“Còn về việc mua trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam thì chắc chắn tôi và nhiều nạn nhân trong vụ án Vạn Thịnh Phát – SCB lần này sẽ không bao giờ dám nhắc tới tới nữa,” anh An nói.
Về phần mình, ông Lê Vũ nói bài học ông rút ra là ‘không tin vào các ngân hàng Việt Nam nữa’ và ‘sau này phải đọc kĩ tất cả các văn bản, hợp đồng lưu hành trong hệ thống hành chánh, kinh tế, xã hội Việt Nam’
“Cho dù xảy ra việc gì, người dân vẫn là bên chịu thiệt nhiều nhất. Các cơ quan chức năng vào cuộc chậm trễ, bảo vệ dân không tốt và chung cuộc vẫn giải quyết không thoả đáng.”
Diễn đàn