Đường dẫn truy cập

Trung ương Đảng họp bất thường, quyết tinh gọn hệ thống chính trị


Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/11/2024.
Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/11/2024.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII vừa tổ chức một cuộc họp bất thường hôm 25/11, trong đó, việc thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, theo thông cáo báo chí của Ban được đăng trên trang tin của chính phủ Việt Nam.

“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”, Tổng bí thư Tô Lâm nói trong bài phát biểu bế mạc hội nghị chỉ kéo dài có nửa ngày.

Người đứng đầu đảng Cộng sản yêu cầu việc kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I năm 2025. Trong đó, ông yêu cầu phải “khách quan, dân chủ, khoa học”, tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài… để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ngoài ra, việc tinh gọn bộ máy phải gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có biên chế hợp lý, và có chính sách thu hút và sử dụng người có năng lực nổi trội, vẫn theo lời của tổng bí thư Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Tô Lâm cũng thừa nhận vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng nhưng “còn nhiều việc chưa làm được” khi hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, việc phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Vì vậy, Tổng bí thư Việt Nam yêu cầu phải “thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính”.

Hiện hệ thống Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm 8 ban: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dận vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương.

Chính phủ có 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Ngoài ra, còn có 4 cơ quan ngang bộ: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Phía Quốc hội, với 10 cơ quan chuyên môn và 9 ủy ban, cũng được yêu cầu phải quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban theo hướng giảm cấp phó và ủy viên thường trực.

Tổng bí thư Việt Nam yêu cầu bộ máy mới sau khi được tinh gọn phải “tốt hơn bộ máy cũ” và đi vào hoạt động ngay để không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Về vấn đề nhân sự, Ban chấp hành Trung ương Đảng tại hội nghị đã quyết định khai trừ khỏi đảng các ông Phạm Văn Vọng, cựu Uỷ viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc; ông Ngô Đức Vượng, cựu Uỷ viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ; ông Nguyễn Doãn Khánh, cựu Uỷ viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ. Các ông này bị cho là “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo tại các Đảng bộ tỉnh, "vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm".

Với cáo buộc vi phạm chung chung tương tự, Ban chấp hành Trung ương cũng xem xét, cho thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đối với ông Bùi Văn Cường, cựu Tổng Thư ký Quốc hội, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Một nội dung khác cũng được đề cập đến tại hội nghị bất thường của Trung ương Đảng là vấn đề điện hạt nhân. Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân là rất cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Ông nói quyết định dừng thực hiện điện hạt nhân trước đây của Trung ương đảng là “do một số khó khăn nhất định”, nhưng không nêu cụ thể khó khăn gì. Theo ông, việc tái thực hiện nghiên cứu phát triển điện hạt nhân hiện nay là do yêu cầu phát triển của đất nước và do đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG