“Làng tỷ phú” ở Việt Nam phất lên nhờ tái chế nhựa, nilon đang đứng trước nguy cơ mất đi hoạt động thương mại khổng lồ vì không đáp ứng các quy tắc toàn cầu mới, theo ghi nhận của Reuters hôm 26/11.
Làng Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai của tỉnh Hưng Yên) được hãng thông tấn Anh mô tả là tràn ngập các túi rác trôi nổi trên kênh đào chảy qua làng, những con phố hẹp thì bị tắc nghẽn bởi những đống rác thải nhựa cao ngất ngưởng tràn ra từ sân trước nhà của người dân và chất đống gần các lò đốt phế liệu không thể tái chế.
Cái gọi là “làng nghề” tái chế nhựa này, cách thủ đô Hà Nội một giờ lái xe, là nơi một số loại nhựa được phân loại để tái chế tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu được đưa đến để xử lý cuối cùng.
Các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc tuần này đang thảo luận về các quy tắc toàn cầu mới có thể hạn chế hoạt động thương mại này, mà dữ liệu của LHQ cho thấy có giá trị 3,8 tỷ USD vào năm ngoái. Các quy định trong nước chặt chẽ hơn đối với hoạt động nhập khẩu rác thải cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam từ năm tới, vẫn theo Reuters.
Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia nhập khẩu phế liệu nhựa lớn trong những năm gần đây sau khi Trung Quốc, từng là quốc gia đứng đầu trong ngành, đã cấm nhập khẩu vào năm 2018. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được Reuters dẫn lại, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn thứ tư thế giới vào năm 2022.
Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến trong lượng nhập khẩu đó diễn ra trong khi Việt Nam đang phải vật lộn để tái chế ngay cả rác thải nhựa của chính mình.
Reuters dẫn lời các chuyên gia và quan chức cho biết những hạn chế bổ sung có thể làm giảm hoạt động thương mại, và quy mô lớn của ngành công nghiệp phi chính thức trong nước có thể khiến cho việc theo dõi luồng thương mại và tỷ lệ tái chế trở nên khó khăn.
Từ phân loại đến chôn rác
Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo năm 2021 rằng hơn một phần tư công suất tái chế nhựa của Việt Nam tập trung ở các làng nghề như Minh Khai, lưu ý rằng công suất dự phòng để xử lý nhựa nhập khẩu lên tới 300.000 tấn, theo Reuters.
Dữ liệu của LHQ cho thấy con số này thấp hơn nhiều so với 420.000 tấn phế liệu nhựa mà Việt Nam nhập khẩu vào năm ngoái, tăng 11% so với năm 2022, vốn không phản ánh toàn bộ khối lượng.
Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam không trả lời yêu cầu cung cấp số liệu cập nhật của Reuters.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hoạt động tái chế đang bị cản trở do không thể phân loại rác thải nhựa đúng cách, cả ở trong vào ngoài Việt Nam. Báo cáo của WWF do chính phủ hỗ trợ vào năm 2023, được Reuters trích dẫn, cho thấy chỉ có 30% rác thải nhựa từ Việt Nam được phân loại.
Do đó, theo công ty nghiên cứu FiinGroup được hãng tin Anh trích dẫn, bất chấp chi phí vận chuyển, các nhà tái chế của Việt Nam vẫn dựa vào phế liệu nhựa nước ngoài chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên theo ước tính, Việt Nam chỉ tái chế được tới một phần ba lượng rác thải nhựa nhập khẩu, theo một nghiên cứu của FiinGroup được công bố vào tháng 1.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, Kaustubh Thapa, đến từ Đại học Utrecht của Hà Lan, cho biết một phần là do một số loại nhựa nhập khẩu thường được trộn với rác thải hữu cơ khiến việc xử lý trở nên khó khăn hoặc không thể xử lý được, theo Reuters.
Một người làm công việc tái chế tại làng Minh Khai thì tỏ ra lạc quan hơn. “Lượng rác thải nhập khẩu không thể tái chế thường chiếm khoảng 5% khối lượng, nhưng đôi khi lên tới 25%”, người có tên Chi và từ chối cung cấp tên họ, cho Reuters biết.
Theo hãng tin Anh, hầu hết những người được liên lạc trực tiếp hoặc qua điện thoại tại làng Minh Khai đều từ chối trả lời phỏng vấn với truyền thông vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Theo báo cáo của WWF, phần lớn nhựa không tái chế được đổ vào các bãi chôn lấp “không hợp vệ sinh” và khoảng 15% trong số đó được thải trực tiếp ra môi trường và đại dương.
“Việc xuất khẩu rác thải để tái chế đến các điểm đến không có năng lực tái chế hợp lý đặt ra câu hỏi về tính công bằng và tính bền vững”, bài báo nghiên cứu của Tiến sỹ Thapa và các đồng tác giả kết luận.
Diễn đàn