Hoa Kỳ mới ký kết một thỏa thuận với phía Việt Nam nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á này giảm ô nhiễm chất thải nhựa y tế.
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Aler Grubbs hôm 20/1 chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), một tổ chức địa phương được nhận tài trợ trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu Ô nhiễm của USAID.
USAID cho biết rằng CHERAD và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ “sẽ hợp tác để giảm ô nhiễm chất thải nhựa y tế thông qua thí điểm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế với hỗ trợ từ dự án Giảm thiểu Ô nhiễm của USAID”.
Tin từ phía Mỹ cho hay, mô hình này dự kiến sẽ giúp giảm khoảng 70% chi phí xử lý rác thải y tế tại các cơ sở y tế.
Theo USAID, ngoài Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mô hình này sẽ được thí điểm tại 4 đơn vị khác ở Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định trong thời gian tới.
Phía Mỹ cho biết rằng dự kiến sau giai đoạn thí điểm, mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế sẽ được nhân rộng ra các bệnh viện cả nước.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cuối năm ngoái, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết rằng dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” của cơ quan này đã hỗ trợ Việt Nam từ năm 2020 nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua một mạng lưới các đối tác có chung mối quan tâm này.
USAID nói rằng Việt Nam “nằm trong số 5 quốc gia” gây ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nhiều nhất trên thế giới và tại Việt Nam, “ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỷ lệ nhựa chiếm từ 10-20%”.
Theo Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (VOHUN), tỷ lệ rác nhựa và túi nilon dùng một lần ở các đô thị Việt Nam “đang tăng lên nhanh chóng, chiếm từ 10 đến 20% chất thải rắn sinh hoạt”.