Đường dẫn truy cập

Viện kiểm sát: muốn thoát án tử, Trương Mỹ Lan phải nộp gần 11 tỉ USD


Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa phúc thẩm vụ rút ruột ngân hàng SCB hồi tháng Tư
Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa phúc thẩm vụ rút ruột ngân hàng SCB hồi tháng Tư

Bà Trương Mỹ Lan đã xin Tòa giảm án tử hình trong lời nói cuối cùng tại phiên phúc thẩm vụ rút ruột ngân hàng SCB trong khi phía Viện kiểm sát đã dẫn luật để cho rằng bà Lan phải nộp lại 280.000 tỉ đồng thì mới có cơ hội thoát án tử, theo truyền thông trong nước và quốc tế cho biết.

Nữ chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang hầu tòa phúc thẩm từ ngày 4/11 với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt mà Tòa án sơ thẩm đã tuyên hồi tháng Tư với mức án tổng hợp là tử hình trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB.

Đáp lại lập luận của luật sư bà Lan cho rằng bà cần được giảm án vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/11 nói rằng bà Lan phải nộp 280.000 tỉ đồng, tức gần 11 tỉ USD, thì mới có cơ sở xem xét giảm án tử, theo tường thuật của tờ Thanh niên.

Theo lời của phía công tố được tờ báo này dẫn lại, trong quá trình xử lý tài sản của bà Lan để thi hành án, nếu bà Lan tích cực bồi thường thì có thể nộp đơn lên Chủ tịch nước xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Viện kiểm sát đưa ra yêu cầu này dựa trên một điều luật là khoản 3 của điều 40 bộ luật Hình sự mà theo đó nếu bị cáo giao nộp ít nhất 3/4 tài sản tội tham ô thì được miễn án tử hình.

‘Tham ô’ là một trong ba tội danh mà bà Lan đã bị xét xử trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB và cũng là tội nghiêm trọng nhất mà bà Lan đã bị tuyên án tử hình. Đối với hai tội danh còn lại, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’, bà Lan nhận mức án 20 năm tù cho mỗi tội danh.

Tại phiên xử phúc thẩm hôm 15/11, Viện kiểm sát đã đề nghị y án đối với bà Lan cho hai tội ‘Tham ô’ và ‘Đưa hối lộ’ nhưng giảm án từ 20 năm xuống còn 16-18 năm tù cho tội ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’.

Theo kết luận điều tra được Bộ Công an công bố, trong giai đoạn từ năm 2018 đến ngày 7/10 năm 2022, tức là khi bà Lan bị bắt, nữ tỷ phú này đã vay khống của SCB để chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng. Số tiền này đã phát sinh 129.000 tỉ đồng tiền lãi. Đây là cơ sở để bà Lan bị truy tố về tội ‘Tham ô’.

Mặc dù Tòa ghi nhận bà Lan đã thừa nhận sai phạm, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và đã có nỗ lực khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án nhưng vẫn chưa đủ để được giảm án tử hình, cũng theo Thanh niên.

“Số tiền tham ô là lớn chưa từng có trong lịch sử. Hậu quả để lại này không biết đến khi nào mới khắc phục, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, nền kinh tế, thị trường tài chính bất động sản… Để ngân hàng không đổ vỡ, phá sản thì nhà nước phải nỗ lực rất nhiều. Mà tiền của nhà nước là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân,” đại diện Viện kiểm sát được Thanh niên dẫn lời nói trong phiên phúc thẩm.

Trong lời nói cuối cùng trước Tòa được hãng tin Pháp AFP dẫn lại, bà Trương Mỹ Lan được cho là đã xin Tòa miễn án tử hình vì bà đang cố gắng bồi thường thiệt hại cho ngân hàng SCB.

“Suy nghĩ duy nhất của tôi là làm thế nào để trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và người dân. Tôi không nghĩ về những thiệt hại cho bản thân và gia đình tôi,” bà Lan được AFP dẫn lời nói. “Tôi cảm thấy đau buồn vì làm thiệt hại nguồn lực đất nước.”

“Xin Tòa hãy xem xét giảm án cho tôi,” bà nói trước Tòa và cho rằng cách nhanh nhất để đền bù thiệt hại là “thanh lý SCB và bán tài sản của chúng tôi để trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước và người dân”.

Trang mạng VnExpress cho biết bà Lan đã khóc khi nói lời sau cùng trước Tòa. Bà nói bà “đã phải trả giá quá đắt” và “cam kết khắc phục hậu quả”.

Bà cũng trang mạng dẫn lời nói là bà “không bao giờ có ý định tham ô hay chiếm đoạt tài sản” và bản thân bà “đã hy sinh cả cuộc đời, mất tất cả tài sản, tiền bạc, cống hiến”. Bà cũng chia sẻ về ba ước mơ của cuộc đời bà là xây dựng bệnh viên đa khoa quốc tế; xây nhà ở xã hội và cuối cùng là xây trường học cho người dân khó khăn, cũng theo tường thuật của trang mạng này.

Tổng số tiền mà bà Trương Mỹ Lan được xác định đã gây thiệt hại cho SCB, tính cả gốc lẫn lãi, là 673.800 tỉ đồng, tương đương 27 tỷ USD, trong đó có số tiền mà bà Lan được cho là đã ‘Tham ô’, theo bản án giai đoạn một được báo chí trong nước dẫn lại.

Bà Lan được cho là đã giao 658 tài sản không thế chấp cùng dự án 6A tại khu Trung Sơn và nộp thêm số tiền mặt gần 3.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, theo lời Viện kiểm sát được Vietnamplus dẫn lại tại phiên phúc thẩm ngày 15/11.

Ngoài vụ án rút ruột ngân hàng SCB, bà Lan còn bị truy tố tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ vì đã phát hành trái phiếu rác lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng, tức 1,2 tỉ USD, của gần 36.000 nạn nhân khắp cả nước. Bà đã bị Tòa tuyên án chung thân hôm 17/10 trong phiên tòa giai đoạn hai của vụ án.

Vụ án của bà Lan tại ngân hàng SCB là vụ án kinh tế có hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước bà Lan, bị cáo Tăng Minh Phụng trong đại án kinh tế Minh Phụng-EPCO vào những năm 90 của thế kỷ trước đã từng bị tuyên án tử hình về tội ‘Lừa đảo’. Sau đó, ông Phụng đã bị hành quyết. Tuy nhiên, con số thiệt hại mà ông Phụng gây ra không thấm tháp gì so với của bà Lan.

Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội từng nhận định với VOA rằng “nếu bà Lan có thể khắc phục được gần hết số tiền thiệt hại thì có thể bà sẽ không bị tử hình”.

Ông Hải dẫn lại bài học kinh nghiệm là đã tử hình ông Phụng nhưng “sau này người ta cảm thấy không cần thiết” vì tài sản bị thu giữ của ông Phụng có thể khắc phục hết thiệt hại.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG